Bảo tàng Côn Đảo - công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội

Thứ ba, 06/07/2010 18:15

(ĐCSVN)- Công trình Bảo tàng Côn Đảo (Huyện Côn Đảo- Bà Rịa Vũng Tàu) được khởi công xây dựng vào tháng 12/2009. Đây là công trình văn hóa lớn nhằm chào mừng 20 năm thành lập tỉnh (1991-2010) và hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long –Hà Nội. Thành phố Hà Nội tài trợ gần 40 tỷ đồng cho công trình này.

Với tinh thần “Côn Đảo với cả nước - cả nước vì Côn Đảo”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gần 40 tỷ đồng để xây dựng Nhà Bảo tàng Côn Đảo. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 65,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 36,4 tỷ đồng và chi phí để trưng bày 18 tỷ đồng.

Nhà Bảo tàng Côn Đảo được xây dựng trên diện tích 20.940m2, bao gồm: phòng trưng bày; kho hiện vật và kho phục chế tư liệu hiện vật; hội trường; khu làm việc và các công trình phụ trợ khác. Trong đó phần trưng bày trong nhà chiếm 1.700m2, bao gồm một gian khánh tiết và một gian trưng bày với 4 chủ đề: Côn Đảo - đất nước con người; Côn Đảo - địa ngục trần gian; Côn Đảo - trường học đấu tranh cách mạng; Côn Đảo ngày nay. Phần trưng bày ngoài trời gồm các tư liệu, hiện vật, mô hình có thể tích hình khối lớn thuộc chủ đề Côn Đảo xưa và nay. Công trình nhà Bảo tàng Côn Đảo được xây dựng làm nơi lưu giữ những di sản văn hóa, lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam để phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững của huyện Côn Đảo. Bước đầu để có những định hướng sưu tầm hiện vật phù hợp với nội dung trưng bày tại Nhà bảo tàng Côn Đảo, Ban Quản lý di tích lịch sử huyện Côn Đảo đã xây dựng đề cương trưng bày chi tiết dựa trên các thiết kế mỹ thuật trong trưng bày.

Hiện vật sử dụng trong trưng bày gồm có: Hiện vật bảo tàng (hiện vật gốc) và hiện vật do Ban Quản lý di tích lịch sử huyện Côn Đảo làm ra để phục vụ cho công tác trưng bày. Hiện nay, phòng trưng bày khu di tích nhà tù Côn Đảo có tổng số 695 tài liệu hiện vật, trong đó có 384 tài liệu hiện vật gốc. Tại kho cơ sở hiện đang lưu giữ 4.501 tài liệu hiện vật gốc, trong đó nguồn tư liệu giấy của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để lại chiếm một nửa số tài liệu. Ban Quản lý di tích lịch sử huyện Côn Đảo đã tổ chức các nhóm và cá nhân có trình độ nghiệp vụ, am hiểu lịch sử nhà tù Côn Đảo và lịch sử địa phương, trực tiếp sưu tầm, thu nhận tài liệu hiện vật hình ảnh tại các cơ quan, tổ chức đoàn thể và các cựu tù chính trị Côn Đảo, đồng thời gặp gỡ nhân chứng để ghi chép những mẩu chuyện kể về những hoạt động đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực