Bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Đông Anh

Thứ năm, 07/01/2010 15:21

  
                  Ảnh minh hoạ: Internet 

"Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” là câu hát nổi tiếng trong trò “Múa đèn” thuộc các làn điệu dân ca, dân vũ Đông Anh. Việc bảo tồn, lưu giữ kho báu độc nhất vô nhị, hồn Việt từ mấy ngàn năm là rất cần thiết nhưng bảo tồn và phát huy như thế nào đây khi các làn điệu dân ca, dân vũ Đông Anh đã hàng chục năm dài vắng bóng, lớp nghệ nhân hiểu rõ về các làn điệu cổ - người còn, người mất.

Cùng với sự ra đi của các nghệ nhân, nhiều trò diễn trong các làn điệu cổ cũng mai một dần...Trước thực tế đó, được sự trợ giúp của Viện Âm nhạc Việt Nam, xã Đông Anh và huyện Đông Sơn chung tay đầu tư hơn 500 triệu đồng tiến hành sưu tầm, khôi phục, lưu giữ lại các lời ca, trò diễn trong kho tàng dân ca, dân vũ Đông Anh. Bằng nhiều hình thức như sưu tầm tư liệu, “sưu tầm” nghệ nhân từ làng Viên Khê (nơi phát tích của dân ca Đông Anh), từ trí nhớ của các nghệ nhân để ghi chép lại lời ca, điệu múa...; tổ khúc nào dễ làm, dễ nhớ sẽ khôi phục trước. Chia sẻ những khó khăn trong quá trình sưu tầm, khôi phục các làn điệu dân ca Đông Anh, chị Phạm Thị Năm - Trung tâm Văn hoá huyện Đông Sơn cho biết: Các nghệ nhân chính là những “cái trò” (những người hát chính) còn lại đến hôm nay đều đã trên 80, trí nhớ đã kém phần minh mẫn, lúc nhớ thế này, lúc nhớ thế khác, vì thế việc khôi phục gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải ghi lại, sắp xếp lại các chi tiết để các cụ chỉnh sửa lần cuối cùng, sau đó mới đem những bản thảo được xem là gần nhất với nguyên bản của dân ca Đông Anh phổ biến rộng ra”. Trong các điệu múa của dân ca Đông Anh, khó nhất vẫn là động tác “đánh lá lật” trong tổ khúc múa đèn. Đây là động tác người nằm lăn qua lăn lại để thể hiện các điệu múa mà trên đầu vẫn đội đĩa đèn, không được làm đèn rơi hoặc tắt... Sau 4 năm miệt mài, đến nay, dân ca Đông Anh đã “trở lại” với 12 trò diễn gồm: Múa Đèn, Trống Mõ, Tiên Cuội, Nữ Quan, Bắt Cọp, Thiếp, Ngô, Hà Lan, Thủy, Xiêm Thành, Tú Huần và Sim Thành.

Không dừng lại ở đó, ngay sau khi khôi phục được trò diễn nào, xã Đông Anh đều động viên các nghệ nhân truyền dạy lại cho nhân dân trên địa bàn. Đến nay, 8 thôn trong xã đều có câu lạc bộ dân ca với đủ các lứa tuổi tham gia. Từ năm học 2008 đến nay, Phòng Giáo dục huyện Đông Sơn đưa dân ca vào hệ thống trường học các cấp để giáo viên và học sinh được học, được tìm hiểu, khám phá và phát huy giá trị văn hoá của địa phương. Liên tiếp các năm học 2008-2009, 2009-2010, trong các liên hoan cấp tỉnh dành cho lứa tuổi học sinh như “Bé hát dân ca”, “Giai điệu tuổi hồng”, huyện Đông Sơn luôn dẫn đầu với các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống.

Sinh ra và lớn lên ở làng Viên Khê (xã Đông Anh), cụ ông Nguyễn Sỹ Lịch hiện đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Cụ khẳng định: “Dù trải qua một thời gian dài người ta lãng quên dân ca Đông Anh, cuộc sống xô bồ đã làm bao giá trị đổi thay nhưng chất dân ca đã ngấm vào máu, vào thịt của người dân nơi này. Bởi vậy, khi các cấp chính quyền bàn chuyện khôi phục, giữ gìn các làn điệu dân ca cổ, lớp người đi trước như chúng tôi rất hào hứng. Chưa bao giờ những cụ ông, cụ bà tóc đã bạc, răng đã long lại say sưa với dân ca xứ mình đến thế. Ai cũng mong được đóng góp công sức của mình để dân ca Đông Anh hồi sinh, đưa dân ca trở lại thời hoàng kim ngày nào. Vui nhất là cứ tối tối, sau 1 ngày lao động vất vả, lớp cháu con lại quây quần lại để nghe, học, hát, múa những làn điệu dân ca của cha ông. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca không còn là chuyện của một hay vài người mà là sự đóng góp của mọi người dân trong xã, trong huyện. Điều này giúp chúng tôi tin rằng, cái hồn dân tộc, hồn xứ Thanh ấy sẽ không bao giờ mất đi mà sẽ mãi mãi ở lại cùng hậu thế”. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc khôi phục, truyền dạy dân ca Đông Anh, năm 2009, cụ Lịch đã được Viện trưởng Viện Âm nhạc tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể.

Tuy nhiên, niềm trăn trở lớn nhất của những người tâm huyết với dân ca Đông Anh là làm sao đưa những làn điệu dân ca này vượt ra khỏi luỹ tre làng, thực sự có chỗ đứng trong lòng công chúng trong và ngoài nước. Thời gian qua, các câu lạc bộ ở xã Đông Anh đã tham gia nhiều liên hoan, hội diễn nhưng không để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng gần xa bởi tính chất “cây nhà lá vườn” còn quá đậm nét. Thiết nghĩ, ngoài việc duy trì các câu lạc bộ như hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hoá và huyện Đông Sơn cần xây dựng, tuyển chọn một câu lạc bộ hoặc một đội múa hát dân ca chuyên nghiệp hơn, hoạt động bài bản hơn, có đủ tiềm năng, thế mạnh để tham dự các hội diễn, các chương trình lớn quy mô toàn quốc. Mùa xuân về, những tổ khúc hát múa nổi tiếng của dân ca Đông Anh lại tiếp tục vang lên rộn ràng hơn bao giờ hết trong những lễ hội đầu năm mới:

“Lên chùa bẻ một cành sen
Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng
Ba bốn cô có hẹn cùng chăng?
Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm
Muốn cho trong ấm ngoài êm...”  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực