Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam

Thứ năm, 18/06/2020 21:46
(ĐCSVN) - Hội thảo “Rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam” là cơ hội để các đại biểu tham gia vào một quá trình đánh giá, rà soát chính sách một cách dân chủ để đảm bảo sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam, cũng như sự sáng tạo của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường thế giới.

Ngày 18/6 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức hội thảo “Rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, hội thảo là cơ hội để các đại biểu tham gia vào một quá trình đánh giá, rà soát chính sách một cách dân chủ để đảm bảo sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam, cũng như sự sáng tạo của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường thế giới. Đồng thời, hội thảo mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu cho dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2016-2019 thực hiện Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá, đặc biệt là các sáng kiến của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Báo Tổ quốc) 

Theo bà Nguyễn Phương Hòa việc xây dựng và đánh giá chính sách không phải là quá trình từ trên xuống mà cần có sự tham gia tích cực của chính các đối tượng thụ hưởng và chịu tác động để chính sách thiết thực và đạt hiệu quả. Đây chính là bài học sâu sắc được rút ra trong quá trình thực thi Công ước UNESCO 2005 tại Việt Nam.

Tại hội thảo, bà Louise Holmsgaard, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và cần phải nhận thức được bản chất cụ thể của hàng hóa và dịch vụ văn hoá. Cùng với đó, cần phải hiểu thấu đáo khía cạnh kinh tế và khía cạnh văn hóa cũng như các sự đa dạng của nghệ thuật. “Điều đó đòi hỏi Chính phủ Việt Nam có những chính sách nuôi dưỡng sự sáng tạo và tự do biểu đạt, tạo điều kiện thuận lời cho các nghệ sỹ, các nhà thực hành văn hóa thể hiện các tác phẩm của mình tới công chúng” - bà Louise Holmsgaard khẳng định.

Dịp này, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các nhà nghiên cứu của Viện đã giới thiệu tại hội thảo Mẫu Báo cáo quốc gia trực tuyến mới của Công ước cũng như quá trình nghiên cứu, thu thập số liệu xây dựng dự thảo Báo cáo quốc gia của Tổ Biên soạn. Các thành viên của Tổ Biên soạn đã trình bày từng phần nghiên cứu của mình và ghi nhận những ý kiến đóng góp và phản hồi của các đại biểu tại hội thảo nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo trình Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt trước khi đệ trình UNESCO theo quy định của Công ước.

H.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực