Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững

Thứ hai, 13/05/2019 17:03
(ĐCSVN) - Sáng 13/5, tại điện Tam Thế thuộc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam), Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế trình bày tham luận tại Diễn đàn: “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững”. Ảnh: Minh Ân

Hội thảo có 5 Diễn đàn thu hút 359 bài tham luận của lãnh đạo Phật giáo thế giới, quan chức cấp cao, các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Tham dự hội thảo có hơn 1.600 đại biểu khách quốc tế đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà Lãnh đạo Phật giáo quốc tế, chư vị giáo sư, tiến sĩ và đông đảo quý đại biểu, khách quý tham dự.

Chủ đề của Hội thảo quốc tế Vesak 2019 là: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Ban Tổ chức đã chia năm diễn đàn của Hội thảo quốc tế bao gồm: Diễn đàn 1: “Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững”; Diễn đàn 2: “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững”; Diễn đàn 3: “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu”; Diễn đàn 4: “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0”; Diễn đàn 5: “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững”.

Trưởng lão, Hòa thượng, Phó Pháp chủ Thích Đức Nghiệp trình bày tham luận tại Diễn đàn “Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững”. Ảnh: Hoài Thái

Tại mỗi diễn đàn, Ban Tổ chức Hội thảo đã thỉnh mời rất nhiều chư vị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực Phật học đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trình bày tham luận, phát biểu. Mỗi bài tham luận đều có đóng góp chính kiến khác nhau, tuy nhiên đều trên tinh thần khẳng định sự đóng góp của Phật giáo vào kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời đóng góp vào giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu đang đặt ra.

Tại các diễn đàn của Hội thảo đã có rất nhiều câu hỏi vấn đáp và phần thảo luận sôi nổi. Tại Diễn đàn 01 với chủ đề: “Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững” có 62 bài tham luận; Diễn đàn 02 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững” có 140 bài tham luận; Diễn đàn 03 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu” có 77 bài tham luận; Diễn đàn 04 với chủ đề: “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” có 16 bài tham luận; Diễn đàn 05 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững” có 64 bài tham luận.

Các đại biểu tại Diễn đàn “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững”. Ảnh: Đăng Huy

Với tổng số hơn 300 tham luận, Hội thảo quốc tế đã đi đến thống nhất một số giải pháp để giải quyết và cùng hướng đến chủ đề chính của Đại lễ Vesak 2019 “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Riêng tại Diễn đàn “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0”, các ý kiến tham luận đều có phần nội dung nhận định: Những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần hỗ trợ Phật giáo trong hoạt động tổ chức, quản lý và hoằng pháp, góp phần đưa Phật giáo tới gần hơn nữa sinh hoạt, đời sống nhân loại…

Tại Diễn đàn“Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu”. Ảnh: SN

Với tất cả những nỗ lực của sự nhiệt tâm, đóng góp trí tuệ cá nhân và tập thể vì mục đích lợi ích của toàn nhân loại. Các vấn đề thống nhất sau cùng sẽ đi đến Tuyên bố chung - Tuyên bố Hà Nam vào ngày mai (14/5), thời gian diễn ra bế mạc chương trình Đại lễ Vesak 2019.

Có thể khẳng định, Đại lễ Vesak 2019 lần thứ 3 tổ chức tại Việt Nam đã đem lại những giá trị tích cực cho toàn nhân loại, mở ra chương mới về sự bền vững của gia đình, sự bình đẳng, hòa bình bác ái cho toàn xã hội./.

Trần Sơn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực