Cấm đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành

Thứ ba, 27/02/2018 17:35
(ĐCSVN) - Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có Công văn số 31/CV-HĐTS đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Mặc dù văn bản này đi ngược với thói quen bao đời của người dân nhưng nó lại hoàn toàn phù hợp với triết lý nhà Phật và là một văn bản cần thiết góp phần loại bỏ mê tín dị đoan, tăng cường nét đẹp trong các lễ hội...

Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

 

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
Phó trưởng ban kiêm Tránh thư ký Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh (Ảnh:K.T)

 

Phóng viên (PV): Thưa Thượng tọa, vừa rồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Công văn số 31/CV-HĐTS về việc cấm đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự, Thượng tọa có thể cho biết văn bản này phù hợp như thế nào với triết lý nhà Phật?

Thượng tọa Thích Đạo Hiển: Đốt vàng mã là một thói quen tập tục, tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Việc đốt vàng mã hoàn toàn không có trong triết lý kinh sách của đạo Phật. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tập tục Trung Quốc xa xưa, nhiều năm nay, nhân dân vẫn có thói quen đốt vàng mã tại các di tích thờ tự, đền,chùa, phủ, miếu..., đốt ở nhà vào các dịp cúng gia tiên. Đây thực chất chỉ là tín ngưỡng xa xưa  chứ không có trong triết lý Phật giáo.  Vì vậy, điều đó cũng không đúng với chính pháp đạo Phật.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, do một số người dân không hiểu biết về triết lý đạo Phật, có những suy nghĩ thái quá đã lạm dụng đốt vàng mã quá nhiều, không chỉ gây tốn kém mà còn để xảy ra hậu quả đáng tiếc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cơ sở thờ tự, phần nào làm mất đi ý nghĩa, nét đẹp của các lễ hội.

Xuất phát từ thực tế trên, nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở thờ tự Phật giáo, các tăng ni, tín đồ phật tử không những không được đốt vàng mã mà phải có trách nhiệm quản lý cơ sở thờ tự của mình; phải hướng dẫn cho nhân dân loại bỏ việc đốt vàng mã ra khỏi cơ sở thờ tự. Từ đó, động viên các tầng lớp nhân dân có tín ngưỡng tiến tới việc không đốt vàng mã nữa. Đây là việc làm không những đúng với triết lý Phật giáo mà còn góp phần vào việc lành mạnh hóa văn hóa tâm linh lễ hội của nhân dân ta.

PV: Từ khi có Công văn số 31/CV-HĐTS, việc đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung đã có chuyển biến như thế nào thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Đạo Hiển:Thực tế những năm gần đây, việc đốt vàng mã ở Quảng Ninh có ít hơn ở các nơi khác. Có chăng, việc đốt vàng mã chủ yếu diễn ra ở các đền, các phủ thờ thần và một số ở các chùa nhưng ở chùa ít hơn nhiều. Để đạt được điều này, phần lớn là nhờ công tác quản lý các di tích ở Quảng Ninh được thực hiện rất tốt, đặc biệt là vào các dịp lễ hội. Quảng Ninh coi việc đảm bảo an ninh trật tự và việc hướng dẫn tăng ni, phật tử đi lễ hội đúng với văn hóa truyền thống của Phật giáo và văn hóa truyền thống của dân tộc.

Như chúng ta đã biết, lễ hội Yên Tử một ngày có tới hàng vạn người tham gia nhưng hầu như không có việc thắp hương hay đốt vàng mã trong chùa.Tuy nhiên, lác đác có người không hiểu biết vẫn làm, nhưng những lúc đó chúng ta cũng không thể xử lý bằng biện pháp hành chính được mà chỉ có thể khuyên bảo, giáo hóa người ta mà thôi.

Đặc biệt năm nay, mặc dù Yên Tử và Ngọa Vân mới khai hội nhưng lượng khách đến đây đã rất đông. Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn số 31/CV-HĐTS, việc đốt vàng mã đã có chuyển biến rất nhiều, tuy nhiên, vẫn còn một số người đốt những đồng tiền vàng lẻ thể hiện sự tín ngưỡng, còn tuyệt đối không có hiện tượng chở cả xe ô tô vàng mã đến chùa đốt như những năm trước.

Cho đến hiện giờ, nhìn chung các cơ sở thờ tự ở Quảng Ninh đều thực hiện đúng và nghiêm những quy định của tổ chức lễ hội nên tạo được tâm lý thân thiện cho phật tử yên tâm đến du xuân, lễ bái cầu an đầu năm.

PV: Thực tế không chỉ bây giờ mà từ lâu các cơ quan chức năng đã có công văn chấn chỉnh việc đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự nhưng hầu như không có hiệu quả. Việc đốt vàng mã tràn lan vẫn xảy ra ở một số nơi. Vậy theo Thượng tọa phải làm như thế nào để đẩy lùi triệt để được nạn đốt vàng mã hiện nay?

Thượng tọa Thích Đạo Hiển: Đúng là trước đây các cơ quan chức năng cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Đối với các vi phạm cũng đã có quy định xử phạt theo Nghị định của Chính phủ như: tại Điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”; Thông tư 4/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch “Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” cũng nêu rõ: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang” và khuyến khích “Không rắc vàng mã trên đường đưa tang”….

Tuy nhiên, để làm chuyển hóa nhận thức của nhân dân về vấn đề này là cả một quá trình. Vì vậy, theo tôi, cách hiệu quả nhất không phải là dùng các biện pháp hành chính mà quan trọng nhất là đối với chúng tôi cần có trách nhiệm, mà trước hết đội ngũ tăng ni, chủ trì cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình tại các nơi thờ tự; kiên quyết loại bỏ và nói không với các đồ lễ vàng mã. Bên cạnh đó, cần phải lồng ghép vào trong các bài giảng phật pháp của mình, hướng dẫn cho tăng ni, tín đồ phật tử hiểu được việc này và tự thân người ta thấy được cái lợi, cái hại của việc đốt vàng mã, nhận thức được tự khắc người ta sẽ bỏ.

Thực tế cho thấy việc đi lễ hội, lễ chùa hiện nay không chỉ có tăng ni, tín đồ phật tử mà gồm các tầng lớp nhân dân. Trong đó đáng nói nhất là những người cả năm không đi chùa, chỉ có lễ hội thì mới đi chùa lễ Phật và đốt hương, đốt vàng mã nên rất khó giáo hóa, nên cần phải tuyên truyền vận động từ từ.

Để loại bỏ được tập tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự là cả một quá trình nhưng việc giáo dục chuyển hóa tự nhận thức là việc quan trọng nhất. Đây cũng chính là tinh thần, mục tiêu mà Công văn số 31/CV-HĐTS hướng tới.

Tuy nhiên, để đẩy lùi triệt để nạn đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự, nếu chỉ có Giáo hội Phật giáo Việt Nam thôi thì chưa đủ mà cần phải có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là các các cơ quan quản lý văn hóa. Có như vậy mới mong có được sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân và như vậy, việc thực hiện văn bản không đốt vàng mã trong nơi thờ tự mới thực sự hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn Thượng tọa!

 

 

Kim Thoa (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực