Chuyện tình Khau Vai-Đoạn trường nguồn cội

Thứ sáu, 29/11/2019 09:23
(ĐCSVN)- Tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã thành công trong việc xây dựng chân dung cội nguồn chợ tình Khau Vai. Tác giả đã đem lại sự hài hòa cho thực tại và truyền thuyết, tìm được ‘nhãn hiệu chế tạo’ và trình làng chân dung đấng sinh thành chợ tình Khau Vai.

Chợ tình Khau Vai là một địa danh nổi tiếng, thu hút du khách thập phương bởi sự độc đáo về tên gọi - chính danh từ cội nguồn, và sự độc đáo của vị trí địa lý.

Chợ tình đã tuổi bách niên; một trăm năm qua, cội nguồn được truyền đời  bởi dăm ba câu ngắn gọn. Đó là mối tình trắc trở của một đôi trai tài gái sắc, trời sinh ra họ là để cho nhau, nhưng vấp phải tường chắn của lệ làng luật bản, họ phải chia ly. Họ đã thề bồi tái hợp kiếp sau, hẹn mỗi năm gặp nhau một lần vào đúng ngày ly biệt để trải bớt lòng nhớ thương tri kỷ. Năm tháng  trôi. Ngày cuối, họ ôm nhau trên phiến đá thề năm xưa, cùng về nơi nước nhược. Người Khau Vai thương nhớ họ, lập đền thờ. Chợ tình có từ ngày đó.

Tình yêu trắc trở là đề tài muôn thủa và không bao giờ xưa cũ trong tâm thức con người; nó từng được đưa vào cổ tích để giải thích cho nhiều hiện tượng thiên nhiên, sự vật của tạo hóa. Nhưng để trở thành truyền thuyết cội nguồn, một địa danh và thực trạng độc đáo như chợ tình Khau Vai - một ốc đảo thu hút những trái tim yêu bị thương và khô hạn, có vết hoặc không có vết, an ủi những mảnh đời bất hạnh do tình yêu trắc trở- đã tồn tại hàng thế kỷ qua và chắc sẽ không dừng ở đấy- thì e rằng, cách diễn giải ‘thô sơ’ đơn giản ở trên chưa cân xứng, chưa đúng tầm vóc truyền thuyết.

Với Chuyện tình Khau Vai, tác giả Nguyễn Thế Kỷ  (NTK) đã đem lại sự hài hòa cho thực tại và truyền thuyết, tìm được ‘nhãn hiệu chế tạo’ và trình làng  chân dung đấng sinh thành chợ tình Khau Vai.

chuyen tinh khau vai-doan truong nguon coi hinh 1
Tiểu thuyết "Chuyện tình Khau Vai" của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.

Truyền thuyết ‘thô sơ’ lảng bảng, có tính phác họa, đã trở thành chân dung.  Khán giả được chứng kiến đến mức có thể ‘lật dở' chi tiết của bi kịch. Những nhân vật chính và trung tâm đều có số phận cay đắng, nhiều người chết, số còn lại sống cũng như chết.

Nhân vật chính, nàng Út, con gái Tộc trưởng, đã phải cam chịu sự bất hạnh, đầy ải, và phải tàn lụi. Đóa hoa rừng xinh đẹp thanh khiết này “cứ cười một cái là ai nhìn thấy cũng bị chói mắt, muốn rụng cả tim”. Nàng có tình yêu đầu đời trong sáng nhưng bị ngăn cấm, đã dám vượt tường hào rào cản, cùng người yêu trốn chạy thành công; nhưng lệ làng luật bản không buông tha, nó phát tác ở dạng khác: dân bản ‘thông gia’ ngày ngày đốt nhà, chém giết nhau. Sự tàn hại đồng bào của chính Nàng và người yêu Nàng đã làm trái tim họ đau đớn, rỉ máu, họ buộc họ phải chia ly. Nàng  phải quay về và bị ép lấy kẻ hầu hạ của nhà  mình, y “cao lớn, đi qua cửa phải cúi. Vai rộng, tay dài, lưng dài. Mặt vuông, mắt nhỏ, hàm răng chìa ra phía trước…Lông mày ngắn, thưa, trán thấp, tóc dầy, cứng, đen như bồ hóng”- tóm lại là phải làm vợ một Kingkông, lại là Kingkông xấu:“Hắn như một con gì, vốn dĩ dũng mãnh, lại còn thành tinh”. Y có cái tên của âm ty địa ngục: Cố Sầu. Con đười ươi này đã cưỡng bức Nàng, biến Nàng thành nô lệ tình dục, ‘tận thu’ ở Nàng một cách “thật xấu hổ cho nhân loại” (1). “Thình lình, Cố Sầu xiên thẳng vào Út. Út co rúm lại và hét lạc cả giọng…”.“Út như một đám cỏ bị dày xéo. Bầm dập, tả tơi, chưa kịp ngóc đầu dậy thì một đêm khác lại tới…”. “Mỗi ngày Út đều cảm thấy mình thở chậm đi một chút, ít đi một chút. Út như một cái cây, héo dần đi, rụng đi từng cái là một…”. Nàng bị hủy hoại. Nàng  “cố sống tiếp. / Sống để chờ đợi mỗi năm một lần, được gặp lại Ba…”. Nàng đã cam chịu sự hành xác và lặng lẽ kết thúc cuộc đời như trốn thoát một kiếp nạn đầy ải, đau khổ.

Người yêu Nàng, chàng Ba, cùng nỗi đau chia cắt với Nàng. Người con trai hiếu thảo với biệt tài thổi sáo ấy có “Đôi mắt to, sâu, đen thẫm, với hàng mi dầy, và cặp lông mày cũng đen nhánh, nổi bật  trên làn da trắng hơn da con gái…”, “có gương mặt cương nghị, rắn rỏi, tự trọng” được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, “chẳng có gì trong tay…chỉ có một cái lưng thật rộng để cõng nàng, một cái vai thật chắc để nàng tựa đầu, hai cánh tay thật dài để ôm khít lấy nàng”, lại ở dưới đáy một cộng đồng mà hủ tục đã đóng khung, nên đã không thể giữ được cái quyền đương nhiên, được tạo hóa công bằng ban phát: được yêu, có hạnh phúc - của mình. “Nàng ấy đã mang đi của Ba trái tim và linh hồn”. Chàng cũng bị nỗi đau mất người yêu, mất vợ hành xác suốt cuộc đời; “khi Ba thức, nó ở trên đỉnh đầu, khi Ba ngủ, nó ở ngay trên ngực. Nó đè Ba bẹp dí xuống sàn, nó khiến Ba mỏng dính đi, mỏng tới mức có thể trải rộng ra như một tấm chăn. Một tấm chăn cũ, thủng lỗ chỗ…”. Cái cơ thể cường tráng, cái bản lĩnh rắn rỏi cương nghị cùng bản lĩnh tự trọng bẩm sinh nơi chàng đã gục ngã, bất lực, cam chịu: “Trong giấc ngủ, nước mắt ở đâu chảy tràn ra khỏi mi mắt, chảy thành dòng vắt qua cánh tay Ba đang gối đầu, rơi xuống phản ”. Niềm an ủi, chờ mong khắc khoải của Chàng là mỗi năm một lần được gặp Nàng theo lời nguyện thề hẹn ước, tại chốn chia ly: chợ Khau Vai. Khi chỉ còn lại một mình, ngày ấy, Chàng vẫn lần về chốn cũ. “Đến đây để nhớ thôi ông lão ạ. Nhớ cũng vui mà…”. AQ, đáng thương, đắng xót!

chuyen tinh khau vai-doan truong nguon coi hinh 2

Người mẹ của chàng Ba là bà Liểng. Mối tình song phương, trinh nguyên sáng đẹp của bà với ông Tộc trưởng láng giềng, bị cổ giáo cắt đứt. Một cặp uyên ương đã từng “yêu nhau như loài ong, quấn quýt, dữ dội ,quyết liệt” đã bị cắt chia chặn phá. Đau đớn. “Mỗi lần nhớ đến ông ấy là một lần ruột gan bà lại chảy máu”.“Bà đã đứng bên mép vực, dưới kia là dòng Nho Quế tối tăm hun hút, chảy cuồn cuộn trong mùa lũ về, bà chỉ muốn nhảy xuống đấy”. Chưa hết, “Ông trời thật biết đùa quá”, đứa con trai bà lớn lên lại yêu đúng cô Út, con gái người Tộc trưởng họ Vương khác dòng tộc kia. “Ông ấy đã mang bao nhiêu buồn khổ trút xuống vai bà, mà hai chục năm sau đó, lại dịch chuyển sang vai thằng con trai duy nhất mà bà có”.

Người đàn bà ấy đã bước qua đời như một cái bóng câm lặng, đau khổ và cam chịu. Lấy người mình không yêu, côi cút nuôi con trong nghèo khó cùng cực, dằn lòng trước tiếng sáo gạ tình đêm đêm ngoài ngõ để thủ tiết thờ chồng, rồi phải chứng kiến nỗi đau, nỗi bất hạnh của mình tái diễn sang đứa con trai. Bà thức thâu đêm, ngồi canh bếp lửa, trông đứa con tội nghiệp thất tình đang chịu nạn “nằm bẹp dí như con chó ốm”, bà  lặng lẽ lìa đời  ở tư thế đó, “gục đầu trên hai đầu gối”.

Nạn nhân tiếp theo là mẹ nàng Út. Chồng bà là Vương Tộc trưởng. Xuất thân trong một gia đình lớn, bậc trung, êm ấm, đầy ắp tình yêu thương; số phận đã đặt bà phải sống suốt cuộc đời với người “Đồng sàng dị mộng” “Bà không có cách nào bước chân qua cánh cửa tâm hồn ông”, “Ông chưa bao giờ cười với bà”, “Bao nhiêu năm (bà )như cuộn chỉ bị đánh rơi trong xó nhà, mốc meo lên, mạng nhên phủ kín”. Mỗi lần trăng sáng, bà phải túc trực suốt đêm người chồng đang “ngồi ngoài hiên, tựa lưng vào lan can và lặng lẽ uống rượu một mình…Mới say thì hát, say quá không hát được nữa thì khóc. Khóc đến lúc buồn ngủ rũ cả người thì gục xuống, ngủ bên bình rượu…” ; để “khi không còn nghe tiếng khóc của chồng nữa thì lặng lẽ mang một cái chăn ra đắp cho ông”. Ông ấy hờ khóc ‘tình địch ngẫu nhiên’ của bà, người  cũng đáng thương như bà, nhưng : “ Bà Liểng!/ Cái tên này không nhắc đến thì thôi, hễ nhắc đến là y như có một cái kim nhọn, bé tý, dài ngoằng, xuyên qua ngực, xiên thẳng vào tim bà”. Rồi bao nhiêu biến cố tiếp tục chụp xuống đời người đàn bà hiền lành, bé nhỏ. “Út bỏ trốn. Ba ( con trai ‘tình địch’) xuất hiện, gả út cho Cố Sầu, mọi thứ đổ ụp xuống như sợi xích sắt vừa to vừa nặng, níu bà Tộc xuống sát đất. Bà chỉ có mỗi một  việc duy nhất, cuối cùng, là gục xuống”. Người đàn bà “có đôi mắt đen, sâu, đầy những nếp nhăn bên khóe, và buồn mênh mông như đêm ba mươi”, hậu duệ của Niôbê (2)đã lìa đời với nụ cười mỉm trên môi(!?). Đến lúc đó, ông Tộc vẫn “không thể hiểu nổi … là tại sao nụ cười duy nhất của bà mà ông nhìn thấy lại là khi bà từ bỏ ông; như là tại sao bây giờ ông mới nhận ra là chưa một lần ông cầm tay vợ…/ bông hoa anh túc của ông đã lặng lẽ héo úa, tàn phai, khô cạn từng ngày, từng ngày một, kề bên, mà ông không hề hay biết”.

chuyen tinh khau vai-doan truong nguon coi hinh 3

Lời than vấn cuối cùng của ông Tộc, thực ra là câu trả lời: “Chẳng lẽ bà mong muốn được chết đến thế? Chẳng lẽ việc phải sống ở trên đời, bên cạnh ông, lại khiến bà khốn khổ đến thế?”.

Bi kịch cuối cùng xẩy ra với “Mối chúa” Vương Vần Sáng. Vị Tộc trưởng có “cái lưng to, vai to…, mặt vuông, lông mày rậm, môi dày, hàm răng trắng chói cả mắt” . Người “bao giờ cũng sống cô độc như sống một mình. Tất cả những người sống xung quanh ông ấy đều chỉ như những con mối bị buộc phải quây xung quanh một chiếc bóng đèn. Rời đi không được, cứ phải ở lại cho đến chết”. Ông hội đủ uy lực ‘tướng - tinh’ của một tù trưởng vô hình và hữu hình.Nhưng rốt cuộc, ông bị cầm tù.

Ông đã có một “mối tình giữ dội như sấm sét, tưởng như có thể đánh sập cả ngọn núi, vùi lấp cả vực sâu nếu như cần làm thế để ở được với nhau”. Thế nhưng cao sơn vực thẳm ‘lưỡng y hy’, bởi ông đã tự trói mình. Ông trốn chạy, tự hành xác mình trong rừng hoang “ngày săn bắn, tối vào hang ngủ… lúc muốn khóc thì khóc thật to, muốn hét cũng hét thật to…/ Đến lúc ông quay về, cả nhà không nhận ra ông, trừ mấy con chó”. Cái xà lim vô hình đã trói nhốt để cách ly tâm hồn trái tim ông khỏi người ông yêu, bà Liểng, là do chính ông tạo ra. Ở trong đó, ông cứ “lặng lẽ uống rượu một mình…Mới say thì hát, say quá không hát được nữa thì khóc. Khóc đến lúc buồn ngủ rũ cả người thì gục xuống, ngủ bên bình rượu…”. Ông cũng lập nên cái nhà tù hành xác cuộc đời người vợ, người yêu, con của người yêu, và ngay cả đứa con gái duy nhất; biến trần gian của họ trở thành địa ngục. Một trong số đó đã “chết ngồi”, hai người khác đã để lại nụ cười trước khi rời thế gian, vì “ được chết”. Ông cũng cầm tù nụ cười của mình, cả đời ông không cười, nụ cười mỉm duy nhất được ‘phóng sinh’ dịp đứa con gái chào đời.

Khả năng kìm nén cảm xúc của ông kỳ lạ và khó hiểu. Vì lý do nào mà ông giao đứa con gái duy nhất của mình cho kẻ ăn người ở, một kẻ nửa người nửa thú, lại đã thành tinh. Ngày ngày, ông chứng kiến con mình bị hành hạ bầm dập cả thể chất lẫn tinh thần, “nhìn  nó  khóc, thấy nó bỏ ăn, cả đêm nó không ngủ, lăn qua lăn lại”,”lúc nào cũng xanh xao như tàu lá, suốt ngày ở trong nhà, không hề bước chân ra ngoài. Không chịu được cả ánh sáng”;  đã cảm thấy “ruột gan mình đau thắt”. Ông cũng đã nghe thày lang phán bệnh: “Thầy lang chỉ ngón tay trỏ vào đầu mình/ - Bệnh ở đây”…  Là một người hội đủ khí chất, là ngón chân cái của bộ tộc, ông biết rõ ngọn nguồn và cũng thừa khả năng đào ngược hiện trạng - bởi ông chính là “cái bóng đèn” đang điều khiển tổng thể, “những con mối bị buộc phải quây xung quanh”, nhưng ông đã câm lặng?

Ông Tộc đáng tội hay đáng thương. Có lẽ là cả hai. Về người vợ, “ông đã buộc chân bà, đã bỏ tù bà, và cuối cùng thì bỏ quên bà trong căn nhà này”; nhưng khi vợ đã chết, ông ân hận, ông bỗng ngộ ra rằng, bà ấy như một phần của cơ thể ông.  Ông “cảm thấy sự cô đơn đang bủa vây mình”, ở đâu ông cũng thấy bóng dáng lặng lẽ đáng thương của vợ. “Điều khiến ông đau lòng nhất đấy là khi còn sống bà không hề mỉm cười, nhưng khi ra đi, nụ cười lại ở trên môi bà”. Về người tình, ông đã tự giam cầm mình đến 20 năm, nhưng khi người yêu mất, trong đêm tối ông đã lặng lẽ đến bên mộ, trãi lòng với bà: “Liểng à! Bà nhất định không đợi tôi cùng chết, đúng không? Bà nhất định để tôi ở lại, sống một mình, gặm cái cục đau khổ một mình, đúng không?”. Rồt cuộc là “Cả hai người phụ nữ, một được ông yêu, một yêu ông cho đến lúc chết, đều đã bỏ đi”. Ông đã nằm xuống bên mộ một người và“ ngồi như hóa đá bên cạnh” xác người kia. Về đứa con gái duy nhất và đáng thương, ông đã mục sở thị bi kịch cuộc đời nó, mà chính ông là tác giả; chứng kiến sự tàn lụi từng ngày của nó:“Tộc trưởng lo lắng quá, bỏ bê hết cả công việc, cả ngày loanh quanh ở nhà trông con gái”; lá vàng chứng kiến sự lìa đời tội nghiệp của lá xanh. Nỗi đau, nỗi bất hạnh của một người chồng, người cha khó có thể lớn hơn.

Kẻ còn sống sót như chàng Ba, nàng Dẻn lại viết tiếp điệp khúc buồn, là bản sao lăy lắt, nghiệp chướng của tiền nhân.

Mọi bi kịch xuất phát từ ông? Thử xâu chuỗi những biện lý. AQ của chính bà Tộc:“Có một đứa con gái này thôi, ai lấy nó sau này sẽ là tộc trưởng, thay chỗ ông khi chết nên câu chuyện gả con gái cho ai không phải là chuyện của riêng con Út, mà là của một vùng đất”. AQ  từ  bà Liểng: “  Nhưng quyết đoán đến đâu thì cũng chẳng thoát khỏi sự cấm đoán của dòng tộc. Ông ấy buộc phải  từ bỏ bà. … chịu thua một dòng họ, một tộc người , một luật tục, một nếp nhà”. ‘Sấm truyền’ của bố đẻ: “ Nếu cứ thương nhau mà lấy nhau rồi pha tạp dòng máu bao đời . Thì mai này, làm gì có còn giống Giáy hay Nùng.  Những cái cây   trên rừng, đinh, lim , sến, táu muôn đời nay vẫn vậy. Công quạ chẳng thể phối hôn, Con ma trong nhà, mỗi sắc tộc mỗi riêng. Từ ngàn đời nay vẫn như thế mà vẫn trường tồn”.  Ma- sự ám ảnh, nỗi sợ hãi đầy đủ và muôn đời của các bộ tộc, bắt ma ở chung, thì họa có gan mật Chân Quân . Rồi ‘Cái lý’ bảo tồn  lãnh địa  tự trị của lãnh chúa: “Cố Sầu có tất cả thế mạnh của mọi con thú. / Có Cố Sầu bên cạnh, Tộc trưởng luôn thấy yên tâm. Vùng này giáp biên, nếu không được canh phòng cẩn mật thì đám thổ phỉ bên kia biên giới có thể tràn sang bất cứ lúc nào. Và chỉ trong chớp mắt chúng sẽ cướp sạch, phá sạch”. Tiếng vọng từ âm ty, khi ông gục đầu xuống mộ mà Liểng: “Ông không làm được./ Trừ  khi ông không làm tộc trưởng người Giáy nữa./ Trừ khi ông từ bỏ dòng họ vương, từ bỏ trách nhiệm làm con cháu./ Không có cách gì vượt qua được cái bức tường mà chính ông cũng góp phần dựng nên”. Tiếng thở dài, ngoan cố hay bất lực, của ông vọng xuống mồ: “ … dù là thương thằng bé lắm, thương cả con gái tôi nữa, nhưng tôi vẫn không thể để cho chúng nó về với nhau được. Không được đâu. Hai mươi năm trước tôi với bà Liểng không về với nhau được, bây giờ càng không có chuyện ấy ”.

Có một thế lực siêu nhiên buộc ông phải tạo ra, rồi phải chứng kiến, chịu đựng bi kịch của người thân và chính mình. Ấy là lệ làng luật bản, dù là hủ lệ và có thể là bất thành văn, nhưng đã mặc nhiên tồn tại từ khi chưa có chữ viết, đã mặc nhiên ngự trị hàng ngàn đời, buộc ông phải thực hiện bổn phận với tổ tiên, dòng tộc. Tròn trách nhiệm và bổn phận trước cộng đồng, nhưng giá phải trả  quá đắt.

‘Hủ lệ’ có từ trường phát tác lâu dài, rộng khắp và đầy uy lực. Ở núi rừng phương Nam, Đam San cũng đã từng cố thoát ra khỏi sự cương tỏa, nhưng đã bị ông Giàng gõ ống sáo vào đầu đến bảy lần, chết đi sống lại; dũng sỹ phá cách này đã dám chống tập tục “nối dây”, chặt cây thần, bỏ vợ, lên trời lùng tìm Nữ Thần Mặt Trời làm vợ, kết cục là bỏ xác trong đầm lầy. Ở  trong cái từ trường đó, con người, bao gồm cả kẻ chăn dân “đã bị ngắt mất cái đầu từ lâu rồi. Chỉ còn biết tuân lệnh, tuyệt đối không có xét đoán riêng, tình cảm riêng và những nhu cầu tinh thần riêng” (3).

Nguồn cội nỗi đau phát sinh từ hủ lệ. Hủ lệ được sinh ra dưới chiêu bài bảo vệ sự trọn vẹn, đồng nhất của dòng tộc; khoanh vùng bất khả xâm phạm khu tự trị; nhưng thực chất là sự ích kỷ, bảo vệ  quyền lợi, tranh phần;  quy tụ lại là sự  ‘tham vọng quyền lực’ của kẻ cầm quyền. “Tham vọng quyền lực là tham vọng tệ hại nhất của con người. Nhân loại đã chết đi sống lại nhiều lần vì nó. Quyền lực chạm tới đâu là ruỗng nát hư hỏng tới đó. Những kết tinh rực rỡ nhất của con người như khoa học, văn chương, tôn giáo, học thuyết…do ăn ở chung đụng lâu dài với quyền lực, đều đần đần trở thành tôi tớ cho nó, trở thành đồng phạm thực sự hoặc vô thức cùng nó”(3). Ông Tộc là một kiểu đồng phạm vô thức. Tranh dành quyền lực đã hình thành các lãnh chúa, sứ quân, tiểu vương quốc. Lịch sử nhân loại đã  ghi chứng nhiều thời kỳ mông muội, loạn sứ quân; Việt, Tàu, Đức… có cả. Thực chất của hiện trạng này  “… đều là cuộc đấu tranh của mục tử chống lại bước phát triển của lịch sử, của những quyền lời địa phương ổn định và ngoan cố chống lại quyền lợi toàn thể, cuộc đấu tranh của cổ phác chống lại sự khai hóa, của cái man dã chống lại văn minh”(4). Để bảo vệ và duy trì quyền lực, các lãnh chúa đều lập ra các phép vua, ‘lệ làng’ của mình. Lệ làng luật bản hay dở tùy thời điểm lịch sử, trình độ xã hội …, nhưng đã thể theo ý muốn ích kỷ của kẻ thống trị, thường trở thành hủ lệ. Vương Tộc trưởng  là nạn nhân gốc cội của hủ lệ, phát tác ra các nạn nhân khác.

Nhân loại xót thương những nạn nhân có trái tim bị cầm tù bởi quyền lực và hệ quả của nó. Nhiều nhân vật của bi kịch tình yêu trở thành điển tích văn học sống mãi với thời gian: Rômêô - Juliet, Hamlet – Ôphelia , Quasimôdô - Esmêranđa, Lâm Đại Ngọc- Giả Bảo Ngọc…  Bao đời, người Việt lưu truyền tích Trầu Cau, Ngưu Lang -Chức Nữ …; hai đầu đất nước đều có ‘Đồi thông hai mộ’ tồn tại cùng truyền thuyết, thi ca. Khác với Văn học nghệ thuật hướng thiện,  những cái kết này  không có hậu, nhưng đều để lại thông điệp có ý nghĩa cho người sống, cho hậu thế suy ngẫm, trăn trở, ít nhất là thấy được nguyên do bi kịch, đặng không để tái diễn. Cái kết của Chuyện tình Khau Vai cũng có cùng nội hàm thông điệp, nhưng không thuộc motif thường gặp. Kết thúc của một mối tình bi thương và dang dở đó chỉ gặm nhấm một phần tâm hồn độc giả, phần còn lại là sự an ủi. Ấy là lời thề nguyện của đôi trai gái đáng thương trở thành hiện thực và kéo dài hàng thế kỷ nay, bởi nhiều lớp người sau, bằng sự trân trọng, thôi thúc của trái tim; hiển hiện bởi một phiên chợ tình thường niên. Phiên chợ độc nhất vô nhị, được sinh ra từ nỗi đau đoạn trường của một mối tình, và xa hơn, của gia đình, bộ tộc. Cội nguồn nỗi đau là sự tham vọng quyền lực cùng với sự mông muội.

Mối tình Khau Vai đã để lại cho cộng đồng một chợ tình đầy tính nhân văn. Chợ tình của những mối tình trắc trở, của những mảnh đời không tìm đúng  được mảnh ghép, một nửa của chính mình. “Tâm hồn cũng hô hấp như cơ thể, mỗi tâm hồn đều cần  hấp thụ tình cảm của một tâm hồn khác, biến nó thành của mình để trả trở lại cho người ta phong phú hơn xưa. Không có sự trao đổi thường tình đẹo đẽ đó thì quả tim không sống được, nó sẽ thiếu không khí, quằn quại và chết mòn” (5). Cái nén chịu, ‘nhịn thở’ của những mảnh ghép chính là sự hy sinh đáng trân trọng vì sự ấm êm của gia đình, vì thiên chức, vì trật tự của xã hội. Chợ tình Khau Vai, ngày 27 tháng 3, như một nhu cầu tự nhiên tất yếu, an ủi, vỗ yên trái tim đang yếm khí. Dưỡng khí trao nhau trong cái ngày khắc khoải chờ mong đó, phải dùng dè xẻn trong một năm. Chợ tình hiện còn là nơi hậu duệ nàng Út, chàng Ba hò hẹn, để không thất lạc một nửa hồn mình. Nhân văn.

 

Ngữ cảnh gợi nhớ một câu chuyện vui của người Anh. Người chồng về đến nhà thì thấy một người đàn ông lạ nhẩy ra khỏi giường vợ, vọt qua cửa sổ và biến mất. Anh ta lặng lẽ đóng đồ vào vali và ra đi. Khi anh ta kéo vali ra đến cửa, người vợ phủ khăn che ‘nuy’ trên giường gọi với theo, xin được nói câu cuối, giải thích rằng đó là người ăn mày đến xin ăn, em đã cho bữa trưa mà mình không ăn; thấy anh ta rách nát, em đã cho bộ quần áo cũ mình bỏ  không dùng, đôi giày cũng vậy. Anh ta đã cám ơn và chào về, khi ra đến chỗ mình đang đứng đó, anh ta quay đầu lại hỏi thêm: Có gì chồng cô không dùng nữa thì cho tôi xin nốt.

‘Anh ta lặng lẽ đóng đồ vào vali rồi ra đi’. Đó là văn hóa của người Âu văn minh, đã thành mặc định. Xứ mình chưa và có lẽ còn lâu mới có điều đó, vậy mà ở cao nguyên đá nhấp nhô bồng bềnh mây núi tại chốn cực Bắc của đất nước, từ đầu ngõ chợ tình người ta thấy một  “Người đàn ông lầm lũi dắt ngựa trở ra. Anh ta tìm một gốc cây buộc ngựa rồi chọn một mỏm đá để ngồi. Dở gói cơm mang theo ra ăn và nhấp từng ngụm rượu trong chiếc bầu nhỏ”.

Trước đó ít phút, người đàn ông này đã  “… dắt theo một chú ngựa thồ, trên lưng ngựa là một người đàn bà trong bộ váy áo tinh tươm sặc sỡ. Người đàn ông cho ngựa dừng lại, tiến đến nhấc người đàn bà từ trên lưng ngưa xuống, vụng về lấy vạt áo lau những giọt mồ hôi lấm tấm và cả những giọt nước mắt vừa ứa ra trên gương mặt đượm vẻ u buồn.

       - Đến nơi rồi, vào mà gặp người ta đi. Đừng để nó phải đợi. Tôi chờ vợ ngoài kia. Bao lâu cũng được. Đừng vì tôi mà vội vã, mất vui. Nhé !   

       … Một người con trai từ trong bóng tối bìa rừng đi ra, anh ta tiến lại trước mặt người đàn bà. Hai người cứ đứng vậy nhìn nhau với ánh mắt đầy khao khát ”.

     “ … Đêm nay mới vào phiên chợ chính, người ta không đi chợ để mua bán mà để tìm người yêu. Từng đôi nam nữ quấn quýt bên nhau. Tiếng hát trao duyên thao thiết ngân lên, vọng vang bên triền dốc đá”.

Ấy cũng là hình ảnh cuối lắng đọng lại trong tâm thức khán giả xem bộ phim Chuyện tình Khau Vai – nếu tác phẩm được chuyển thể, cũng như vở sân khấu cùng tên trước đó.

chuyen tinh khau vai-doan truong nguon coi hinh 4

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã thành công trong việc xây dựng chân dung cội nguồn chợ tình Khau Vai. Cách dắt dẫn câu chuyện gắn với truyền thuyết, nhưng được ‘đẩy’ đến độ cao, độ sâu không ngờ. Gấp cuốn sách lại, độc giả có cảm nhận tiếc nuối là, lâu nay mình chỉ đứng ở cửa Tam Quan mà chưa được bước chân vào khu đền đài cổ tích có vườn tượng và mê cung. Hệ thống sự kiện, nhân vật trong vườn tượng đa dạng, mạch lạc; mỗi nhân vật được khắc chạm một tính cách độc đáo, nhưng đều phục vụ tốt cho chủ đề của bản hợp xướng, thu hút khán giả. Mạch nhánh mạch rẽ của mê cung nhiều và khá kỳ thú, hút du khách phiêu du nhưng không lạc lối sa đà, bởi từ trường định hướng của một cây bút chắc tay.

Đôi ba dòng truyền thuyết, đề tài tình yêu trắc trở ‘biết rồi nói mãi’, bối cảnh câu chuyện ở vùng cao, cội nguồn tập quán và ngôn ngữ bất thuận, tư liệu nghèo nàn, điều kiện tiếp cận khó khăn bởi  địa bàn xa xôi hiểm trở; bằng ấy khó khăn đã được NTK vượt qua. Độc giả thấy mình được thâm nhập vào vùng cao nguyên đá tận phía địa đầu tổ quốc, đang  nghe các điệu ca câu ví  đặc trưng vùng miền, tiếng khèn tiếng sáo tự tình da diết :“Nửa đêm khuya con gì gáy/ Con gì chổng trôn lên mặt trời/ Con gì lặn xuống nước đẻ trứng…/ Nếu chàng giải được câu đố/ Vá áo quần chàng em theo ngay…”; được chứng kiến và nghe lời ca lạ trong lễ cúng vía của thầy Mo: “Mẹ chỉ mong con lớn/ Không lớn thì mẹ làm lễ/ không cao thì mẹ thêm hồn/ Lấy lòng gà vịt làm cầu thang lên trời…”. Độc giả cũng được chứng kiến bao nhiêu thủ tục, nghi thức bản sắc miền cao khác. Ở đám cưới:“Đôi giày vải màu xanh thêu hoa đào đặt ở cửa buồng. Đôi giày ấy cô dâu sẽ dùng để đi đường. Khi nào đến nhà chồng thì các bà thím phải dấu đôi giày ấy đi, cô dâu chỉ được đi chân đất lên nhà chồng. Đôi giày cô dâu phải mang về nhà mẹ đẻ”. “ Cô dâu đeo một cái gương trước ngực, một cái túi nhỏ đựng hành tỏi, và còn ôm theo một con gà trống… cái gương, các bà thím bảo để đuổi tà ma trên đường. Hành tỏi để có nhiều con cái. Con gà thì để dẫn đường”. “ Cô dâu đi ra đến cửa còn bị bao nhiêu bà cô, bà thím, chị em họ ôm chặt lấy. Nhà trai phải cử người vào giằng co. Bên thì giữ, bên thì giằng”.“ … bờm ngựa tết thành những bím tóc lẫn với những dải vải xanh đỏ vàng. Yên ngựa cũng được phủ vải đỏ… Nhà trai để sẵn một cái thang ba bậc phủ vải đỏ ở cửa để hai vợ chồng dắt nhau qua đấy vào nhà làm lễ trước bàn thờ gia tiên”... Ở đám tang: đầu tiên là thủ tục thông báo, “tiếng tù và cất lên nơi ngoài hiên, ba hồi rất dài, đập vào vách núi, vọng ra. Dài mãi, dài mãi như không thể dừng lại được”. “ Tù và chỉ để báo tin cho Tổng… trống thì báo tin lên tận trời”. Rồi, bao nhiêu là thủ tục. Người chết “được đặt giữa gian khách. Một lớp vải trắng phủ từ đầu đến chân. Trên mặt là một tờ giấy vàng. Miệng ngậm một viên đá và mấy miếng bạc cắt ra từ đồng bạc trắng ”. Con cháu áo trái chân đất, không vấn khăn, tất thảy đều phải ngậm bạc như người chết và không được mở miệng, vì sợ buột miệng trả lời hồn ma thì “sẽ chịu ốm đau liên miên không có cách nào chữa được”.”Mo hát suốt ba ngày ba đêm”. Lễ vật của con rể là “hai con gà, một con lợn con xếp trên lưng một con lợn to, đã mổ thịt. Thêm ba con ngựa giấy”. Người Giáy xác định rằng, khi xuống âm phủ, “đàn bà phải địu con ở cổ chân, bao dao phải buộc vào bắp chân…".

Những tư liệu phong phú, sống động, chính xác, lột tả chân thực phong tục tập quán vùng miền, ngôn ngữ diễn đạt đặc trưng vùng cao được đưa vào tác phẩm một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, khiến độc giả nghĩ rằng tác giả có thời gian định cư lâu dài ở nơi bi kịch xẩy ra. Cách bố cục, dẫn dắt câu chuyện, diễn biến nội tâm của từng nhân vật, và cả hệ thống nhân vật,  cách xử lý tình huống, mâu thuẫn …lôgic, thoải mái, cho thấy một bút pháp già dặn và sung sức.

Chợ tình với tính nhân văn, độc đáo trên cao nguyên đá, công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam, trên sáu trăm ngàn năm tuổi, cùng không gian văn hóa sơn cước đa dạng ở đây sẽ mãi là điểm nhấn du lịch. Phiên chợ tình  đã và sẽ còn là phiên chợ được mọi người con sơn cước trông mong, háo hức, đợi chờ; được đông đảo du khách thập phương tìm về. Là viên mãn khi có thêm cuốn tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai trong tay du khách. Một ‘gaiđơ’( guide), cẩm nang, một kỷ vật, một sự sẻ chia của trái tim với trái tim, tâm hồn với tâm hồn.

Chuyện tình Khau Vai với Chợ tình Khau Vai- sự gắn kết, bộ đôi của tác phẩm truyền thuyết với thực thể văn hóa. Gợi nhớ Nhà thờ Đức Bà Pari với tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của Victo Huygô. Ấy là trường hợp hy hữu. Nhà thờ được xây dựng từ cuối tập niên sáu mươi của thế kỷ XIII, văn hào Huygô đã mô tả sự xuống cấp điêu tàn xót xa của Nhà thờ trong tiểu thuyết của mình, rung hồi chuông cảnh báo cho hệ tư tưởng cách tân quá thái của Công xã Pari, đã cố tình  bỏ quên kiệt tác này bên bờ mục ruỗng. Mười ba năm sau cảnh báo, năm 1844, công trình được phục chế. Văn chương đã cứu rỗi, hồi sinh kiệt tác của nhân loại. Được biết, cảnh quan khu chợ tình Khau Vai đang ngày một “đổi mới”, kiến trúc phi cổ điển, lệch/ phản gam mầu di tích đang phát tán, “cầu tình yêu ”, phải chăng là  một trang bị cấu trúc ‘thời kim khí’ tùy hứng trên đầu những mê cung đá trầm mặc nhiều nghìn năm tuổi. Hy vọng rằng, sự xuất hiện  tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai góp phần cứu rỗi. ‘Gia phả điển tích’ đau lòng này chắc sẽ là rào cản vô hình đối với các xâm hại những cảnh quan vô giá, manh nha bởi tư duy kinh tế thị trường hoang dã.

chuyen tinh khau vai-doan truong nguon coi hinh 5

Như đã nói, tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai được thể hiện với bút pháp dà dặn. Tác phẩm thu hút người đọc đến trang cuối. Tuy nhiên, độc giả cũng có chút cảm giác trống vắng, khi không được trông thấy bức tranh toàn cảnh, chưa thấy phông nền hoàn mỹ có thể dành cho tác phẩm sân khấu hoặc điện ảnh: Thiên nhiên kỳ vỹ trong không gian trầm mặc của bạt ngàn rừng đá vôi; bức tranh hoang hoải của miền sơn cước nhấp nhô mây núi, ấp ủ cao nguyên đá cùng những mê cung đá cổ phác, thấp thoáng bóng cổng trời Quản Bạ, đỉnh Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng. Ngôn ngữ vùng miền được sử dụng nhiều và nhuần nhuyễn trong tác phẩm. Song người đọc vẫn muốn có thêm chút gì đó đặc trưng ‘núi rừng’, tộc bản, kiểu: “Đông như kiến mối, trắng như hoa Epang dài  như tiếng chuông sợi chỉ; thở như ngựa đang chạy; giọng nói như tiếng ve sầu; lông mượt như chuôi dao…; cười miệng đỏ như dưa gang, môi mỏng như lá tỏi, cổ trơn như cà chín…; vải sợi nặng trĩu cong các sào phơi, thịt treo tối cả nhà…”(6)

Một tác gia đang ở trọng trách quản lý, trong thời gian dăm sáu năm trời ngắn ngủi gần đây, đã ‘hành nghề tay trái’, xuất bản nhiều tập chính luận, thi ca, bảy kịch bản sân khấu, mà vở diễn nào cũng cháy vé vỡ rạp- thì ở tiểu thuyết này, việc họa long thiếu sót vài cái vẩy rồng cũng là điều dễ hiểu.

Với tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai, chúng ta vừa có ‘gia phả’ cần thiết và đáng quý song hành với chợ tình Khau Vai, di sản Nhân văn có một không hai trên thế giới; vừa có ‘sách trắng’ để nhận rõ nguyên căn nỗi đau đoạn trường là tham vọng quyền lực cộng với sự mông muội, đặng tránh xa một dạng cành cong./.

Chú thích: Những chữ in nghiêng là trích từ nguyên bản tác phẩm.                

           (1) Người phu chột-   Vonte.

           (2) Nữ thần đau khổ- Thần thoại Hy Lạp.

           (3) Nghĩ muộn- Nguyễn Khải.

           (4) Luận về Vinhem Ten của F. Shile- Angen.

           (5) O.D. Banzăc.

            (6) Trường ca Đam San.

Võ Văn Hải/Theo vov.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực