Dâng sao có giải được hạn?

Thứ ba, 19/02/2019 16:30
(ĐCSVN) - Đầu năm mới, nhiều người dân đổ về các ngôi đền, chùa, phủ để làm lễ dâng sao, giải hạn với mong muốn cầu cho một năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc gặp nhiều may mắn. Các hoạt động này diễn ra vô cùng sôi động, năm sau đông hơn năm trước và đi cùng với đó là nhiều cảnh tượng chen lấn xô đẩy, phản cảm trục lợi..., biến tướng ngày càng trầm trọng.

Các bảng sao chiếu mệnh năm Kỷ Hợi cho từng tuổi được dán tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội)

Ảnh: Trang Nguyễn/VOV.VN

Giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh khẳng định, trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu…

Trong cuốn “Bước đầu học Phật”, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã khẳng định: “Lệ cúng sao hạn, thật là lạc hậu lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số. Nó là cái gì mà chúng ta phải cúng!”.

Nhiều Thượng tọa, Hòa thượng đã lên tiếng rằng sao tốt, sao xấu là xuất phát từ tâm con người. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm. Vì vậy, các nhà quản lý, khoa học và giới nghiên cứu cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự thấy rằng không thể chỉ mê muội tin theo dâng cúng để hóa giải mọi điều xui xẻo mà quên đi sự cần thiết là phải tu tâm dưỡng tính.

TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển đã chỉ sự bất cập trong việc dâng sao giải hạn tại chùa: “Việc nhà chùa làm việc dâng sao giải hạn là không đúng tinh thần thuần khiết của Phật giáo, không đúng tinh thần nhà Phật. Trong thời đại hệ thống thông tin, khoa học phát triển nhưng có thể khủng hoảng xã hội và đạo đức xã hội nên người ta quay ra bám víu lòng tin chẳng có căn cứ nào cả”.

Theo Viện Nghiên cứu tôn giáo, nhu cầu dâng sao giải hạn của người dân đang theo xu thế năm sau cao hơn năm trước. Trong một khảo sát của Viện, hầu hết người được hỏi đều trả lời rằng có nhu cầu và từng làm dâng sao, giải hạn.

GS.TS, Trần Lâm Biền cho rằng: “Có dâng đến ngàn vạn lần thì các ngôi sao vẫn vận động như thế, không thay đổi. Vì thế, không thể ảnh hưởng đến số phận của con người. Thay vì dâng sao giải hạn thì không gì tốt hơn bằng việc hãy ứng xử tốt với tất cả mọi người, có thiện tâm, xây dựng cho mình nhận thức, đạo đức đúng truyền thống thì tinh thần sẽ thanh thản”.

Con người ai cũng có những nhu cầu hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cầu mong có sức khỏe, hạnh phúc, bình an, làm ăn may mắn đủ đầy…, đó đều là những nhu cầu, mong ước chính đáng của con người. Đó cũng là một phần lý do mà nhiều người dân đã tìm đến các lễ hội, các di tích đình, đền, chùa dịp đầu năm để cầu mong.

Sớm có những giải pháp kịp thời

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trịnh Thị Thủy cho rằng, trên thực tế hiện nay, việc lễ cúng dâng sao giải hạn đang ngày càng phát triển về quy mô và số lượng và có nhiều biến tướng mê tín, phản cảm, trục lợi trầm trọng. “Khi đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao, thậm chí như một phong trào. Rất khó có thể nói dâng sao giải hạn là chính tín hay mê tín, nhưng nếu cứ chứng kiến cảnh tượng hàng ngàn người xếp hàng dâng sao giải hạn mới thấy sự cần thiết phải sớm có những giải pháp kịp thời”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu.

Cũng theo Thứ trưởng, hậu quả của việc cúng giải hạn không chỉ khiến các gia  đình tốn kém tiền của mà nhiều trường hợp còn có thể dẫn đến sự mất mát niềm tin, thiếu những định hướng đúng đắn. “Nếu có sao xấu và cúng giải được thì với tình trạng nhà nhà cúng sao, người người dâng sao như hiện nay thì chắc trong cuộc sống sẽ không ai gặp phải điều không may mắn cả. Việc thực hành một số nghi lễ văn hóa, trong đó khá nặng nề là hoạt động cúng sao giải hạn đang trở nên lệch lạc. Tuy nhiên, hoạt động này dường như đã trở thành một tập tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ người dân mà các nhà quản lý văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cần sớm có giải pháp chấn chỉnh…”, - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Dâng lễ cúng sao giải hạn cũng như nhiều nghi lễ tín ngưỡng khác đều là vấn đề liên quan đến tâm lý của người dân. Cho nên, muốn có chuyển biến từ gốc rễ thì không gì khác là phải tăng cường các giải pháp tuyên truyền. Chỉ khi người dân hiểu ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng thì họ mới dần dần từ bỏ. Không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính cứng nhắc cũng như không thể mong muốn có chuyển biến ngay trong một thời gian ngắn được.

Trước thực trạng bùng nổ các hoạt động dâng sao giải hạn tại các đền, chùa, phủ từ làng, xã, huyện, tỉnh mỗi dịp năm mới đầu xuân, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn đang trở nên ngày càng trầm trọng. Mong ước chính đáng của người dân đang bị lợi dụng và bị biến thành nhiều hoạt động, loại hình dịch vụ mang tính trục lợi.

Nếu không kịp thời có những giải pháp để khắc phục hiện tượng này, để niềm tin của người dân bị lạm dụng thì không những không mang lại sự bình yên, hạnh phúc thực sự  mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người dân. Không thể chỉ trông chờ việc dâng sao giải hạn mà thoát khỏi những rủi ro, không may mắn.

Nhiều ngôi chùa, đền, phủ những ngày này luôn trong tình trạng quá tải người đến đăng ký dâng sao giải hạn dịp đầu năm. Người nào cũng tranh thủ sắm những lễ to chen được vào gần chính điện để dâng lên thần linh cầu mong giải được hạn. Do vậy cảnh tượng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người chen lấn sô đẩy, nhận chỗ từ sớm ngồi tràn lòng đường, xếp hàng dài cả cây số những người ở xa thì vái vọng dâng sao hay những sân đền, chùa chật nghẽn như Quán Sứ, Một Cột… hay như tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) năm nào cũng vậy cứ đến hẹn lại lên, lễ cúng sao giải hạn vào rằm tháng Giêng người dân ngồi thành hàng dài trên đường làm cho đoạn đường từ Tây Sơn - Nguyễn Trãi bị tê liệt hoàn toàn.

Để đạt được những mong ước, nhu cầu đúng đắn, chính đáng của mỗi con người, từ sức khỏe, đến cuộc sống ấm no, bình an và hạnh phúc thì bản thân mỗi chúng ta ở những điều kiện, hoàn cảnh và vị trí của mình đều luôn cần phải nỗ lực phấn đấu rèn luyện trong học tập, làm việc; trong đời sống thường ngày luôn cần tu tâm dưỡng tính, tích đức, hành thiện, biết chia sẻ và yêu thương… Qua đó mới tạo được duyên lành, làm điều lành tránh điều dữ, để có những đóng góp xứng đáng cho cuộc đời.

Chỉ khi những điều đó được thực hiện thì mỗi người mới mong nghiệp xấu được tiêu trừ, mới tránh được vận hạn và từ đó mới có được cuộc sống an vui, hạnh phúc. Mọi người không thể trông chờ vào việc dâng sao giải hạn để mong chờ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Như vậy, theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam là trong giáo lý nhà Phật không có sao tốt hay sao xấu và nhà Phật không khuyến khích việc lễ cúng dâng sao giải hạn. Nhưng trong thực tế hiện nay người dân lại dâng sao giải hạn hành lễ tại nhà chùa, do đó cần phải có sự phối hợp tích cực của các ban ngành từ trung ương đến địa phương để có các giải pháp tích cực kiểm soát vấn đề này./.

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực