Để văn hóa kể Khan còn mãi với Tây Nguyên

Thứ năm, 18/04/2019 18:48
(ĐCSVN) - Dưới gốc đa di sản hơn 400 năm tuổi, ngồi nghe nghệ nhân Rơ Mah Kim kể Khan những câu chuyện của núi rừng Tây Nguyên, chúng tôi như được sống lại với những truyền thuyết xa xưa của người Jrai.

Gặp nghệ nhân kể Khan Rơ Mah Kim

Vượt qua những con đường đất đỏ bazan, qua những vườn điều, cà phê bạt ngàn, chúng tôi đến với làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Phải rất công phu và có duyên, chúng tôi mới gặp được ông Rơ Mah Kim là nghệ nhân hiếm hoi còn sống có khả năng kể Khan. Ông Rơ Mah Kim là người dân tộc Jrai, sinh ra và lớn lên tại chính làng Ghè.

Kể Khan là một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Jrai ở Gia Lai nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung. Đây là thể loại sử thi, trường ca kể về truyền thống cha ông, về công trạng, phong tục, tập quán của dân tộc bản địa. Trong những câu chuyện Khan, không chỉ đơn thuần là sự hình thành trời đất, con người mang yếu tố thần thoại, mà còn cả quá trình hình thành và phát triển lịch sử xã hội, phản ánh rõ nét phong tục, tập quán của các tộc người ở Tây Nguyên. Kể Khan thường không có nhạc cụ. Một người kể cho nhiều người nghe nhằm nhớ lại công lao của những lớp người đi trước. Kể Khan dùng trong sinh hoạt như uống rượu cần, gặp nhau bạn bè, anh em, cha mẹ, người thân…

Ông Rơ Mah Kim, nghệ nhân kể Khan làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi giọng kể Khan trầm ấm như tiếng núi rừng Tây Nguyên và những câu chuyện dài dường như không có hồi kết. Nghệ nhân Rơ Mah Kim bình thản kể chuyện, giọng điệu trầm lắng khi kể về những mất mát, khổ đau của dân làng lúc gặp tai ương; nhưng lại trở nên gấp gáp, vội vã ở những đoạn kể về những cuộc chiến đấu của cha ông trước sự tấn công của các con thú dữ; và hào sảng khi kể về những vị anh hùng chiến đấu và chiến thắng thiên nhiên… Dù phải dừng lại nhiều lần để người phiên dịch sang tiếng Kinh, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được khí chất của người Tây Nguyên trong lời kể của nghệ nhân Rơ Mah Kim.

Nói về nghệ nhân Rơ Mah Kim, anh Nguyễn Đình Tiến, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Đức Cơ cho biết, ông là người duy nhất của huyện Đức Cơ được công nhận nghệ nhân kể Khan. Tuy nhiên, đây là hiện tượng rất đặc biệt. Thường thì những người biết kể Khan là người nhiều tuổi, được các thế hệ cha ông trao truyền. Nhưng nghệ nhân Rơ Mah Kim thì lại khác. Sau một trận ốm kịch liệt tưởng không qua khỏi, khi tỉnh lại, ông bỗng có khả năng đặc biệt này. Nghệ nhân Rơ Mah Kim cho biết, thỉnh thoảng hằng đêm, trong những giấc mơ đều thấy những người nghệ nhân kể Khan đã mất từ những đời trước, nay hiện về kể lại cho ông nghe. Hoặc trong những giấc mơ, nghệ nhân Rơ Mah Kim thấy hiện ra những bối cảnh, khung cảnh, diễn biến, câu chuyện… khi tỉnh dậy, ông nhớ lại và kể Khan cho người khác nghe. Rồi cứ thế, kho tàng những câu chuyện Khan trong trí nhớ của nghệ nhân Rơ Mah Kim ngày càng nhiều. Ông đã kể một lần là có thể nhớ và kể lại mãi.

Khi được báo cáo về trường hợp ông Rơ Mah Kim, bản thân anh Nguyễn Đình Tiến cũng không tin, bởi các nghệ nhân kể Khan vô cùng hiếm, và đây là thể loại gần như thất truyền. Chỉ khi về gặp ông Rơ Mah Kim, được nghe ông hát, anh mới tin đây là sự thật. Anh cho biết, ông Rơ Mah Kim kể hay tới mức, ngay cả những người kể Khan “lão làng” cũng tự nhận “mình kể không hay bằng nó”, thậm chí gọi Kim là “người Yàng” (người trời). Đặc biệt hơn, ông Rơ Mah Kim thuộc tới hơn 30 Khan (30 câu chuyện), có những Khan dài phải kể tới 2 ngày 2 đêm mới hết. Trong khi đó, nghệ nhân có tiếng trong vùng thuộc nhiều cũng chỉ vài Khan.

Nghe nghệ nhân Rơ Mah Kim kể Khan dưới gốc cây đa "Di sản Việt Nam - 400 tuổi"
tại làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Những câu chuyện kể vài ngày không hết ấy, nhưng ông Rơ Mah Kim có niềm say mê đặc biệt nên không biết mệt. Đôi khi, ông cũng có sáng tạo thêm một vài chi tiết mới để câu chuyện thêm hấp dẫn, sinh động.

Nhờ khả năng đặc biệt đó, năm 2016, tỉnh Gia Lai đã làm hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận chức danh nghệ nhân cho ông Rơ Mah Kim. Đây là niềm vui không chỉ với bản thân ông Rơ Mah Kim, với ngành Văn hóa của tỉnh Gia Lai, mà còn là niềm vui chung của cả cộng đồng dân tộc Jrai trên vùng đất Tây Nguyên. Từ khi được công nhận là nghệ nhân, ông Rơ Mah Kim được Nhà nước trợ cấp 700.000 đồng/tháng. Tuy mức trợ cấp còn thấp, hàng ngày vẫn phải làm nương, làm rẫy để lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, nhưng dù sao từ nay, ông Rơ Mah Kim đã có chính danh, có thể đi biểu diễn và truyền dạy cho các thế hệ sau để kể Khan sẽ không bị thất truyền, mãi mãi trường tồn trong đời sống tinh thần của bà con dân tộc Jrai.

Cần chính sách bảo tồn kể Khan

Đây là thể loại diễn xướng khó, nếu không truyền dạy, khó có ai có thể kể được. Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Gia Lai cho biết, thể loại kể Khan đang mai một và có nguy cơ thất truyền nếu không có chính sách bảo tồn. Không gian kể Khan như bếp lửa, nhà rông, bến nước… ngày càng hiếm; người kể ngày càng ít và người kể cũng ít có cơ hội kể, dẫn đến việc nhiều người quên lời kể. Trong khi đó, do kể Khan chủ yếu được truyền miệng nên tình tiết câu chuyện có sự hư cấu, tam sao thất bản. Giới trẻ hiện nay cũng không mặn mà, có những Khan dài 2 ngày 2 đêm, nên giới trẻ càng không muốn học kể Khan, vì vậy, hiện nay không ai trong số những người trẻ có thể kể Khan được. Kể Khan hầu như chỉ được trình diễn tại các lễ hội truyền thống, giao lưu văn hóa của các tỉnh, huyện mà thôi.

Cần sân khấu hóa, ngắn gọn hóa và đơn giản hóa hình thức kể Khan
thì mới hấp dẫn, thu hút, lôi kéo được giới trẻ tham gia nghe, hiểu và thuộc Khan

Anh Nguyễn Đình Tiến, Phó Trưởng phòng VHTT huyện Đức Cơ còn nêu lên một khó khăn khác là tất cả những người biết kể Khan đều thuộc Khan chứ không có bản ghi chép. Vì vậy, Phòng VHTT huyện Đức Cơ đã tham mưu cho Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai bảo tồn kể Khan bằng cách cho ghi âm lại, số hóa làm tài liệu lưu trữ để nghiên cứu, truyền dạy. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có sự tham vấn, thẩm định của các nhà chuyên môn và sự phối hợp giữa cơ quan chức năng.

Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở VH-TT-DL, để bảo tồn loại hình văn hóa kể Khan, Nhà nước cần có chính sách tổng thể: sưu tầm, ghi chép, ghi âm và in thành sách các bài kể để đưa vào các trường nội trú. Riêng tỉnh Gia Lai cũng cần có chính sách cụ thể để bảo tồn kể Khan. Ngành văn hóa cần khuyến khích chính quyền địa phương cũng như cộng đồng nếu có điều kiện thì tổ chức các cuộc thi cho nghệ nhân biểu diễn nhằm giữ lại nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc vùng Tây Nguyên. Cần phải tích cực sân khấu hóa, ngắn gọn hóa và đơn giản hóa hình thức kể Khan thì mới hấp dẫn, thu hút, lôi kéo được giới trẻ tham gia nghe Khan, hiểu Khan, học Khan, thuộc Khan và kể Khan.

Những nghệ nhân như ông Rơ Mah Kim đã góp phần lưu truyền, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Jrai. Vắng họ, chất men say của vùng đất Tây Nguyên sẽ nhạt đi, văn hóa bản địa sẽ mất dần sức hấp dẫn nếu chúng ta không quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy./.

Bài: Thương Huyền - Anh Tuấn
Ảnh: Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực