Đề xuất mở rộng không gian Bảo tàng Đà Nẵng

Thứ ba, 14/08/2018 15:27
(ĐCSVN) - “Chúng ta phải xác định tầm quan trọng, vị trí, vai trò của Bảo tàng Đà Nẵng trong quần thể kiến trúc thuộc quảng trường văn hóa, đáp ứng là bảo tàng vùng, điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Đà Nẵng để đầu tư xứng tầm”.

Trong phương án lập quy hoạch chi tiết phải làm rõ việc bố trí các đơn vị ở địa điểm nào khi di dời hoặc mở rộng Bảo tàng, đồng thời đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm phương án chỉnh sửa, bổ sung kiến trúc quy hoạch và trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng.

Đồng chí Đặng Việt Dũng lắng nghe đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan trình bày tại buổi họp (Ảnh: Hải Châu)

Chiều 13/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì buổi họp nghe báo cáo phương án kiến trúc quy hoạch và trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng tại vị trí mới số 42 Bạch Đằng (quận Hải Châu), trong đó việc đề xuất mở rộng không gian bảo tàng được xem xét cẩn trọng.

Báo cáo của đơn vị tư vấn dự án, Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng (CCU), chỉ rõ tại vị trí mới sẽ giữ nguyên hội trường, cải tạo toàn bộ dãy nhà làm việc do không gian chia nhỏ, chiều cao không đủ, đề xuất xây mới khối nhà với diện tích gần 800m2, tháo dỡ dãy nhà phía mặt đường Trần Phú vì xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời xây dựng tầng hầm giữ xe và làm kho chứa hiện vật.

Thay đổi khuôn viên và chuyển lối vào chính về đường Trần Phú, bố trí các quầy thông tin, đồ uống, điểm dừng chân… Đối với không gian trưng bày, phía tư vấn cũng đề xuất toàn bộ dãy nhà làm việc sẽ được cải tạo thành nhà trưng bày thường xuyên, khối nhà xây mới sẽ làm nhà trưng bày chuyên đề, không gian khám phá, giáo dục, và hành chính.

Nội dung trưng bày gồm 4 phần: phần dẫn nhập giới thiệu tổng quan về Đà Nẵng từ quá khứ đến hiện tại, bản đồ Đà Nẵng…; phần lịch sử thiên nhiên, con người Đà Nẵng gồm thiên nhiên Đà Nẵng, những cư dân đầu tiên, thời đại phong kiến, giai đoạn Cách mạng Tháng Tám đến nay; phần lịch sử phát triển đô thị gồm kiến trúc, quy hoạch đô thị, giao thông, các ngành tiểu thủ công nghiệp…; và phần văn hóa, nhấn mạnh văn hóa biển Đà Nẵng và văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên.

Trên quan điểm của một chuyên gia, PGS.TS Phạm Văn Dương, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đặc biệt lưu tâm việc cập nhật nội dung phù hợp với sự phát triển của thành phố.

“Đây là nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố hiện nay. Tôi đã tham khảo một số bảo tàng tại London, New York… và thấy rằng Đà Nẵng hiện “bỏ rơi” vấn đề này. Du khách đến Đà Nẵng mong muốn tìm hiểu phát triển đô thị của thành phố, từ bến cảng đến đô thị hiện đại ngày nay đã trải qua những giai đoạn gì, trào lưu văn hóa mới ảnh hưởng như thế nào…”, ông Dương chia sẻ.

Cơ bản thống nhất với nội dung trưng bày mà đơn vị tư vấn đề xuất, tuy nhiên đại diện các sở, ngành liên quan đề nghị xem lại việc xây mới khối nhà.

Số nhà 42- 44 Bạch Đằng, quận Hải Châu (Ảnh: Anh Tuấn)

Theo ông Lê Tự Gia Thạnh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, quan điểm bảo tồn trong quy hoạch hoặc tương thích hoặc đối lập. Sự tồn tại một khối nhà với diện tích 800m2 không chỉ phá vỡ kiến trúc hiện có mà còn gây ra sự rối rắm trong mật độ xây dựng. Hơn nữa, quy hoạch quảng trường văn hóa do Viện Kiến trúc quốc gia thực hiện sẽ lấy thành Điện Hải làm “phần lõi”, các công trình văn hóa khác trong đó có Bảo tàng Đà Nẵng là một phần của quảng trường văn hóa.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, hiện bình quân mỗi ngày bảo tàng đón 800-1.000 khách. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, cơ sở phục vụ hơn 160.000 lượt khách, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Bảo tàng Đà Nẵng trong Thành Điện Hải hiện nay có diện tích sàn trưng bày 3.414m2 (chưa kể 1.400m2 tầng hầm, phòng làm việc, kho), lưu giữ hơn 16.000 tài liệu, hiện vật với 22 chuyên đề trưng bày.

“Vấn đề quá tải hoàn toàn có thể sớm xảy ra”.

Trước đó, lãnh đạo thành phố trong cuộc họp quy hoạch kiến trúc gần đây đã có chỉ đạo về phương án thực hiện di dời Bảo tàng Đà Nẵng, trong đó đề cập nội dung sử dụng cơ sở 44 Bạch Đằng (trụ sở HĐND thành phố) và 31 Trần Phú (trụ sở Vườn ươm doanh nghiệp, quay lưng với số 44 Bạch Đằng) để mở rộng không gian bảo tàng. Như vậy sẽ kết hợp Bảo tàng Đà Nẵng với Thư viện Đà Nẵng, Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, quảng trường Thành Điện Hải tạo thành quần thể văn hóa - lịch sử và nâng Bảo tàng Đà Nẵng lên tầm khu vực.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho rằng thời hạn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư năm 2018 (mốc 31/10 phải phê duyệt dự án) còn rất ít. Hơn nữa, giai đoạn 1 dự án bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải đã gần hoàn thành (dự kiến tháng 11). Nếu không đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời Bảo tàng Đà Nẵng về số 42 Bạch Đằng thì không thể khớp nối giai đoạn 2 của dự án. Hơn nữa đây là công trình hết sức đặc biệt với Đà Nẵng vào dịp kỷ niệm 160 năm Ngày nhân dân Đà Nẵng kháng Pháp nên cần khẩn trương thực hiện.

Đồng chí Đặng Việt Dũng yêu cầu phải hoàn thành dứt điểm quy hoạch tổng thể quảng trường văn hóa để tiến hành các bước tiếp theo.

Do đó, đề nghị Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng làm việc với Viện Kiến trúc quốc gia khẩn trương lập quy hoạch chi tiết dựa trên cuộc họp quy hoạch kiến trúc mới đây, chuyển đến Ban Cán sự Đảng UBND xin ý kiến, và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực