"Đi B" ra mắt bạn đọc

Thứ ba, 15/05/2018 15:28

Có ai còn nhớ hai tiếng “Đi B” một thời?

Có ai còn nhớ một thời "Đi B"?

Thời đó, thời kháng chiến chống Mỹ, cả đất nước dồn hết sức lực cho những chiến trường được định danh bằng các chữ cái tiếng Việt. Hậu phương miền Bắc là A, chiến trường miền Nam ở bên kia vĩ tuyến 17 được gọi là B. “Đi B” là vào Nam, là ra chiến trường, là trực tiếp giáp mặt đạn bom chiến đấu với kẻ thù. Trong những đoàn người Đi B không chỉ có quân đội, những người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc, mà còn có các đoàn cán bộ quân dân chính đảng đi vào để phục vụ cho muôn mặt đời sống của cả chiến trường rộng lớn miền Nam. Ông Lê Quang Thưởng là người có mặt ở một trong những đoàn đi đó cách đây đúng nửa thế kỷ.

 

Bìa cuốn sách "Đi B".


Những bài thơ ở đây được ông viết ra khi đó như một cách ghi nhật ký trên chặng đường “Đi B” hành quân từ Bắc vào Nam, đi qua các địa danh, trải qua các thử thách. Ông chắc không nghĩ mình là nhà thơ, nhưng ông có tâm hồn thơ để kịp ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình dưới dạng thơ, trong những câu có vần điệu, nhịp điệu, hình ảnh và trên hết là có tấm lòng của một con người đối với đất nước, nhân dân, rất rộng lớn và cũng rất cụ thể, trong những tháng ngày khốc liệt của chiến tranh. Nhờ tâm hồn thơ đó khi qua vùng tuyến lửa khu Bốn ác liệt trong đêm tối, ông vẫn nhìn ra Non Hồng một giải xanh mờ/ Đẹp như nét vẽ truyện thơ nàng Kiều. Khi ngủ giữa rừng Lào, ông vẫn nghe thấy Sương reo nhạc lá cành lúc trăng đã khuất núi. Và ông sững sờ trước vẻ đẹp cô dân quân Lào Tóc xõa/ Ngực trần/ Váy bó sát thân.

Sau năm mươi năm, những câu chữ nằm im trong sổ tay và ký ức người cán bộ trẻ hồi nào vào Nam sau này từng làm đến chức Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, nay đã về hưu, bỗng lần giở đọc lại và thấy sống lại cả một thời hào hùng lãng mạn của dân tộc và của riêng mình. Đó là thời:

Ta hạnh phúc được làm người chiến sĩ

Ngày công đánh giặc đêm ta làm thi sĩ

Viết những vần thơ xây mộng đẹp cho đời

Làm sáng lên những gương mặt bao người!

Theo từng câu thơ, bài thơ ở đây, ta bước đi cùng bàn chân của ông cán bộ đảng Lê Quang Thưởng từ khi tạm biệt người vợ vào một chiều thu Hà Nội qua suốt miền Trung sang cả đất bạn Lào cho đến nơi tập kết là Nam Bộ, rồi có khi cả sang Campuchia. Ông tự họa mình trong hình ảnh các chàng trai "Đi B”:  Quần vợ / Mũ con / Nước suối / Cơm lon/ Nhà tăng / Giường võng / Gậy Trường Sơn / Dép lốp Hà Trung / Súng ngắn đeo hông / Bi đông, ca Mỹ / Tạo dũng khí kẻ lên đường! Một bức chân dung cụ thể đúng thực của mỗi người đi B, phổ biến một thời nên cũng có tính biểu tượng một thời.

“Đường ra trận mùa này đẹp lắm” - câu thơ của Phạm Tiến Duật nên hiểu là cái đẹp của tâm hồn người ra trận, dù phải trải qua bao nhiêu thử thách, nguy nan, cái sống, cái chết kề nhau. Những vần thơ mộc mạc, chân thật của Lê Quang Thưởng cũng vậy: ông nói đến những khó khăn nguy hiểm mình đã vượt cũng chỉ để nói lên cái đẹp của những đồng bào đồng chí ông gặp trên đường cùng ông chia sẻ cuộc chiến đấu, để tự động viên, khích lệ mình sống cho cao đẹp, xứng đáng với nhân dân đất nước. Với cả cô con gái đầu lòng mà ông nhận được tin con ra đời sau bốn tháng khi đang ở căn cứ biên giới Tây Ninh một ngày tháng mười 1968:

Con ra đời lúc cha đã đi B

Bước nghìn dặm Trường Sơn xa ngái

Chưa biết mặt là trai hay gái

Lòng lâng lâng lớn mãi niềm vui

Trong hoàn cảnh chiến tranh ở chiến trường có những người muốn lùi bước, nhưng ông tự nhủ mình: Đói không thèm/ Thiếu không tham / Không ngon lành gì khi ăn miếng thịt hôi / Không vui gì hơn lúc cơm nắm chia đôi / Ta phải giữ lòng ta trong sạch! Chính tinh thần nghị lực đó và tâm hồn thơ đã nâng bước chân ông, cho ông sức mạnh để trụ lại chiến trường và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tập thơ - nhật ký này của Lê Quang Thưởng chỉ có 20 bài. Hẳn là đây đó ông còn có những bài khác nhưng tác giả gom lại từng ấy kèm những lời dẫn dắt, chú giải về hoàn cảnh viết từng bài, in thành tập thơ như giữ lại một kỷ niệm, một hồi ức. Kỷ niệm của một cá nhân ở một quãng đời trong một thời. Quãng đời "Đi B” thời chiến tranh. Tôi tin mỗi người lính, mỗi người cán bộ "Đi B” hồi ấy đều có những nhật ký hồi ức như thế này dù có công bố ra hay để lại riêng mình. Đọc "Đi B” của Lê Quang Thưởng là đọc một cách sống thơ để chia sẻ cùng tác giả, sự thấu nghiệm không chỉ có ở lúc ấy: Không khi nào nhớ thương người thân bằng lúc xa nhà / Không khi nào buồn bằng cảnh mưa rừng / Không khi nào mệt bằng lúc leo dốc / Không khi nào khổ cực bằng lúc đau ốm giữa đường trường (Đêm 7/8/I968, trên đất Nam Lào).

Và như vậy, giữa đời thường hôm nay người ta vẫn nhiều khi cần lại một lần "Đi B”./.

PXN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực