Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh: Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc

Thứ ba, 14/05/2019 22:49
(ĐCSVN) - Đây là tên Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức ngày 14/5 tại Đắk Nông với sự tham dự của hơn 500 đại biểu và gần 90 tham luận.

Hội thảo chào mừng 60 năm Ngày thành lập tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019).

Con đường huyền thoại

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định trong đề dẫn: "Cách đây tròn 60 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về mở đường chi viện cho cách mạng miền Nam, tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh từng bước được hình thành, góp phần hiện thực hóa quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của quân dân hai miền Nam - Bắc".

Đoàn chủ tọa chủ trì Hội thảo (Ảnh: Minh Phong)

Bằng nỗ lực phi thường và ý chí quyết tâm thống nhất đất nước, từ những lối mòn sơ khai men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, các lực lượng đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh ngày càng hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 17.000 km gồm 5 trục dọc men theo dải Trường Sơn, 21 trục ngang nối với các địa bàn chiến lược, các quân khu, hệ thống đường vòng tránh, đường ống dẫn xăng dầu, đường thông tin liên lạc, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng...

“Suốt 16 năm xây dựng và phát triển (1959-1975), hệ thống giao thông huyết mạch Trường Sơn không chỉ giữ vai trò là tuyến vận tải quân sự, hậu cần chiến lược, mà còn là một chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch; nơi hội tụ sức mạnh, niềm tin và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất Tổ quốc; đồng thời là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Để có thành tựu này, hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia đã nằm lại trên các nẻo Trường Sơn. Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Tất cả sự hy sinh đó đã làm nên con đường huyền thoại với những chiến công hiển hách được ghi vào lịch sử như một kỳ tích, khẳng định sức mạnh, ý chí, quyết tâm và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Trong khi đó, Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc nêu rõ, trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, đến mùa khô 1967 - 1968, với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Cục thông tin liên lạc đã phối hợp với các lực lượng hình thành 6 đại đội dây trần. Đến tháng 12/1967, tuyến dây trần, kết hợp cáp dã chiến đã nối thông liên lạc đến tất cả các binh trạm trên đường Trường Sơn. Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng cho việc xây dựng và hoàn chỉnh tuyến dây trần “Thống Nhất”, bảo đảm liên lạc từ Bắc vào Nam sau này.

Theo Đại tá, PGS. TS Đoàn Ngọc Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thể hiện tính sáng tạo trong nghệ thuật tổ chức xây dựng lực lượng, kết hợp những hình thức đấu tranh nhiều phương thức vận chuyển, thể hiện bước phát triển mới trong chỉ đạo, điều hành chiến tranh của Đảng. Đây là một mặt trận, một chiến trường tổng hợp đặc biệt, tổ chức, chiến đấu, phục vụ chiến đấu theo phương thức binh chủng hợp thành. Trên tuyến đường bao gồm nhiều đơn vị như vận tải, bộ binh, công binh, pháo binh, phòng không, thông tin, quân y… trong đó, bộ đội Trường Sơn (đoàn 559) là lực lượng nòng cốt.

Ngoài ra, còn có các lực lượng khác như thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông và nhân dân các dân tộc. Mỗi đơn vị, mỗi lực lượng có vai trò tham gia vào các công việc khác nhau, song đều tập trung vào một nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt, cung cấp đủ, đúng, đồng bộ các mặt hàng, lực lượng cho chiến trường. Trên tuyến đường, việc áp dụng nhiều phương thức vận chuyển, thô sơ kết hợp với hiện đại, cơ giới, có ý nghĩa quyết định nâng cao tốc độ, hiệu suất vận chuyển. Với phương tiện vận tải này, đường Trường Sơn đã vận chuyển gần một triệu tấn vật chất các loại, 40 vạn người ra vào chiến trường.

Kỳ tích dân tộc

Đường Trường Sơn năm xưa trên địa bàn Quân khu 5, nay được nâng cấp thành đường Hồ Chí Minh huyết mạch ở phía Tây, rất có giá trị về quân sự quốc phòng trong thế trận phòng thủ Quân khu, góp phần lưu thông hàng hoá, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên.

Do vậy, tham luận của Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch, Phó Chính ủy Quân khu 5, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo nêu rõ, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển, là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên chiến trường Quân khu 5, đường Trường Sơn có tuyến gùi thồ và tuyến cơ giới, ngày càng được củng cố và vươn dài ở Bắc Kon Tum xuống tận miền Tây Quảng Đà, Quảng Ngãi, Phú Khánh (Phú Yên, Khánh Hòa), Đắk Lắk, dọc theo tuyến biên giới, nối thông với tuyến hành lang miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, tuyến đường cơ giới Đông Trường Sơn được xây dựng và phát triển liên hoàn chủ yếu từ năm 1973 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải vũ khí trang bị, kể cả cơ động xe tăng, pháo, chuyển quân qua tuyến, để Quân khu 5 liên tục tiến công địch và giành được nhiều thắng lợi to lớn, cùng cả nước kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Hội thảo thu hút đông đảo các tướng lĩnh, sĩ quan thuộc Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn...(Ảnh: Minh Phong)

Có thể nói, năm tháng sẽ trôi qua, nhưng đường Hồ Chí Minh mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại. Đó là một kỳ tích thể hiện sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng.

Trên quan điểm đó, Đại tá Phạm Văn Tú, Phó Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, phía Tây tỉnh Đắk Lắk là địa bàn có lợi cho việc trú quân, tập kết, che giấu các phương tiện khí tài, đồng thời là một hướng tiến công quan trọng của ta vào Buôn Ma Thuột. Vì thế, Tỉnh uỷ Đắk Lắk hết sức coi trọng công tác bảo mật. Ngoài ra, quân và dân các dân tộc trong tỉnh còn đóng góp hàng vạn ngày công cho hệ thống đường giao thông từ Ea Súp - Buôn Đôn - Buôn Ma Thuột, dài trên 300 km và hàng ngàn lượt người (kể cả voi và xe cơ giới) cho nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hoá. Đặc biệt, việc đưa xe tăng, pháo, bộ binh áp sát chờ giờ nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột được nhân dân giữ bí mật cho đến phút cuối cùng, qua đó góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 10/3/1975 giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông nhấn mạnh đường Hồ Chí Minh nói chung, đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông) nói riêng có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và tầm vóc thời đại lớn lao. Phát huy truyền thống của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, sau 15 tái thành lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng lợi thế, nỗ lực phấn đấu vượt qua thách thức, bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Quyết định mở đường, xây dựng và bảo vệ thành công đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm sắt đá, ý chí “thống nhất non sông” của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tầm vóc và ý nghĩa to lớn của tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh được ví như một huyền thoại, một kỳ tích về sức mạnh chiến đấu, chiến thắng, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ đây, nhiều bài học lịch sử và kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật quân sự đã được đúc kết vẫn còn nguyên giá trị để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Có thể khẳng định đường Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là trục đường hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước về các mặt kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng. Thời gian tới, tuyến đường sẽ tiếp tục được nâng cấp, mở rộng cũng là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực