Gần gũi, đồng hành cùng bà con dân bản

Thứ tư, 01/04/2020 11:33
(ĐCSVN) - “Anh chiếu bóng”, “bác chiếu phim”... là cách gọi trìu mến mà từ lâu đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên vẫn dành cho cán bộ, nhân viên các đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Điện Biên. Họ đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang hàng nghìn bộ phim đến với bà con ở các bản, làng xa xôi...
 Các buổi chiếu bóng lưu động luôn thu hút được đông đảo người dân đến xem. (Ảnh: ĐP)

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc, địa bàn chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn bản hẻo lánh… Với hơn 80% người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số sống phân tán, hẻo lánh, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu, hiểu biết và chấp hành pháp luật của nhân dân ở các vùng này còn nhiều bất cập. Do đó, công tác tuyên truyền phổ biến quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân luôn có ý nghĩa quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, động viên cán bộ, nhân viên 8 Đội chiếu bóng lưu động tại địa bàn các huyện, thị chủ động bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các cấp chính quyền, của bà con nhân dân, quyết tâm khắc phục các khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Cùng tham gia một chuyến “về bản” của Ðội chiếu bóng lưu động số 5, chúng tôi mới thực sự cảm nhận phần nào những vất vả của người làm công tác chiếu bóng lưu động. Để có được một chuyến công tác, nhiều khi họ phải mất rất nhiều thời gian chuẩn bị các phương tiện, trang bị, máy móc. Tiếp đó là những khó khăn khi cơ động đến vị trí chiếu bóng thường là những bản xa xôi, giao thông chia cắt. Hiện nay Điện Biên vẫn còn nhiều điểm bản ở xa. Cán bộ, nhân viên các đội phải đi bộ, chia nhau mang vác máy móc băng rừng, lội suối để đến các điểm chiếu. Ðiểm chiếu phim nào gần thì mất vài tiếng đi bộ, còn thôn bản nào xa thì mất cả buổi, thậm chí đi từ sáng sớm đến tối mịt mới đến nơi. Mùa nắng đã vất vả, mùa mưa còn vất vả thậm chí nguy hiểm hơn nhiều do mưa lũ, đường trơn trượt, sạt lở... Song, thành quả lớn nhất họ nhận được chính là niềm vui của người dân sau mỗi buổi chiếu bóng. Anh Hà Mạnh Hùng, phụ trách Ðội chiếu bóng lưu động số 5 chia sẻ, năm 2019, Ðội đã chiếu phục vụ người dân 175 buổi, thu hút hơn 22.500 lượt người đến xem.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Điện Biên vận chuyển máy móc, thiết bị để chuẩn bị cho buổi chiếu phim phục vụ người dân. (Ảnh: Văn Tâm )

Tìm hiểu được biết, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Điện Biên hiện có 8 đội chiếu bóng lưu động, mỗi đội 3 thành viên được giao phụ trách 8 huyện trên địa bàn tỉnh (trừ TP Ðiện Biên Phủ và TX Mường Lay). Xác định những thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhất là những nơi chưa có điện lưới quốc gia là “vùng lõm” về văn hóa, thông tin, những năm qua các đội chiếu bóng lưu động đã tăng cường số buổi, tần suất chiếu bóng tại những địa bàn này. Năm 2019, các đội đã tổ chức khoảng 1.400 buổi chiếu phục vụ người dân vùng cao, biên giới; trung bình đạt 180 buổi chiếu/01 đội.

Nội dung phim các đội mang đến với bà con khá đa dạng, phong phú, nguồn phim được đổi mới, thuyết minh bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số như tiếng Thái, Mông. Trước mỗi buổi chiếu, phụ trách các đội đều được lựa chọn phim bảo đảm phù hợp với truyền thống, tập quán các dân tộc. Trong đó, nội dung phim công chiếu tập trung tuyên truyền chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống các loại tội phạm, ma túy, bạo lực gia đình, an toàn giao thông, hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình; nâng cao tinh thần đoàn kết quân dân; chống các luận điệu xuyên tạc, các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu... Nhờ đó, hoạt động chiếu bóng lưu động đã mang đến cho đồng bào nhân dân các dân tộc ở tỉnh Điện Biên những thước phim có giá trị; qua đó giúp bà con thêm tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Anh Tẩn A Vang ở bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ cho biết: “Những bộ phim tư liệu, phim khoa học của đội chiếu bóng rất có ý nghĩa đối với bà con. Nó giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về các chính sách của Đảng, Nhà nước. Có bộ phim lại hướng dẫn người dân cách phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập... Mong mỏi của mọi người trong bản là Nhà nước quan tâm tổ chức cho bà con được xem chiếu bóng lưu động nhiều hơn; nhất là các nội dung hướng dẫn phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa...”.

Thực tế cho thấy, tuy đã có sự quan tâm của các cấp, các ngành, trực tiếp là ngành Văn hóa song đến nay đời sống của cán bộ, nhân viên các đội chiếu bóng lưu động ở tỉnh Điện Biên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ngoài tiền lương được trả theo quy định thì họ không có thêm bất kỳ phụ cấp hay chế độ bồi dưỡng nào. Trong khi đó, cường độ lao động cao, bình quân mỗi tuần, các đội sẽ có 2 - 3 lần lên đường đến các bản để phục vụ bà con. Chưa kể, công nghệ, thiết bị, phương tiện trang bị cho các đội cũng lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ người dân. Do đó, chỉ có tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm mới giúp cán bộ, nhân viên các đội chiếu bóng lưu động hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người “mang” văn hóa, chính sách đến với đồng bào vùng cao.

Nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm nâng cao chất lượng phục vụ, hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Điện Biên đã mang lại những hiệu quả to lớn. Thông qua các bộ phim tài liệu, phim truyện, phim khoa học..., cán bộ, nhân viên các đội chiếu bóng lưu động đã thực sự trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng; góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định tình hình an ninh trật tự vùng biên và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh./.

Đặng Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực