Giải báo chí quốc gia 2016: Rút ngắn khoảng cách về chất lượng

Thứ tư, 21/06/2017 19:01
(ĐCSVN) – Trước thềm Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XI, năm 2016 sẽ diễn ra vào tối 21/6, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí quốc gia xung quanh những vấn đề liên quan đến Giải năm nay.


Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí quốc gia. (Ảnh: HL)

PV: Thưa ông, bức tranh toàn cảnh của đất nước năm 2016 được thể hiện như thế nào thông qua các tác phẩm dự Giải báo chí quốc gia lần thứ XI?

Ông Hồ Quang Lợi: Năm 2016, báo chí đã phản ánh một cách trung thực, khách quan, sinh động mọi mặt của đời sống đất nước. Nhiều tác phẩm báo chí đưa ra những kiến giải có sức thuyết phục.

Năm 2016 cũng là năm đất nước tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Báo chí đã tuyên truyền đậm nét việc thực hiện các Nghị quyết của Đại hội cũng như những nhiệm vụ mà các Hội nghị Trung ương trong năm thể hiện. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ đã được báo chí tập trung tuyên truyền đậm nét.

Trong năm vừa qua cũng có nhiều tác phẩm thể hiện được tinh thần, trách nhiệm của các nhà báo, thể hiện tinh thần dấn thân. Trong loạt bài đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thấy được sự quả cảm của các nhà báo, bằng bản lĩnh nghề nghiệp, bằng sự tinh thông nghiệp vụ, sắc sảo đã thực hiện được nhiều loạt bài, từ báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử... Ở bất kỳ loại hình báo chí nào cũng có những loạt bài xuất sắc về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sự vào cuộc của báo chí đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí và tiêu cực trong xã hội.

Cùng với đó, nhiều tác phẩm báo chí quan tâm phản ánh những mặt tích cực trong đời sống xã hội, những gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Có thể nói năm nay, 4 loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử đều có những cuộc ra quân rất rầm rộ.

PV: Ông có thể đánh giá chất lượng các tác phẩm tham dự Giải báo chí quốc gia lần thứ XI, năm 2016?

Ông Hồ Quang Lợi: Giải báo chí quốc gia lần thứ XI, năm 2016 tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới báo chí cả nước. Những tác phẩm báo chí được chọn từ gần 300 cấp hội trong cả nước, 63 chi hội nhà báo các tỉnh, thành phố, các liên chi hội và chi hội trực thuộc. Trong số 1.637 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả tham dự, Ban thư ký tổng hợp Giải đã kiểm tra, sàng lọc và đưa vào chấm sơ khảo 1.550 tác phẩm. Các tiểu ban của Hội đồng sơ khảo tiến hành chấm 2 vòng theo Quy chế. Trên cơ sở kết quả cụ thể của từng tiểu ban, Hội đồng sơ khảo chọn được 139 tác phẩm xuất sắc nhất vào Chung khảo. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, tính chiến đấu cao; có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nhận thấy, các tác phẩm dự Giải năm nay đều bám sát các sự kiện nổi bật của năm 2016. Điểm nổi bật ở mùa giải năm nay là các tác phẩm có chất lượng khá đồng đều, không có sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Đặc biệt, trong nhóm thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in) và tin, phóng sự, ký sự (báo hình) đã xuất hiện nhiều tác phẩm từ các cơ quan báo chí địa phương được Hội đồng Giải báo chí quốc gia đánh giá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tác phẩm chưa có đột phá trong phát hiện đề tài, chưa tìm giải pháp giải quyết thấu đáo vấn đề thực tiễn đặt ra. Nhiều bài báo in, báo điện tử có dung lượng quá dài. Nhiều tác phẩm phát thanh vẫn chưa có sự sáng tạo, đổi mới đáng kể.

PV: Trong số các tác phẩm đoạt giải A, ông đánh giá thế nào về nội dung và hình thức thể hiện, các tác phẩm có gì đột phá?

Ông Hồ Quang Lợi: Nếu gọi là có tính đột phá, mới mẻ, tạo ấn tượng ngay cho Hội đồng giám khảo thì chưa đạt. Đây chỉ là những tác phẩm xuất sắc. Về phong cách thể hiện thì chưa thật hoàn toàn mới, vẫn chỉ là những vấn đề về phòng, chống tham nhũng, những vấn đề nêu lên những mặt bất cập trong xã hội, nêu những điển hình mới, cách làm mới.

PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng các tác phẩm dự giải ở các cấp hội Trung ương và địa phương?

Ông Hồ Quang Lợi: Năm nay, Giải báo chí quốc gia nhận được sự tham gia tích cực của các nhà báo trong cả nước, các Hội Nhà báo địa phương. Điều đáng mừng là không chỉ các cơ quan báo chí Trung ương đoạt giải cao, mà nhiều cơ quan báo chí địa phương cũng có tác phẩm chất lượng tốt được trao giải. Chúng tôi rất phấn khởi khi khoảng cách về chất lượng giữa cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham gia Giải báo chí quốc gia hằng năm ngày càng thu hẹp. Điều này thể hiện tinh thần phấn đấu, học hỏi của giới báo chí, hướng tới xây dựng một nền báo chí có chất lượng, phục vụ tốt công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đáng chú ý, trong nhóm thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí... đã xuất hiện nhiều tác phẩm từ các cơ quan báo chí địa phương được Hội đồng Giải báo chí quốc gia đánh giá cao, có thể kể đến như: Tác phẩm “Các trung tâm bảo trợ trẻ em tại Đà Nẵng: Mạnh ai nấy làm” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hoa, Lê Thị Phương Trà (Hội Nhà báo Thành phố Đà Nẵng); "Hạn xâm nhập mặn lịch sử mùa khô năm 2015- 2016: Hành động ngay vì một Đồng bằng sông Cửu Long trù phú” của tác giả Lê Thanh Long (Hội Nhà báo Cần Thơ); “Củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù” của nhóm tác giả Chu Thị Khánh Ly, Nguyễn Mai Hoa (Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An); “Phát triển Đảng trong doanh nghiệp” của tác giả Hoàng Thị Bích Phú (Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai); “Tư duy đột phá cho nông thôn mới Đồng bằng sông Cửu Long” của nhóm tác giả Hoàng Ngọc Trảng, Cao Thị Huyền (Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long); “Khẩn cứu rừng Tây Nguyên” của tác giả Phan Minh Đạo, Đinh Xuyên (Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng); “Thành phố Rạch Giá – Kiên Giang cháy kho hàng 290 Quang Trung thiệt hại trên 12 tỷ đồng” của tác giả Danh Hiệp (Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang); “Nghị quyết Trung ương 4: Cách làm sáng tạo ở tỉnh Quảng Ngãi” của nhóm tác giả Thái Anh, Kiều Oanh, Xuân Long, Tiến Công (Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi); “Bảo vệ tài nguyên nước nhìn từ thực trạng khai thác nước ngầm” của nhóm tác giả Trần Thuận Phương Chi, Nguyễn Hoàng Hương (Hội Nhà báo tỉnh Cần Thơ); “Hãy ngăn chặn những cái chết đau lòng và vô nghĩa” (Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái)...

PV: Đã qua 11 mùa giải, ông có cảm nhận gì về Giải báo chí quốc gia?

Ông Hồ Quang Lợi: Kể từ ngày 29/3/2007, Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia và giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và mời Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia thực hiện, đến nay đã đi qua 11 mùa giải. Có thể khẳng định, cho đến thời điểm này, Giải báo chí quốc gia luôn là giải danh giá nhất, có sức hút và trở thành “thương hiệu uy tín” của báo giới cả nước và xã hội. Giải báo chí quốc gia là sự tôn vinh, tạo hứng khởi cho niềm đam mê sáng tạo và những cống hiến không ngừng của những người làm báo Việt Nam; khẳng định niềm tin cậy, ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với “những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng”. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tinh thông nghề nghiệp, các nhà báo đã không quản ngại khó khăn để sáng tạo được những tác phẩm báo chí tiêu biểu, mang đậm hơi thở cuộc sống với tính chiến đấu cao, có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Huy Lê (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực