Giữ gìn chữ Thái cổ

Thứ ba, 02/03/2010 16:33

  
Ông Hà Công Tín bên giáo trình chữ viết Thái do ông sưu tầm và biên soạn 
Dân tộc Thái vốn được coi là cộng đồng có bề dày lịch sử cùng một kho tàng văn hóa đặc sắc. Thế nhưng, cùng với dòng chảy thời gian, nhiều giá trị truyền thống, nhiều lớp trầm tích xưa cũ đang dần mất đi. Xót xa khi thấy nét văn hóa đặc sắc đó có nguy cơ mai một, ông Hà Công Tín (xóm Mỏ, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã trăn trở tìm cách lưu giữ những thông điệp từ quá khứ để truyền lại cho thế hệ tiếp nối.

Tự học - hiểu - rồi say mê văn hóa Thái

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của văn hóa dân tộc Thái nhưng mãi đến năm 1992, ông Tín mới lần đầu tiên cầm trên tay quyển sách của ông nội - thứ được coi là gia bảo của dòng họ. Ông vô cùng tò mò nhưng không thể đọc được vì nó được viết bằng chữ Thái cổ. Phải đến năm 1997, khi bắt đầu nghỉ hưu, ông mới thực hiện được ý định học chữ Thái của mình.

Một hành trình mới bắt đầu. Ông tìm gặp những người Thái còn lại ở Mai Châu biết chữ, biết tiếng mẹ đẻ (con số này rất ít) và xin theo học. Cho đến khi nắm được phương pháp cơ bản, ông đã có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi - tự học, tự nghiên cứu.

Từ đây, ông sưu tầm, thu thập tất cả sách của người Thái trong dòng họ. Càng đọc, càng hiểu ông càng say mê hơn cái gọi là “giá trị văn hóa phi vật thể” của ông cha gửi gắm phía sau những con chữ. Bởi qua những thư tịch, sách vở ấy đã hiện lên một xã hội Thái xưa có đời sống tinh thần vô cũng phong phú. Đó là những làn điệu dân ca, bài hát giao duyên tình tứ, kho tàng thành ngữ, tục ngữ… rất cô đọng mà thấm đượm triết lý nhân sinh, gói ghém cái tình, cái nghĩa của tiên tổ. Người Thái xưa còn dịch cả Tam quốc chí, Thạch Sanh và những truyện cổ, ngụ ngôn ra chữ Thái theo lối văn vần - đầy uyên bác, hàm súc. Bên cạnh đó, còn có nhiều áng Mo, bùa phép của một lớp người được gọi là “thần quyền” đã cai quản, thống trị cả xã hội Thái về đời sống tinh thần hay những quyển gia phả ghi lại lịch sử lâu đời của các dòng họ...

Khi đã đọc, đã hiểu và thấm những quyển sách của dòng họ, ông Hà Công Tín tìm kiếm thêm sách để nghiên cứu. Ông cất công tìm hiểu nhà nào có sách để đến xin, mượn, mua và trao đổi. Ông sẵn sàng cởi chiếc áo khoác giữa ngày đông rét đậm của núi rừng miền Tây làm vật ngang giá với một quyển sách cổ mà xem ra vẫn hời vì tìm thấy giá trị hơn trong đó.

“Người Thái phải biết chữ Thái”

Khi biết ông Tín thông thạo chữ Thái, người dân vô cùng tin tưởng và mến mộ. Họ nhờ ông dịch những cuốn gia phả, những văn tự cổ. Ông Tín đã nhận thấy: biết, đọc được chữ Thái và dịch ra chữ quốc ngữ giúp người dân hiểu hơn về văn hóa Thái là chưa đủ. Cần phải truyền lại chữ Thái cho người Thái để thế hệ sau có thể gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần của dân tộc mình trước khi quá muộn!

Sau gần 10 năm miệt mài tìm tòi, ông Tín đã sưu tầm, biên soạn nên một “giáo trình” chữ Thái để đưa vào giảng dạy. Lớp học đầu tiên của ông được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo bà con: từ các cán bộ văn hóa huyện đến những người dân hàng ngày chỉ quen lên nương lên rẫy đều háo hức theo học. Nhắc đến lớp học này, ông Tín không giấu được niềm tự hào: “Những cuộc họp giao ban ở huyện, xã có thể chậm hoặc thiếu người nhưng giờ học chữ Thái thì đúng giờ và đông đủ lắm!”. Ông không chỉ dạy cho “người Thái phải biết chữ Thái” mà còn khơi dậy trong họ ý thức về bản sắc truyền thống dường như đã lãng quên hoặc mất đi.

  
Mẫu chữ Thái cổ trong quyển sách mo của những ông Mo ngày xưa 

Sau khóa học đầu tiên mà ông Tín nói vui: “Đã xóa mù chữ Thái cho 50 người” thì chương trình dạy chữ Thái cho người Thái của ông được UBND huyện Mai Châu quan tâm. Ngay sau đó, khóa học thứ 2 cho cán bộ nòng cốt của huyện và các cán bộ văn hóa được tổ chức, một hội thảo khoa học chữ Thái đã diễn ra. Đó là hội thảo của những người quan tâm đến chữ viết Thái, nghiên cứu chữ viết Thái để thống nhất chữ Thái Việt Nam ở các tỉnh: Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La... Chương trình học chữ Thái của ông Tín cũng được trích kinh phí, lên kế hoạch cho những khóa đào tạo cán bộ và con em dân tộc Thái kế tiếp.

Mục đích của ông Hà Công Tín là muốn lưu giữ và truyền lại những di sản văn hóa phi vật thể từ nguồn thư tịch xưa cũ của ông cha nên ông tiếp tục con đường nghiên cứu chữ Thái cổ. Vì thế ông lại thu thập, sưu tầm và nghiên cứu những văn bản chữ Thái. Nhiều nhà khoa học, nhà ngôn ngữ học trong và ngoài nước đã tìm đến ông để nghiên cứu, học hỏi và nhờ ông giúp đỡ. Cũng nhờ chữ Thái cổ mà tại Mai Châu, ông Tín đã gặp gỡ và trao đổi với nhiều nhà khoa học Thái Lan và tìm thấy ở Mai Châu những chữ Thái cổ nhất…

Gần 20 năm ông Tín nghiên cứu và tìm hiểu chữ viết, văn hóa Thái. Từ ngày đầu tiên đánh vật với từng con chữ cho đến hôm nay, ông đã được biết đến như một trong những người giữ chìa khóa mở cánh cửa vào kho tàng văn hóa dân tộc Thái. Và không biết tự bao giờ, những giá trị đó dần ngấm trong con người ông thành niềm say mê và khát khao.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực