Hà Nội gặp mặt 218 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày

Thứ ba, 01/10/2019 16:23
(ĐCSVN) - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố luôn luôn tự hào, trân trọng những hy sinh, đóng góp của các chiến sỹ cách mạng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trưng bày gần 300 hiện vật về chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày

Hà Nội: Gặp mặt chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở trại giam Phú Quốc

Phó Bí thư Thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tặng bằng khen cho các cá nhân xuất sắc.

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), sáng 1/10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt 218 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi gặp mặt. Tới dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Việt Minh thành Hoàng Diệu, Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban Liên lạc Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội đã ôn lại truyền thống của Ban Liên lạc và những ngày đấu tranh gian khổ trong nhà lao đế quốc. Trước những thủ đoạn tra tấn dã man để đe dọa, bức bách, mua chuộc người tù, nhưng bất chấp mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn kiên định lòng tin về sự nghiệp cách mạng, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất trước quân địch; không đầu hàng, không khai báo, không thực hiện mệnh lệnh phá hoại giá trị thiêng liêng của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sống trong nhà lao của địch là sống trong cái thế “ngàn cân treo sợi tóc”, giữa cái sống và cái chết nhưng các chiến sỹ cách mạng đã đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên trong các chi bộ trong nhà tù, các chiến sỹ cách mạng đã chống lại chế độ hà khắc, khổ sai, chống lại các hoạt động chào cờ địch, chống hô khẩu hiệu phản cách mạng; biến nhà tù thành trường học để nâng cao trình độ hiểu biết về cách mạng, về trình độ văn hóa, giữ vững ý chí chiến đấu...

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương xúc động cho biết, ngày Thủ đô thân yêu được giải phóng, cũng là ngày các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thoát khỏi hệ thống “địa ngục trần gian” của địch để chiến thắng, trở về với Đảng, với dân và quân đội ta. Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, các chiến sĩ bị địch bắt tù đày tiếp tục một lòng, một dạ đi theo con đường đã chọn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, tham gia đóng góp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần giữ vững an ninh chính trị; động viên con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bày tỏ sự xúc động, tự hào khi được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội mong muốn, thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, luôn là ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời quan tâm hơn nữa trong việc chăm sóc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Phó Bí thư Thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Việc tổ chức gặp mặt đầm ấm, trang trọng hôm nay là dịp để Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô bày tỏ sự tri ân và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ đã hy sinh máu xương cho sự trường tồn, phát triển của Thủ đô và đất nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố luôn luôn tự hào, trân trọng những hy sinh, đóng góp của các chiến sỹ cách mạng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, trong cuộc đấu tranh gian khổ giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hàng ngàn đồng chí, trong đó có hàng trăm người con của Hà Nội đã anh dũng hy sinh, hơn 1.500 đồng chí bị địch cầm tù ở Hà Nội và các tỉnh, thành trong toàn quốc... Những tấm gương chiến đấu, hy sinh cao cả của các đồng chí đã trở thành những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ viết tiếp những trang sử vang của dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu rõ, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, hoà bình, hữu nghị, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước. Trải qua 65 năm từ ngày Thủ đô được giải phóng (10/10/1054), diện mạo thành phố Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại; uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và thế giới ngày càng được nâng lên. Thủ đô Hà Nội được tổ chức UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý, như “Thủ đô Anh hùng” năm 2000; ba lần nhận Huân chương Sao Vàng vào các năm 1984, 2004 và năm 2010. Kinh tế thủ đô tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước…

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các đồng chí chiến sỹ cách mạng đã trải qua lao tù của thực dân, đế quốc và những người có công với cách mạng. Trong giai đoạn 2008-2018, Thành phố đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 14.500 ngôi nhà, trong đó có trên 4 nghìn nhà cho người có công, gia đình chính sách. Năm 2019, Thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 33 tỷ đồng tặng trên 4.100 sổ tiết kiệm và tu bổ, sửa chữa gần 100 công trình ghi công liệt sỹ, gần 400 nhà cho người có công với cách mạng; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 21 nghìn lượt người...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt. 

Bày tỏ vui mừng và xúc động khi thấy các bác, các đồng chí - những chiến sỹ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của Thủ đô anh hùng vẫn tham gia hoạt động xã hội, ở cơ sở, tiếp tục có những cống hiến, đóng góp xuất sắc, có nhiều tấm gương tiêu biểu được khen thưởng ở các cấp, các ngành, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kính chúc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày sức khoẻ, trường thọ để được chứng kiến những đổi thay, phát triển của Thủ đô và đất nước; đồng thời mong muốn các bác, các đồng chí tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; luôn nêu cao tấm gương hy sinh, phấn đấu để các thế hệ sau tiếp nối sự nghiệp cách mạng, nhất là góp ý để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Phó Bí thư Thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng tiếp thu toàn bộ các kiến nghị tại buổi gặp mặt, giao cho các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố để giải quyết. Nhân dịp này, thành phố Hà Nội đã quyết định tặng Bằng khen cho Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực