Hà Nội tăng cường kiểm tra, khắc phục những hình ảnh phản cảm mùa lễ hội

Thứ tư, 08/01/2020 10:04
(ĐCSVN) - Lễ hội chùa Hương năm 2020 sẽ tổ chức khai hội vào ngày 30/1/2020 (tức mùng 6 tháng Giêng) với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”. Để ngăn chặn hiện tượng phát sinh điểm thờ tự trái phép như mùa lễ hội 2019, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2020 nhấn mạnh tăng cường lực lượng phối hợp kiểm tra, giám sát.
leftcenterrightdel
 Lễ khai hội chùa Hương thu hút đông đảo khách thập phương. (Ảnh:TA)

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, Ban tổ chức lễ hội đã thành lập các tiểu ban, trạm kiểm tra, tổ kiểm tra gồm: Tiểu ban Văn hoá - Xã hội; Kinh tế - Tài chính; An ninh trật tự; Quản lý di tích - thắng cảnh và vệ sinh môi trường; Quản lý điều hành cổng trạm; Điều hành vận chuyển khách… nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách.

Ban tổ chức lễ hội sẽ bố trí lực lượng thường trực lễ hội 24/24h. Lễ hội sẽ tuyệt đối không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn; cấm quảng cáo và tổ chức dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã; thực hiện nghiêm quy định về phương tiện cứu hộ trên xuồng, đò chuyên chở hành khách…

100% hộ kinh doanh, dịch vụ tham gia tập huấn về Luật Di sản văn hóa, thực hiện ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, thực hiện niêm yết công khai giá và số điện thoại, ký cam kết không chèo kéo, đeo bám du khách…  

Năm nay, giá vẻ thắng cảnh, dịch vụ xuồng đò chùa Hương không thay đổi, giữ nguyên như 2018. Cụ thể, giá vé thắng cảnh là 80.000 đồng/người cho toàn bộ di tích thắng cảnh Hương Sơn (21 điểm); giá vé xuồng đò là 50.000 đồng cả lượt vào và ra.

Về vấn đề cáp treo, phòng chống cháy nổ, đò sử dụng động cơ điện tại chùa Hương, ông Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: “Hằng năm, đơn vị vận hành cáp treo vẫn mời chuyên gia của hãng về xem xét, bảo dưỡng, bảo trì. Phòng cháy chữa cháy là vấn đề đáng quan tâm, chúng ta sẽ thực hiện phương án 4 tại chỗ (sử dụng thiết bị, lực lượng… tại chỗ). Chúng tôi đã nghiêm cấm tất các loại sử dụng động cơ dù bằng điện hay máy nổ, chỉ lực lượng công an, Thanh tra giao thông, Ban Tổ chức, nhà chùa, cấp cứu, điện lực được sử dụng”…

Trong khi đó, đối với lễ hội đền Sóc 2020, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn trao đổi, năm nay lễ hội đền Sóc sẽ tiếp tục duy trì các nghi lễ truyền thống, đồng thời thực hiện một số điểm đổi mới từ hai mùa lễ hội trước (2018-2019), để ngăn chặn nảy sinh biến tướng, hình ảnh phản cảm như: Không tổ chức rước giò hoa tre và trầu cau xuống đền Hạ, đền Mẫu; thay thế tục tán lộc bằng thực hiện phát lộc cho du khách theo sự kiểm soát của Ban tổ chức.

Năm nay, số lượng giò hoa tre sẽ được tăng thêm khoảng 200-300 bông, so với tổng số 1.000 bông của mùa lễ hội năm 2019, để đáp ứng nhu cầu xin lộc của nhân dân địa phương và du khách. Đặc biệt, thay vì chỉ dùng vầu như năm 2019, lộc giò hoa tre tại lễ hội đền Sóc 2020 cơ bản sẽ được làm bằng tre.

Ngoài ra, lễ hội đền Sóc 2020 sẽ tổ chức các nội dung thi đấu thể thao, như: Vật, cờ tướng, bóng chuyền…; tổ chức các trò chơi dân gian như đi cà kheo, nấu cơm thi, đi cầu thăng bằng, đập niêu…, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho lễ hội.

Những hành vi như đổi tiền lẻ, cờ bạc, mê tín dị đoan… sẽ bị xử phạt nặng, nhằm bảo đảm ngăn chặn hình ảnh xấu, bảo đảm ý nghĩa, tính chất, giá trị văn hóa của lễ hội.

Trao đổi về công tác lễ hội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết: Năm 2020 là năm chẵn. Do đó, Hà Nội sẽ có nhiều lễ hội tổ chức với quy mô lớn. Ban Tổ chức lễ hội, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã xây kế hoạch cụ thể. Rút kinh nghiệm mùa trước, năm nay, Hà Nội sẽ lưu ý các lễ hội còn tồn tại hình ảnh phản cảm, các địa phương tập trung khắc phục, để tất cả hoạt động diễn ra an toàn, tạo không khí vui tươi phấn khởi…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực