Hà Tĩnh: Đúc tượng và khánh thành đền thờ Vua Mai Hắc Đế

Chủ nhật, 12/02/2017 15:10
Ngày 12/2, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ đúc tượng và khánh thành Đền thờ Vua Mai Hắc Đế tại huyện Lộc Hà. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo quân khu IV, tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cùng đông đảo bà con nhân dân xã Mai Phụ và xã Thịnh Lộc.

Phối cảnh thiết kế tượng đài Vua Mai Hắc Đế (Ảnh: hatinh2h.com.vn)

Lễ đúc tượng Vua Mai Hắc Đế tại Quảng trường Mai Hắc Đế thuộc xã Thịnh Lộc, một địa phương vùng ven biển. Tượng Vua Mai Hắc Đế đúc bằng đồng liền khối cao 10,8m, đứng trên bệ đá hoa cương cao 4,7m dưới chân núi Bằng Sơn; phía trước có bài trí lư hương bằng đá tự nhiên, đế vuông chân tượng đồng bằng bệ bê tông cốt thép cao gần 1,5m. Khu quảng trường có tổng diện tích 18 ha với chiều rộng phía bờ biển dài 180m, chiều sâu từ bờ biển vào phía núi Bằng Sơn là 1.000m. 

Sau lễ đúc tượng diễn ra lễ khánh thánh Đền thờ Vua Mai Hắc Đế nằm trên địa bàn xã Mai Phụ. Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được trùng tu tôn tạo mở rộng quy mô với tổng diện tích hơn 7.000m2, trong đó diện tích xây dựng gần 1.000m2 với các hạng mục: nghi môn, tả vu, hữu vu, tiền tế, khu đền chính, nhà thủ từ, cổng phụ, tường bao, hệ thống sân vườn cảnh quan và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Tổng mức đầu tư các công trình dự kiến hơn 105 tỷ đồng, trong đó phần tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ hơn 61 tỷ, trong đó Quỹ thiện tâm Tập đoàn Vingroup hỗ trợ một phần kinh phí. 

Tượng đài Vua Mai Hắc Đế được xây dựng đứng trước muôn trùng sóng gió, biển khơi, thể hiện tinh thần hiên ngang, bất khuất, không khuất phục trước sức mạnh của kẻ thù xâm lược. Cùng với đền thờ vua Mai Hắc Đế ở làng Mai Lâm, ở xã Mai Phụ thì công trình nghệ thuật tượng đài Vua Mai Hắc Đế sẽ góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

Vua Mai Hắc Đế, tên húy là Mai Thúc Loan, quê gốc ở làng Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh thời Mai Thúc Loan là một hào kiệt, thông minh, tài trí và dũng cảm hơn người, không cam chịu ách đô hộ của xâm lược phương Bắc, ông đã chiêu mộ anh tài và quân 32 châu, liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp chống nhà Đường. 

Từ năm 713 – 722, ông đã cùng nhân dân các châu ấp trong vùng viết nên trang sử hào hùng của dân tộc với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Khởi nghĩa Hoan Châu là một bằng chứng lịch sử hùng hồn, khẳng định sức sống mãnh liệt, khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc, đồng thời thể hiện khí phách anh dũng kiên cường của cha ông ta./. 

 

Công Tường - Phan Quân/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực