Hành trình về miền di sản, di tích văn hóa tỉnh Bắc Giang

Thứ tư, 12/09/2018 15:21
(ĐCSVN) – Trong hai ngày 10 - 11/9, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đoàn điền dã tham quan, tìm hiểu các di tích, di sản văn hóa tỉnh Bắc Giang, qua đó, thông tin, tuyên truyền về kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang.

Chiều ngày 10/9, tại UBND huyện Việt Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương có buổi gặp mặt đoàn điền dã báo chí của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Việt Yên và đại diện các sở, ngành chức năng thuộc tỉnh Bắc Giang; 28 nhà báo, nhà văn đến từ các cơ quan báo chí T.Ư như: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo điện tử Tổ quốc, Đài Tiếng nói Việt Nam,...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương làm việc với đoàn công tác tại UBND huyện Việt Yên. Ảnh: TD

Tại buổi gặp mặt, đoàn công tác và đại diện chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Việt Yên thảo luận các vấn đề xung quanh việc phát triển du lịch như: Định hướng công tác bảo tồn di sản; thời gian vận hành cáp treo, khai xuân, kế hoạch tuyên truyền quảng bá du lịch Tây Yên Tử; chương trình thu hút đầu tư du lịch Đồng Cao (Sơn Động); mô hình xây dựng nông thôn mới tại huyện Việt Yên đối với việc giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa.

Các đại biểu tham dự cũng thảo luận về phương án bảo vệ di tích, di sản khi tiến hành các chương trình xã hội hóa; vai trò của người dân trong việc phát triển, bảo tồn văn hóa, di tích; duy trì các làn điệu dân ca của người dân tộc thiểu số; chiến lược phát triển du lịch tâm linh ở Bắc Giang.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, tỉnh hiện có hơn 700 di tích được xếp hạng, trong đó có 101 di tích cấp quốc gia, trong đó có 3 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài, tăng tỷ trọng công nghiệp cũng như tập trung ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp, dịch vụ bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa như: Kiểm kê di tích các di sản văn hóa; hệ thống hóa, số hóa; quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ, thành lập ban quản lý di tích... Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế, khó khăn như: Thiếu kinh phí bảo tồn di tích văn hóa; nạn mất cắp cổ vật còn diễn ra tại một số di tích... Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục dành nguồn lực đầu tư tôn tạo, bảo tồn với phương châm giữ nguyên cảnh quan, các giá trị vật thể, phi vật thể tại các điểm di tích.

Đoàn công tác tham quan, tìm hiểu nơi lưu giữ 2000 mộc bản kinh Phật cổ dòng thiền Lâm Tế, khắc từ năm 1740, được lưu giữ tại Khu di tích chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn (Việt Yên -  Bắc Giang). Ảnh: TD.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác đã tham quan, tìm hiểu thực tế tại chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng; chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên; tham quan Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế mới trồng na tại huyện Lục Nam, tham quan khu du lịch sinh thái Suối Mỡ...

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực