Hòa Bình: Nhiều kết quả trong thực hiện Nghị quyết 23 về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật

Thứ hai, 23/04/2018 15:27
(ĐCSVN) - Việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” tại tỉnh Hòa Bình trong những năm qua đã và đang thu được nhiều kết quả tích cực.
Đội văn nghệ quần chúng xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình)
tham gia biểu diễn tại Lễ công bố xã Cao Dương đạt chuẩn Nông thôn mới. (Ảnh: ĐC)

Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được biết đến với những nét văn hóa phong phú cùng kho tàng văn học, nghệ thuật đa dạng, độc đáo. Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, bám sát đặc điểm địa phương, Hòa Bình đã chú trọng việc đổi mới và nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật được quan tâm;  công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, thu hút các nguồn lực trong toàn tỉnh để đầu tư xây dựng các thiết chế, công trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nhiều kết quả. Hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh ngày càng hiệu quả, có bước chuyển biến quan trọng, góp phần tập hợp, đoàn kết, phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong nhân dân, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đặc biệt, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã duy trì tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, đại biểu văn nghệ sĩ, nhà báo tiêu biểu nhân dịp đầu xuân; qua đó, động viên, khích lệ văn nghệ sỹ sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí. Đồng thời, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, tỉnh Hòa Bình đã thường xuyên quan tâm tiến hành xây dựng quy hoạch, đào tạo, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa, văn học, nghệ thuật đủ về số lượng, chất lượng từng bước được nâng lên, bảo đảm tính kế thừa, kế tiếp giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các xóm, bản, tổ dân phố có 100% cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm làm việc trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đào tạo hoặc qua bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Cấp xã có 20% cán bộ quản lý làm công tác chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đào tạo từ trình độ đại học, cao đẳng; 60% đạt trình độ trung cấp chuyên nghiệp... 

Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, xây dựng các công trình văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân được quan tâm; có chính sách, chế độ đãi ngộ như nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp để khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tác; tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ tìm tòi, thể nghiệm các phương pháp, đề tài, nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật tác phẩm; tập trung nguồn kinh phí hỗ trợ mở trại sáng tác và tài trợ cho hàng trăm tác phẩm ở các thể loại. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 118/2015/NQ-HĐND, ngày 3/7/2015 quy định mức tiền thưởng đối với tập thể, cá nhân đoạt giải cao tại các cuộc thi thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thể dục, thể thao và nghệ thuật. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND quy định mức chi trả nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin điện tử, bản tin đối các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc tỉnh Hoà Bình.

Với phương châm “Văn học, nghệ thuật là sự nghiệp của quần chúng”, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Hòa Bình chú trọng phát triển có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.068 đội văn nghệ quần chúng. Bình quân hằng năm, các đội văn nghệ quần chúng đã tham gia thực hiện khoảng trên 8.000 đợt biểu diễn phục vụ từ 3,9 - 4 triệu lượt người xem. Việc bảo tồn các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống được chú trọng. Hằng năm, tỉnh Hòa Bình đều tổ chức hội thi thông tin cổ động, liên hoan nghệ thuật quần chúng nhằm thúc đẩy các phong trào từ cơ sở. Các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng thu hút hàng nghìn lượt diễn viên, nghệ nhân tham gia. Đồng chí Bùi Thị Niềm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Các đội văn nghệ quần chúng tại các địa phương trong toàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống gắn với đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa tinh thần của đông đảo đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Một điểm nhấn nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ở tỉnh Hòa Bình đó là việc xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đã được quan tâm thường xuyên. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình hiện nay có 186 hội viên. Trong giai đoạn 2008 - 2018, các văn nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình đã sáng tác và quảng bá trên 800 tác phẩm; trong đó có 48 tập thơ; 15 tập tiểu thuyết; 35 tập truyện ngắn; 30 tập nghiên cứu, sưu tầm; dàn dựng trên 50 vở diễn; 130 ca  khúc; trên 100 buổi công diễn; trên 450 tác phẩm nhiếp ảnh; trên 100 tác phẩm mỹ thuật, trên 100 tác phẩm các thể loại của các tác giả được trao giải thưởng văn học, nghệ thuật Trung ương, địa phương…

Có thể nói, những thành tựu nổi bật về phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình trong những năm qua đã khẳng định tính đúng đắn và kịp thời của Nghị quyết số 23-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Theo đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật đã được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hóa, con người tiến bộ, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Đoàn Cần – Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực