Hội thảo khoa học “Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng”

Thứ bảy, 07/07/2018 16:35
(ĐCSVN) – Ngày 6/7, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế và Báo Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng”. Hội thảo diễn ra nhân kỷ niệm 80 năm ngày Báo Dân - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương Xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên tại Huế (ngày 6/7/1938 - 6/7/2018).
Hội thảo khoa học "Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng”.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; đại diện Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà nghiên cứu và các nhà báo lão thành qua các thời kỳ; đại diện Hội nhà báo Việt Nam một số tỉnh miền Trung, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà báo Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ở Huế, giai đoạn 1930 - 1945, báo chí yêu nước và cách mạng rất khó xuất bản công khai, nhưng bằng cách này, cách khác, những người hoạt động cộng sản luôn tìm mọi biện pháp để có tờ báo trong tay. Sau khi các tờ báo Nhành Lúa, Kinh tế Tân văn, Sông Hương Tục bản bị chính quyền Nam triều và Bảo hộ cấm xuất bản, Xứ ủy Trung Kỳ vận động một số dân biểu tiến bộ đứng ra xin phép xuất bản tờ báo lấy tên là Dân. Ngày 6/7/1938, số 1 Báo Dân ra mắt bạn đọc, số lượng ban đầu 5.000 tờ, phát hành chủ yếu ở Huế, miền Trung và cả nước; báo ra được 17 số thì ngày 7/10/1938 bị chính quyền Nam triều và Bảo hộ lấy lý do “đăng tin không thiệt” để ra lệnh đóng cửa.

Trong 17 số phát hành, nội dung Báo Dân được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Xứ ủy được phân công trực tiếp chỉ đạo nội dung. Ngoài ra, tham gia chỉ đạo và biên tập còn có các đồng chí: Nguyễn Chí Diểu, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ; Hải Triều Nguyễn Khoa Văn phụ trách công tác tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên; Bùi San, Xứ ủy viên Trung Kỳ; Tôn Quang Phiệt nhà giáo, Trịnh Xuân An nhà thơ và sau này có thêm đồng chí Tố Hữu...

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tài liệu quí giá và những bài viết của các nhà báo, các đồng chí lãnh đạo các cấp qua các thời kỳ về việc hình thành tờ Báo Dân cũng như những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các Đảng viên Cộng sản, các nhà báo, nhà giáo, nhà thơ từng tham gia viết và biên tập nội dung tờ Báo Dân...

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, mặc dù tồn tại hơn 3 tháng với 17 số, nhưng Báo Dân là tờ báo công khai có khổ lớn đầu tiên ở Huế và của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung Kỳ trong những năm trước cách mạng tháng 8/1945 và Báo Dân đã đi vào đời sống của thợ thuyền, nhân dân lao động. Báo đã đăng nhiều bài theo chủ trương đấu tranh để thực hiện đường lối Mặt trận Dân chủ ở Huế và Trung Kỳ, đoàn kết các lực lượng quần chúng trong mặt trận thống nhất; giác ngộ chính trị cho hàng vạn quần chúng nhân dân trong công cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp từ thành thị đến nông thôn tại miền Trung, góp phần làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại của Nhân dân ta.

Sự ra đời của Báo Dân đã khẳng định Báo có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng ở Huế - Nơi từng được xem là trung tâm báo chí của cả nước. Đặc biệt, vai trò của các nhà báo đồng thời là những cán bộ hoạt động cách mạng thời kỳ đó, chính từ thực tiễn cách mạng và coi báo chí là một công cụ đấu tranh đã trở thành những nhà báo cách mạng và những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Bùi San, Tố Hữu.../.

Tin, ảnh: Phạm Hướng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực