Hội thảo khoa học về Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo

Thứ sáu, 13/10/2017 18:22
(ĐCSVN) - Hội thảo nhằm đánh giá những đóng góp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo trên các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, giáo dục,.. và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh.

Nhân kỷ niệm 334 năm ngày Đại đăng khoa của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (1683-2017), 366 năm sinh của ông (1651-2017) và hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), ngày 13/10, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học “Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo và truyền thống khoa bảng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh”.

Hội thảo nhằm đánh giá những đóng góp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo trên các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, giáo dục,.. và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo xuất thân trong một gia đình, một dòng họ có truyền thống khoa bảng của vùng đất Kinh Bắc. Ngày từ sớm, Nguyễn Đăng Đạo đã tỏ rõ khí chất thông minh, hiếu học và khát vọng muốn giúp dân, giúp nước. Trong suốt cuộc đời, ông đã trải qua nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền nhà Lê – Trịnh, ở nhiều lĩnh vực như: chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục… Cho dù ở bất kỳ vị trí, lĩnh vực nào, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo luôn thể hiện một vị quan thanh liêm, chính trực, tận tâm với công việc chung của đất nước và mang nặng tấm lòng thương dân, trọng dân. Theo TS Lê Xuân Kiêu, cũng tại ngôi trường Quốc Tử Giám, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đã từng là Giám sinh rồi sau này lại trở thành Phó chủ khảo của hai kỳ thi Hội, trực tiếp tham gia tuyển chọn người hiền tài cho đất nước. “Cùng với những người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Đăng, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đã để lại di sản quý giá cho vùng đất Kinh Bắc. Sức sống của những di sản đó vẫn còn cháy mãi trong lòng dân, trong đời sống tinh thần của quê hương Bắc Ninh hôm nay” – TS Lê Xuân Kiêu khẳng định.

Với 27 bài tham luận gửi tới hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, đánh giá về: Quê hương, dòng họ, con người và sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo; Vấn đề bảo tồn và phát huy truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Đăng, thôn Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh; Đóng góp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo trên các lĩnh vực hoạt động, trên các vị trí ông đã đảm nhiệm; Vai trò, vị trí của các vị đại khoa dòng họ Nguyễn Đăng đối với Quốc Tử Giám; Giá trị di sản dòng họ Nguyễn Đăng trong điều kiện hiện nay...

Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo sinh vào mùng 2 tháng 3 năm Tân Mão niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1651), mất ngày 28 tháng 2 năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), quê ở Hoài Thượng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con trai thứ hai của Tiến sĩ, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Đăng Minh, em Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân, cháu Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Nguyễn Đăng Đạo sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa xứ Kinh Bắc, lại được thừa hưởng một truyền thống hiếu học, khoa bảng của gia đình và dòng họ, cho nên, ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học.

Khoa Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị 5 (1667) đời vua Lê Huyền Tông, Nguyễn Đăng Đạo thi đỗ Tam trường, đến khoa Quí Sửu niên hiệu Dương Đức 2 (1673) đời vua Lê Gia Tông, ông đỗ Giải nguyên. Năm 33 tuổi, Nguyễn Đăng Đạo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Quí Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683) đời vua Lê Hy Tông.

Nguyễn Đăng Đạo từng đảm nhiệm các chức: Bồi tụng, Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Hữu Thị lang, Ngự sử đài Đô ngự sử, Binh bộ Thượng thư,... sau được thăng Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Thọ Lâm bá. Trong thời gian làm quan, ông hai lần được giữ chức Tri Cống cử trông coi việc tuyển dụng nhân tài cho đất nước ở kỳ thi Hội. Ông cũng được trao trọng trách dẫn đầu đoàn sứ bộ sang triều Thanh đòi lại ba động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc xứ Tuyên Quang. Sau 35 năm phụng sự cho triều Lê Trung hưng, ông về trí sĩ. Nguyễn Đăng Đạo mất năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) thọ 69 tuổi. Khi mất, ông được phong tặng Lại bộ Thượng thư, tước Thọ Quận công, đồng thời được sắc phong làm Phúc thần phối thờ ở đình làng Hoài Bão.

Trưng bày chuyên đề về Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức đã trưng bày chuyên đề về quê hương, dòng họ và Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Trưng bày giới thiệu tới Hội thảo và công chúng gần 100 tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật cùng nhiều hiện vật như: thư tịch chữ Hán, gánh sách, hòm sách, bút nghiên,…có liên quan nhằm giúp người xem hình dung thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, các nhà khoa bảng họ Nguyễn Đăng và truyền thống hiếu học của dòng họ./.

Tin, ảnh: V.Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực