Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam”

Thứ sáu, 17/03/2017 23:01
(ĐCSVN) - Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2017, ngày 17/3, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với Báo chí Cách mạng Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VH

Đây là hội thảo thứ 5 về các nhà báo nguyên là lãnh đạo cấp cao của Hội, nhằm tri ân những đóng góp và học tập đạo đức, kinh nghiệm, phong cách làm báo của các bậc tiền bối.

Tại hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo cho rằng: Thông qua việc tổ chức hội thảo, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn tạo điều kiện để các nhân chứng, các nhà khoa học, các đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam; coi đây là một hình thức hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là những bước đi để góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước; chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Nhà báo Lưu Quý Kỳ (1919 - 1982) tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, làm tuyên huấn, Bí thư Liên đoàn Thanh niên dân chủ Nam Kỳ, Thư ký tòa soạn báo Dân tiến, Dân muốn, Tiến tới (xứ ủy Trung kỳ), chủ bút Báo Mới (Liên đoàn Thanh niên dân chủ Nam Kỳ); tham gia biên tập nhiều tờ báo của Đảng như Lao động, Phổ thông, Dân chúng, Tin tức; viết bài cho các báo Công luận, Điện tín, Thế kỷ,... Sau 1945, ông là chủ bút nhiều báo như: Quyết thắng, Ánh sáng, Cứu nước; phụ trách Tạp chí Kháng chiến, Sáng tạo.

Trong kháng chiến chống Pháp, là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, Giám đốc Sở Văn nghệ - Tuyên truyền Nam Bộ, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, Chủ bút Tạp chí Lá lúa, Tạp chí Thống nhất, kiêm chủ bút báo Nhân dân miền Nam, Giám đốc Đài Tiếng nói Nam Bộ.

Sau này, ông giữ nhiều trọng trách: Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Miền Nam, Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương); chủ bút báo Thống nhất. Từ 1962, là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, rồi Tổng Thư ký cho đến khi mất. Năm 1981, được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ). Ông có đóng góp to lớn trong hoạt động đối ngoại, trực tiếp giảng dạy và đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ.

Là nhà báo, nhà văn, ông đi nhiều, viết nhiều, để lại dấu ấn đặc biệt qua những tập bút ký nổi tiếng: Miền Nam yêu quý, Một phút về Nam, Phút im lặng, Nước về biển cả, Tâm sự với anh,... với bút pháp lãng mạn cách mạng và tri thức phong phú. Ông đã tổ chức 15 cơ quan báo chí, viết gần 3.000 bài báo, 27 cuốn sách, nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài; là nhà báo tài năng, được đồng nghiệp trong và ngoài nước cảm phục, trân trọng.

Tại hội thảo, các nhà báo lão thành nguyên là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam các thời kỳ đã phát biểu tham luận trao đổi làm rõ về cuộc đời và công lao đóng góp của nhà báo Lưu Quý Kỳ đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, cũng như đối với Hội Nhà báo nói riêng.

Nhà báo Nguyễn Xuân Lương, nguyên Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Lưu Quý Kỳ là một trong số ít nhà báo ngồi “chiếu giữa” của làng báo nước nhà về nhiều phương diện. Trong cuộc đời 63 năm, ông đã góp cho đời sống báo chí nước nhà qua thời kỳ cách mạng đầy gian khó với mấy nghìn bài báo, vài chục cuốn sách hàm chứa nhiều thể loại. Và thể loại nào tác giả cũng để lại dấu ấn khó quên mỗi khi ta đọc. Vả lại, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu, lãnh tụ lỗi lạc của Đảng, Nhà nước, dân tộc ta; Danh nhân Văn hóa thế giới; Người Thầy của làng báo Việt Nam hình như ăn sâu trong trí tuệ, tâm hồn và mọi nghĩ suy thường ngày của nhà báo Lưu Quý Kỳ, để rồi trong mỗi trang viết, mỗi cuộc diễn thuyết hay cuộc trò chuyện tâm tình của mình với công chúng luôn thấm đượm tình người, sự nhân nghĩa.

Tuy ít lần được tiếp cận với nhà báo Lưu Quý Kỳ nhưng ấn tượng của nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban công tác hội, Hội Nhà báo Việt Nam đối với ông không hề nhỏ. Theo lời nhà báo Nguyễn Uyển, Lưu Quý Kỳ là nhà chính trị, nhà báo, nhà văn nổi tiếng suốt thập niên 50, 60, 70 và những năm 80 của thế kỷ trước. Những tác phẩm và ấn phẩm của ông, đặc biệt là thể loại tùy bút đã góp phần làm rạng danh diện mạo văn học và báo chí Việt Nam ở thời điểm cách mạng gian nan và ác liệt nhất.

Nhà báo Lê Hữu Quế, Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới khẳng định, nhà báo Lưu Quý Kỳ là một nhân cách lớn, một cán bộ tận tụy trung kiên của Đảng, một người thầy đặc biệt của nhiều thế hệ. Tuy đã đi xa, nhưng tài năng nghề nghiệp, trí tuệ đạo đức liêm chính của nhà báo Lưu Quý Kỳ vẫn tỏa sáng, góp phần dẫn dắt đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam không ngừng đổi mới và phát triển./.

VH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực