Khai mạc Liên hoan Hát then đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI

Thứ hai, 14/05/2018 10:40
(ĐCSVN) - Gần 500 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, đã tham gia lễ khai mạc Liên hoan Hát then đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 và Công bố quy hoạch khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang.

Tối 13/5, tại Quảng trường 26/3 (thành phố Hà Giang), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Liên hoan Hát then đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 và Công bố quy hoạch khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Phát biểu khai mạc Liên hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý nhấn mạnh: Liên hoan nghệ thuật hát then đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI tại  tỉnh Hà Giang là ngày hội lớn, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hát then - đàn tính của các dân tộc Tày - Nùng - Thái, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Liên hoan (Ảnh:K.T)

Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành trung ương đời sống của đồng bào dân tộc Tày - Nùng - Thái cả nước đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng bào các dân tộc luôn phát huy tinh thần đoàn kết, kiên trung với Đảng, nỗ lực vươn lên cùng cộng đồng 54 dân tộc xây dựng và phát triển đất nước.

Là một tỉnh vùng cao, cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là nơi hội tụ của 19 dân tộc, trong đó dân tộc Tày - Nùng - Thái hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và đang là điểm đến hấp dẫn các nhà khoa học, các du khách trong nước và quốc tế. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang, đồng bào dân tộc Tày - Nùng - Thái có vai trò đặc biệt quan trọng, hỗ trợ sức người, sức của bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Hà Giang luôn tự hào và tin tưởng vào đồng bào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang ngày hôm nay và mai sau.

Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang được gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu GGN và nay trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã nỗ lực, chủ động phối hợp với các Bộ ngành, Trung ương, các tổ chức quốc tế tư vấn xây dựng các quy hoạch phát triển nhằm khai thác, phát huy giá trị của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân vùng cao Hà Giang vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Ngày 21/12/2017, Hà Giang vui mừng được Chính phủ ký Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây là niềm vinh dự tự hào, song cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang cần phải quyết tâm xây dựng và phát triển.


Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia
Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cho tỉnh Hà Giang (Ảnh: Lê Hoàn)

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên khẳng định: Liên hoan hát then đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái lần thứ VI tại Hà Giang nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế; tôn vinh một loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái và một số dân tộc khác ở Việt Nam, qua đó góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức gìn giữ, phát huy, phát triển và không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới trong thời kỳ phát triển bền vững đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, liên hoan tạo nên ấn tượng trong lòng du khách về các giá trị di sản Việt Nam nói chung, về loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính nói riêng của các địa phương.

Hát then, đàn tính là loại hình nghệ thuật độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Thái và một số dân tộc khác, đã góp phần làm nên tính đa dạng trong văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, luôn gắn liền với đời sống xã hội của đồng bào từ bao đời nay, là sự kết hợp vẻ đẹp con người với thiên nhiên, giữa giá trị nghệ thuật sâu sắc với yếu tố tinh thần và tâm linh, bày tỏ khát vọng về cuộc sống bình yên, khát vọng vươn tới ấm no hạnh phúc.

Liên hoan nghệ thuật Hát then, đàn tính toàn quốc định kỳ tổ chức 3 năm một lần, loại hình nghệ thuật này vẫn minh chứng được sức sống mãnh liệt trong sinh hoạt cộng đồng dân tộc Tày - Nùng - Thái và một số dân tộc khác qua các nghi lễ văn hoá tín ngưỡng và hình thức văn nghệ quần chúng.

Tại lễ khai mạc, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã công bố Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cho tỉnh Hà Giang.

Sau lễ khai mạc là chươnng trình nghệ thuật đặc biệt gồm 03 chương: Chương I: Lễ hội truyền thống – Nơi lưu giữ phần hồn của đồng bào các dân tộc Tày – Nùng – Thái. Giới thiệu đặc trưng văn hóa dân gian, nếp sống trong sinh hoạt cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái. Qua đó, nói lên nhân sinh quan của đồng bào với thế giới tự nhiên và mối quan hệ của con người với nhau. Chương II: Như Hoa Hướng Dương đón ánh mặt trời; Lớp lớp đàn con các dân tộc Tày, Nùng, Thái luôn bên Đảng, bên Người; Những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tày – Nùng - Thái trong sự nghiệp đấu tranh gìn giữ đất nước. Chương III: Thăng hoa tinh hoa văn hóa dân tộc Tày Nùng Thái.

Các tiết mục biểu diễn được đầu tư dàn dựng công phu đã tái hiện sinh động không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái; góp phần phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và giới thiệu, quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang./.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực