Khơi dậy cảm xúc, tư duy sáng tạo của học sinh trong cảm thụ văn học

Thứ hai, 12/11/2018 16:14
Dẫu dưới dạng hình thức nào, hoạt động tiếp nhận vẫn là “cuộc giao tiếp im lặng” giữa bạn đọc và nhà văn, trong đó trí tưởng tượng có vai trò then chốt, khai mở, như người thuyết minh vô hình đặng giúp người đọc hình dung, liên tưởng tới hiện thực cuộc sống được mô tả trong tác phẩm và thời đại nhà văn sống.

Trước mắt người đọc là văn bản tác phẩm nghệ thuật ngôn từ - kết tinh quá trình mã hóa những thông điệp thẩm mĩ mà nhà văn hướng tới sự tác động và sẻ chia cùng người đọc. Tác phẩm sẽ thực sự trở thành đối tượng tiếp nhận khi người đọc vượt qua (thậm chí phá hủy) được bức rào cản có tính chất hình thức bề ngoài của ký hiệu ngôn ngữ, để có thể gặp gỡ tiếng nói tâm tình, giao tiếp với thế giới nghệ thuật sáng tạo của nhà văn. Phải chăng đó là lý do nhà nghiên cứu văn học Đặng Anh Đào rất tâm đắc với câu nói của Roland Barthes, rằng: “Sự sống của tác phẩm không phải nằm trong thông điệp của tác phẩm mà nằm trong hệ thống tín hiệu của nó”? (1)

Ảnh minh họa. (Nguồn: dantri.com.vn)

Nghiên cứu sự hoàn thiện vòng đời của tác phẩm văn học nói chung và hoạt động dạy học văn chương trong nhà trường nói riêng, người ta thường nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc, xem đó như là một mối quan hệ tiềm năng mang tính hàm ngôn ẩn chứa “tầm đón đợi” giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận; đồng thời, vai trò năng động, sáng tạo của chủ thể tiếp nhận cũng được khẳng định như một nhân tố tích cực có ý nghĩa tiên quyết.

Giao tiếp, theo nghĩa thông thường, được hiểu là hành vi trao đổi văn hóa tinh thần qua lại giữa hai hoặc nhiều đối tượng. Cuộc giao tiếp nói tới ở đây là giao tiếp văn chương, mà trước hết là một hoạt động diễn ra không tức thời và không trực tiếp giữa người sáng tác và người cảm thụ. Nó là một hoạt động ngôn ngữ, đúng hơn là hoạt động giao tiếp ngầm thông qua dạng thức văn bản ngôn ngữ. Sở dĩ nói việc cảm thụ và tiếp nhận văn học trong nhà trường là “cuộc giao tiếp im lặng” giữa nhà văn và bạn đọc – học sinh bởi cuộc giao tiếp này được thực hiện qua việc sử dụng tri giác và vận động tư duy ngôn ngữ giữa hai chủ thể. So với tác phẩm (là yếu tố hiện hữu) thì cả hai chủ thể sáng tác và tiếp nhận trong cuộc giao tiếp này đều liên đới trong khả năng dự đoán về nhau. Nói cách khác: trong cả hai hoạt động (sáng tác và tiếp nhận), các chủ thể đều phải dùng trí tưởng tượng xoay quanh hạt nhân logic (của hình tượng ngôn ngữ) để thực hiện mục đích của mình. Tuy có những nét đặc thù nhưng cả hai hoạt động đều có những yếu tố chung đảm bảo điều kiện cần cho một cuộc giao tiếp là đối tượng, công cụ, phương thức thực hiện nhằm hướng tới một mục đích xác định. Đối với nhà văn, điều đó được ý thức một cách nhuần nhuyễn và thể hiện ngay từ quá trình vận động cảm xúc trí nhớ để bố cục, tưởng tượng và hư cấu. Việc lựa chọn tình tiết, lựa chọn phương thức thể hiện để hoàn thành một tác phẩm với chức năng, công cụ giao tiếp nhằm hướng tới tri âm, đồng điệu nơi bạn đọc bao giờ cũng là mục đích chi phối toàn bộ quá trình sáng tạo của nhà văn. Có thể trước một khối lượng đồ sộ vốn sống, trước nhiều phương thức biểu đạt, việc tìm đến một giải pháp cấu trúc hình tượng và truyền tải độc đáo, biến chất liệu đời sống thành năng lượng tâm hồn để gửi thông điệp thẩm mĩ tới bạn đọc bao giờ cũng là thử thách nghiêm ngặt dựa trên những phán đoán và kinh nghiệm sống, tài năng riêng của mỗi nhà văn. Sáng tác văn học là một hành vi xã hội hướng tới đối tượng giao tiếp, gửi gắm ý đồ, tư tưởng, tâm sự của người viết đến bạn đọc. Bản thân quá trình sáng tạo có ý nghĩa quyết định không nhỏ đối với chất lượng – hiệu quả cuộc giao tiếp sẽ diễn ra trong tương lai. Nếu tác phẩm kém chất lượng thì cuộc giao tiếp trong dự kiến của nhà văn cũng khó thành hiện thực. Bạn đọc không thể hào hứng, nồng nhiệt đón nhận một tác phẩm văn học chẳng mấy đặc sắc, có chăng chỉ là cảm xúc thiếu trọn vẹn hoặc không để lại ấn tượng cụ thể, lâu bền.

Công việc sáng tạo tác phẩm văn học là một quá trình tư duy ngôn ngữ thầm lặng, là cả một quá trình dụng công tìm tòi ý tứ, đặng thổi hồn vào từng câu, từng chữ… Nhà văn không chỉ đơn thuần làm công việc liệt kê vốn sống, ghi lại thứ tự sự kiện hay mô tả lại trạng thái cảm xúc của mình. Lao động của nhà văn là một quá trình lao động nghệ thuật công phu thông qua khả năng cảm thụ đời sống, sự hồi tưởng, óc tưởng tượng phong phú và công việc đó được khởi phát cũng như duy trì trong một tình trạng cảm xúc hưng phấn đặc biệt. Để thể hiện ý đồ, tư tưởng nghệ thuật của mình, nhà văn phải cân nhắc từng con chữ, từ việc đặt tên tác phẩm đến lựa chọn kết cấu…Có điều (dù rất quan trọng và cơ bản), đôi khi bản thân nội dung tác phẩm cũng chưa thể đảm trách được hết vai trò của một công cụ giao tiếp hoàn hảo, dẫn tới trường hợp người sáng tác phải huy động cả sự hỗ trợ bằng phụ đề hoặc đề từ, thậm chí còn ghi cả thời gian và địa điểm hoàn thành tác phẩm. Kết thúc Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng đề: “Phù Lưu Chanh, 1948” như vừa ghi địa điểm sáng tác, vừa hướng niềm hoài vọng về đơn vị cũ. Niềm hoài vọng ấy cũng chính là cảm hứng xuyên suốt bài thơ (có phải vì thế mà bài thơ ban đầu có tên Nhớ Tây Tiến?). Định hướng cảm xúc cho cả thiên tiểu thuyết Dấu chân người lính (2), nhà văn Nguyễn Minh Châu đã trân trọng dẫn nguyên câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”. Câu nói đó vừa là cảm hứng chủ đạo của tinh thần thời đại, vừa là biểu trưng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trường hợp khác, nhà thơ Huy Cận khi viết Tràng giang, trước 16 câu thơ tuyệt bút của phần nội dung, đã đặt: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” làm đề từ, vừa xác định trường cảm xúc, hút dẫn người đọc vào một tâm thế tiếp nhận, vừa tạo nên một tác động thẩm mĩ dẫn dắt đối tượng vào cuộc giao tiếp đồng điệu, tri âm. Các nhà văn: Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi…dù tác phẩm của họ đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả, nhưng trong những điều kiện nhất định cũng từng có những “bật mí” thú vị về quá trình “thai nghén” những chi tiết, tình huống, những nhân vật trong tác phẩm của mình…tựa như một “phụ đề ẩn” nhằm hướng tới sự đồng điệu của giao tiếp văn chương. Nhà văn Tô Hoài với Sổ tay viết văn (3); nhà văn Nguyễn Công Hoan với Hỏi chuyện các nhà văn (4); nhà văn Nguyên Hồng có cả một thiên hồi ký văn học Những nhân vật ấy đã sống với tôi (5), trong đó đề cập nhiều sự kiện, con người mà ông đã lấy nguyên mẫu hoặc từng trăn trở trong sáng tác. Về Huệ Chi (một nhân vật trong tiểu thuyết Cửa biển của Nguyên Hồng), khi kết thúc số phận bi thảm của nhân vật, tác giả đã để Huệ Chi phải chết, nhưng chính tác giả lại viết trong Về sự sống và cái chết của Huệ Chi rằng: “Phải, Huệ Chi chết và không cần lên nước Thiên đàng để vẫn được làm một người chứng sống. Người chứng sống ghi một tội ác. Của một chế độ. Của một tổ chức. Của một bọn người. Của một lũ quỷ. Dã man, tham bạo, tàn ác, thối nát, phản tiến hóa vô cùng. Sống bằng bóc lột. Chỉ biết có tiền và tiền. Không thể có lý do gì ngự trị lâu thêm nữa trên trái đất này! Như thế Huệ Chi không chết”! Đoạn văn vừa trích có giá trị như một chú dẫn đặc biệt, một lập luận, tuy từ phía chủ quan nhà văn nhưng cũng là một căn cứ quan trọng để người đọc hiểu toàn diện hơn về tác phẩm.

Việc hoàn thiện tác phẩm và cả những tâm sự sáng tác như trên, thường được xem là sản phẩm sáng tạo từ bình diện chủ quan của người cầm bút. Yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại sinh mệnh nghệ thuật của một tác phẩm văn học chính là người đọc. Có ý kiến cho rằng: tác phẩm nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng là cả một bí mật mà để mở bí mật đó, độc giả phải sử dụng chìa khóa trong óc tưởng tượng của mình. Người đọc là một “mắt xích” quan trọng trong hồ sơ vòng đời tác phẩm, bởi đó chính là cái đích mà sự sáng tạo hướng tới, nhằm thỏa mãn nhu cầu tiếp cận, nhận thức và cải tạo đời sống. Với bạn đọc nói chung, tác phẩm văn học hiện diện dưới hình thức một văn bản ngôn ngữ, và việc đọc hay tiếp nhận diễn ra trong một điều kiện cá nhân độc lập hoặc có sự tham khảo của dư luận và hoạt động cắt nghĩa, phê bình. Dẫu dưới dạng hình thức nào, hoạt động tiếp nhận vẫn là “cuộc giao tiếp im lặng” giữa bạn đọc và nhà văn, trong đó trí tưởng tượng có vai trò then chốt, khai mở, như người thuyết minh vô hình đặng giúp người đọc hình dung, liên tưởng tới hiện thực cuộc sống được mô tả trong tác phẩm và thời đại nhà văn sống. Xin dẫn một cách diễn đạt khác về điều này: “Dắt ta thăm thẳm những cánh rừng, những dòng sông đôi khi lạc vào âm u khe suối/Dắt ta đi chồn chân hoang mạc đi ra khỏi trái đất đi vào lặng câm tâm bão đi qua quắt quay gió thổi/Ta run lên mỗi giá lạnh tâm hồn ta nghẹn ngào nghe trái tim bồi hồi/Ta vui buồn ấm lạnh những rời xa/Ta đã ngợp trong muôn ngàn mê hoặc những mùa hoa/Phăm phăm khắp các phương trời nhưng có lúc mặc cạn giữa vùng không phủ sóng với chỉ vài ký hiệu/Cũng có lúc ngộ nhận cảm giác bằng lòng nhưng càng đọc càng thấy vô cùng thiếu/Như một học trò hôm trước được tuyên dương hôm sau có thể bị phê bình, dại dột tưởng khôn ngoan/Những con chữ căng ta ra như sắp đứt dây đàn/Lại mê hoặc lại cồn cào cơn khát/Những con chữ vô tư chứa lửa nồng nàn/Cho nghìn tuổi rồi bắt ta trẻ dại.” (6)

Người đọc căn cứ trên văn bản tác phẩm để nhận biết tư tưởng, phong cách, giọng điệu, và quá trình cảm hiểu tác phẩm diễn ra nhờ khả năng giải mã thông tin ngôn ngữ, năng lực liên tưởng, tưởng tượng và lập luận, phân tích, khái quát. Bạn đọc - học sinh trong nhà trường cũng vậy, quá trình tiếp xúc với tác phẩm trước hết được diễn ra với tư cách một người đọc, một chủ thể tiếp nhận thẩm mĩ. Có điều, đặc trưng của quá trình tiếp nhận tác phẩm ở đây được thực hiện trong sự chi phối và tác động tích cực của các yếu tố mang tính nhà trường: chương trình, sách giáo khoa, giáo viên, lớp học, cấp học… Bởi thế, “cuộc giao tiếp im lặng” giữa nhà văn và bạn đọc - học sinh cũng phản ánh những nét đặc thù nhất định.

Trước hết, cuộc giao tiếp này được xác lập trên cơ sở một định hướng hình thành và phát triển nhân cách được thể hiện qua việc cấu tạo chương trình, lựa chọn các tác phẩm đưa vào sách giáo khoa và hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa để đảm bảo một logic của hoạt động giáo dục đặc thù (thông qua quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương với tư cách là một môn học). Đồng thời, cuộc giao tiếp này cũng được xác lập trên cơ sở vai trò hướng dẫn nhận thức của giáo viên, thể hiện qua năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm. Tác phẩm văn học trong nhà trường không chỉ là đối tượng thẩm mĩ thông thường của hoạt động thưởng thức mang tính ngẫu hứng, tự nhiên mà chuyển hóa dần chức năng từ đối tượng thẩm mĩ sang công cụ, phương tiện phát triển nhân cách của người tiếp nhận. Khi chưa hoặc bắt đầu tiếp xúc, tác phẩm còn hiện diện với tư cách đối tượng, khi người đọc đã thông hiểu và có thể vận dụng được kiến thức, tác phẩm trở thành công cụ tư duy. Theo quan điểm dạy học mới, trung tâm của cuộc giao tiếp này chính là hoạt động tiếp nhận sáng tạo của học sinh. Sự tác động của phương pháp, biện pháp dạy học vừa có ý nghĩa như là động lực, vừa định hướng và tạo ra kích thích tố nhân lên sự hưng phấn và khát khao nhận thức thế giới hấp dẫn mới lạ mà nhà văn sáng tạo. Muốn như vậy, toàn bộ mục đích dạy học phải được chuyển hóa một cách tự nhiên và nhất quán trong từng động thái của hoạt động dạy học. Một vấn đề được đặt ra ở đây là: việc tiếp nhận văn học nghệ thuật thường mang đậm tính chủ quan nhưng lại được thực hiện trong bối cảnh lớp học – tức môi trường “cộng sinh” tập thể. Đó là một mâu thuẫn nếu không nói là một bài toán phức tạp của phương pháp dạy học bộ môn. Thiết nghĩ, vai trò định hướng và cách thức tổ chức hoạt động học, sự phối hợp một cách khoa học giữa phương pháp chung và các biện pháp riêng của giáo viên sẽ là một giải pháp tích cực cho việc tìm ra đáp số thích hợp của bài toán đó, vừa đáp ứng yêu cầu tối thiểu của giờ dạy học tác phẩm đồng thời thỏa mãn nhu cầu sáng tạo tối đa trong tiềm năng của từng cá nhân người học. Điều này không chỉ có ý nghĩa lý luận mà trong thực tiễn giảng dạy văn học bấy nay, những nhà sư phạm có uy tín thường rất linh hoạt khi đặt ra các mức độ, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng để từ đó vừa bồi dưỡng học sinh yếu và trung bình, vừa kích thích được khả năng phát triển của học sinh khá và giỏi.

Một trong những vấn đề lý luận về giải pháp nâng cao hiệu quả dạy và học văn là cần lý giải được bản chất của cuộc giao tiếp giữa nhà văn và bạn đọc – học sinh. Trong nhà trường, với sự hướng dẫn nhận thức, khơi gợi tình huống từ phía giáo viên, cuộc giao tiếp này sẽ thực sự diễn ra khi chính học sinh tự bộc lộ nhu cầu tìm tòi, nhận thức thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Từ yêu cầu có tính bắt buộc của nhiệm vụ dạy học trở thành một động lực của chủ thể giờ học (học sinh) là cả một quá trình ứng dụng sáng tạo những khả năng nắm bắt và hướng dẫn tư duy nhận thức, tâm lý tiếp nhận sáng tạo trong đó thể hiện vai trò có tính quyết định của giáo viên. Cuộc giao tiếp giữa nhà văn và bạn đọc – học sinh dù “im lặng” đến mức nào cũng hướng tới sự khai mở, đánh thức tiềm năng nhận thức, dùng “tri thức tường minh” (explicit knowledge) để khơi gợi “tri thức ẩn tàng” (implicit knowledge), thực hiện quá trình “chuyển mã” từ mã ký hiệu ngôn ngữ sang dạng tồn tại vật chất của thực thể tâm hồn mà cơ chế vận hành của nó là sự tác động hữu cơ giữa cảm xúc – trí nhớ - liên tưởng và tưởng tượng, trong đó tưởng tượng giữ vai trò then chốt. Sự đồng điệu giữa nhà văn và bạn đọc sẽ gặp nhau ở chân giá trị của hình tượng tác phẩm. Diễn biến và kết quả của cuộc giao tiếp thường bộc lộ không chỉ qua việc đọc, nó còn được thể hiện ngay trong tín hiệu phản hồi về kết quả các giờ học mà sự nhạy cảm của giáo viên có thể đánh giá được. Thiết nghĩ, một nhận thức đúng đắn về vai trò, bản chất cuộc giao tiếp giữa nhà văn và bạn đọc – học sinh sẽ phần nào khắc phục một phương diện bất cập của tư duy dạy học văn cũ mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng gọi là “hiện tượng dạy văn theo điệu sáo” và đồng thời chỉ giáo: “Cái quan trọng nhất trong giảng dạy nói chung, và giảng dạy văn nói riêng là rèn luyện bộ óc, là rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tìm tòi, phương pháp vận dụng kiến thức” (7). Như thế, dạy văn không phải là công việc thuyết giảng của giáo viên, mà là cách thức học sinh hoạt động tư duy nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo thẩm mĩ. Giáo viên giữ vai trò khơi gợi tâm thế nhận thức cũng như duy trì cảm hứng trong “cuộc giao tiếp im lặng” giữa nhà văn và bạn đọc – học sinh. Một quan niệm đúng đắn về vai trò, bản chất cuộc giao tiếp giữa nhà văn và bạn đọc – học sinh còn có ý nghĩa gợi mở một phương hướng nghiên cứu mới về bản chất của lao động giảng văn trên cơ sở khẳng định vai trò sáng tạo tự thân và tính năng động của chủ thể học sinh – nhân vật trung tâm của giờ dạy học. Mặt khác, cũng cần thấy rằng: “cuộc giao tiếp im lặng” giữa nhà văn với bạn đọc – học sinh trong giờ dạy học hội đủ các điều kiện sư phạm liên đới như: chương trình bộ môn, các phương pháp và biện pháp chuyển tải kiến thức, sách giáo khoa, cũng như tài năng sư phạm của giáo viên…Chỉ đề cao vai trò chủ thể sáng tạo của bạn đọc là chưa đủ, bởi vì bài học tác phẩm văn chương muốn trở thành môi trường giao cảm giữa nhà văn và bạn đọc phải thực sự là đầu mối của những tình cảm và rung động thẩm mĩ, hàm chứa tiềm năng nảy sinh nhu cầu tiếp nhận.

“Sự im lặng của ngôn từ” trong tác phẩm thường tiềm tàng những âm giai kỳ diệu, mà chỉ khi cảm xúc được thanh lọc và trong trạng thái hưng phấn mãnh liệt của tâm hồn, những khát khao sáng tạo và đồng sáng tạo của bạn đọc - học sinh mới thực sự được khơi dậy./.

------------------------------

(1) Đặng Anh Đào (2001). Tài năng và người thưởng thức. NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.12.

 (2) Nguyễn Minh Châu (1972). Dấu chân người lính. NXB Thanh niên.

(3) Tô Hoài (1977). Sổ tay viết văn. NXB Tác phẩm mới.

(4) Nguyễn Công Hoan (1977). Hỏi chuyện nhà văn. NXB Tác phẩm mới.

(5) Nguyên Hồng (1978). Những nhân vật ấy đã sống với tôi. NXB Tác phẩm mới, tr.166.

(6) Nguyễn Trọng Hoàn (2016): "Phiêu cùng con chữ", trong tập Năng lượng của sự có mặt. NXB Hội Nhà văn.

(7) Phạm Văn Đồng (1996). Tuyển tập văn học. NXB Văn học, tr.392.

 TS. Nguyễn Trọng Hoàn

Theo Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực