Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương: Nghệ sĩ 3 miền tham gia vở diễn “Thầy Ba Đợi”

Thứ sáu, 20/04/2018 10:09
(ĐCSVN) - Lần đầu tiên, 60 nghệ sĩ cải lương tài danh của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam sẽ hội tụ trong vở cải lương "Thầy Ba Đợi" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo. Vở diễn được thực hiện nhằm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.
Vở cải lương "Thầy Ba Đợi" quy tụ nghệ sĩ cải lương cả 3 miền. (Ảnh: BTC)

Ngày 19/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu đợt hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương hình thành và phát triển.

Điểm nhấn của đợt hoạt động là hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” và công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” của tác giả văn học PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương; NSƯT Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ Lê Trung Thảo đạo diễn; NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật.

Chia sẻ tại buổi họp báo, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, vở cải lương "Thầy Ba Đợi" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ nói về cuộc đời thăng trầm của thầy Ba Đợi (tên thường gọi của nhạc quan, nhạc sư Nguyễn Quang Đại) – người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật cải lương. Khi vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và lưu đày sang châu Phi, nhạc quan Nguyễn Quang Đại đã mang theo di sản lễ nhạc, nhã nhạc cung đình Huế vào Nam và góp công phổ biến trong dân gian, làm nền tảng cho sự phát triển của nhạc tài tử mà sân khấu cải lương thừa kế sau này.

NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, thông qua hình tượng thầy Ba Đợi, vở diễn phản ánh một giai đoạn lịch sử bi hùng của đất nước cũng như bày tỏ quan điểm của những người “giữ hồn nhạc” bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước những biến động thời cuộc. Bên cạnh đó, vở cải lương "Thầy Ba Đợi" không chỉ hướng đến cách tân nghệ thuật mà chỉ còn phô diễn những vẻ đẹp vốn có của cải lương, kế thừa những nét đẹp của thế hệ đi trước bằng tất cả tấm lòng của người làm nghệ thuật hôm nay.

Đặc biệt, vở cải lương "Thầy Ba Đợi" có sự góp mặt của nghệ sĩ cải lương đến từ cả 3 miền Tổ quốc, như: NSND Vương Hà; các NSƯT Thanh Tuấn, Hùng Minh, Lê Tứ, Quế Trân, Hữu Quốc, Hồ Ngọc Trinh, Quỳnh Hương, Xuân Vinh, Thu Trang; nghệ sĩ Quang Khải, Xuân Đáng, Minh Hùng, Võ Minh Lâm, Trọng Nghĩa, Điền Trung…

Trong đó, nhân vật trung tâm của vở diễn là nhạc sư Nguyễn Quang Đại - thầy Ba Đợi sẽ do 4 nam nghệ sĩ tài danh là: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Lê Tứ và nghệ sĩ Quang Khải thể hiện 4 giai đoạn trong cuộc đời nhân vật.

Vở cải lương đặc biệt mừng 100 năm sân khấu cải lương "Thầy Ba Đợi" sẽ ra mắt khán giả TP. Hồ Chí Minh vào tối 28/4 và 1/5 tại Nhà hát Bến Thành (Quận 1) và đến với khán giả Long An – nơi thầy Ba Đợi sinh sống khi vào Nam, diễn ra tối 29/4 tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An (TP Tân An).

Nhằm góp phần nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển 100 năm nghệ thuật cải lương, sáng 28/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Hội thảo sẽ phân tích những vấn đề, thách thức đối với cải lương hôm nay, từ đó đặt ra trách nhiệm đối với các cấp quản lý, với người làm nghề trong việc giữ gìn và tiếp tục phát triển nghệ thuật cải lương trong tương lai…/.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực