Ký ức 50 năm - những vì sao không tắt

Thứ sáu, 22/07/2016 10:53
(ĐCSVN) - Chiến tranh đã lùi xa! Những vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng trong tâm tưởng nhiều người vẫn còn nguyên những ký ức, dường như chỉ là câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua…

Chúng tôi tìm về quê hương 10 cô gái Lam Hạ trong những ngày tháng 7 đầy nắng.  Đã 50 năm trôi qua, những kí ức về 10 cô gái Lam Hạ ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những người thân, những người bạn cùng chiến đấu một thời...

Ngày ấy, trận địa pháo Lam Hạ nằm rải trên các thôn: Đình Tràng, Đường Ấm và Hòa Lạc thuộc phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý ngày nay.

Khu Đền thờ 10 Cô gái Lam Hạ nằm trong Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam

 ở địa điểm trận địa pháo năm xưa thuộc phường Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam.
Di ảnh 10 cô gái tại Đền thờ tại phường Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Lam Hạ là một xã có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, tuyến đê chiến lược Bắc Châu Giang chạy dọc qua nhiều thôn, xã; ngoài ra, còn có 02 cầu phao (còn gọi là cầu chìm) dùng cho xe quân sự vượt sông Châu Giang mỗi khi cầu Phủ Lý bị địch đánh phá chưa kịp khắc phục. Vì vậy, xã Lam Hạ là một trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 1965 - 1972.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, xã Lam Hạ được đánh giá là địa bàn có vị trí chiến lược về quân sự và được cấp trên xác định là một địa bàn trọng yếu có tính chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực tác chiến phòng thủ của Hà Nam, đặc biệt, trong việc bố trí các trận địa pháo phòng không bảo vệ các mục tiêu quan trọng mà không quân Mỹ thường tập trung oanh kích thị xã Hà Nam (nay là thành phố Phủ Lý). Mặt khác, từ các vị trí trận địa pháo phòng không có thể bao quát toàn bộ vùng trời thị xã Hà Nam và toạ độ đánh phá của địch, giúp lưới lửa phòng không nhân dân bố trí trên địa bàn sớm phát hiện và đánh trả kịp thời các loại máy bay Mỹ từ mọi hướng vào tập kích.

Với vị trí chiến lược quan trọng của xã Lam Hạ, nên từ đầu năm 1965 đến cuối năm 1966, Quân khu III đã khảo sát, bố trí trên địa bàn xã Lam Hạ 3 trận địa pháo phòng không 37ly, 57ly và 100ly đặt ở 3 thôn:  Đình Tràng, Đường Ấm, Hoà Lạc, nhằm phối hợp với  trận địa pháo phòng không xã Phù Vân tạo thành thế gọng kìm, đánh trả hiệu quả các đợt đánh phá của máy bay địch nhằm vào các vị trí chiến lược ở thị xã Hà Nam, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc, phục vụ công tác vận chuyển lương thực, chi viện sức người cho các mặt trận trên chiến trường miền Nam.

Trong 3 trận địa trên thì trận địa pháo phòng không 3 ly thôn Đình Tràng là trận địa chính, quan trọng nhất. Nơi đây được coi là "chốt thép tả ngạn sông Châu". Tại trận địa này, các cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt. Cũng chính tại vị trí này, 10 nữ liệt sỹ dân quân xã Lam Hạ năm xưa đã hy sinh anh dũng để bảo vệ vùng trời Hà Nam.

Chiếc áo gối thêu dở dang của liệt sỹ Nguyễn Thị Oánh.

Tay nâng chiếc áo gối, nước mắt trào ra, ông Nguyễn Đình Tuế (em trai liệt sỹ Nguyễn Thị Oánh) ngắm nghía lại kỷ vật của chị gái mình, nghẹn ngào nhìn “những sợi chỉ đã xe sẵn, những đường thêu phác thảo chưa kịp hoàn thiện cho chiếc áo gối thì chị... đã đi mãi không về!”. Hình ảnh về cặp trái tim, nét thêu có chữ “Xuân 1965” cùng phác thảo về đôi chim bồ câu bên nhau trên mặt chiếc áo gối là ước vọng về hạnh phúc, về hòa bình một thời của liệt sĩ – cô giáo Nguyễn Thị Oánh. Chị đã sống, chiến đấu với niềm tin bất diệt vào tương lai chiến thắng, tương lai đất nước hòa bình.

Hồi tưởng lại những kí ức hào hùng ngày ấy, bà Trương Thị Quyến - người từng tham gia chiến đấu ở mặt trận pháo Lam Hạ xúc động cho biết: “ Ngày đó, chiến tranh khốc liệt, dữ dội là vậy nhưng chúng tôi không sợ, coi cái chết nhẹ tựa “lông hồng”. Trước khi xung phong ra trận địa chiến đấu, chúng tôi đều đã xác định rõ tinh thần quyết tâm dùng xương máu của mình bảo vệ từng tấc đất của quê hương, đất nước…”.

Bà Trương Thị Quyến xúc động khi giở lại những kỷ vật là những tấm huân huy chương khắc ghi kỷ niệm một thời máu lửa.

“…Máy bay của bọn Mỹ nào là F4, F 111, nào là “con ma chiến thuật” hiện đại tối tân có gầm rú, có dội bom thì “chúng mày chỉ như lũ quạ đen đáng ghét hay ăn gà con của tao mà thôi. Việc bay của chúng mày, còn việc bắn chúng tao cứ bắn”  - đó là lời của bà Trương Thị Nhàn – Trung đội trưởng Đội nữ dân quân chiến đấu năm xưa, một nhân chứng sống về tội ác của giặc Mỹ  hồi tưởng về những tháng ngày ác liệt mà oai hùng cách đây tròn 50 năm về trước.

Các bà: Trương Thị Quyến, Trương Thị Nhật hồi tưởng lại: Ngày ấy, ở trận địa pháo Lam Hạ chúng tôi có 2 trung đội nữ; một hậu cần, một chiến đấu. Bà Nguyễn Thị Tình, ở Đình Tràng, Lam Hạ làm Trung đội trưởng hậu cần, còn bà Trương Thị Nhàn ở cùng địa phương làm Trung đội trưởng trung đội chiến đấu. Ở trung đội chiến đấu, khi có còi báo động, những người được phân công khẩu pháo nào sẽ nhanh lẹ vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

Bà Nhật cho biết thêm, trung đội chiến đấu của bà Trương Thị Nhàn mà bà vinh dự được tham gia đã chiến đấu với địch tổng số 121 trận lớn, nhỏ tạm tính đến thời điểm 10 cô trong Trung đội hy sinh.

 “Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 1/10/1966, khoảng 6h15 sáng, có hai chiếc máy bay từ hướng 14 (hướng thị trấn Đồng Văn) bay vào Phủ Lý do thám. Chỉ ít phút sau, máy bay cường kích kéo đến ùn ùn, với nhiều tốp, nhiều lượt, nhiều hướng, tiếng phi cơ rít lên như bầy ong vò vẽ khổng lồ vỡ tổ. Chúng vần vũ trên bầu trời, hướng thẳng mục tiêu vào trận địa pháo phòng không Lam Hạ và cầu quân sự Phủ Lý.

Ngay sau đó, một trận quyết tử không cân sức đã diễn ra. Các chiến sĩ nữ dân quân Lam Hạ như những khối thép kiên cường giữa lằn ranh giới  sự sống và cái chết. Họ chỉ biết “Ngắm bắn! và bắn!”... 

Trận không kích này diễn ra làm 3 đợt: Đợt 1 từ 6h15 đến hơn 8h, đợt 2 từ 9h đến gần 10h, đợt 3 từ 10h trở đi và kéo dài đeo đẳng tận 16h chiều mới dứt. Trong đó, đợt 3 là đợt dữ dội nhất, vì gặp phải sự đáp trả quyết liệt của pháo phòng không bên ta. Máy bay Mỹ gầm rú lên như những "con thú điên", trút bom như mưa, rồi chuồn thẳng ra hướng biển.

Danh sách 10 cô gái hy sinh ngày 1/10/1966, tại trận địa pháo Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam

Với đợt tấn công thứ 3 này, bà Trương Thị Nhật vẫn còn nhớ như in,  "6 người bạn chiến đấu thân thiết đã ngã xuống, mãi nằm lại với mảnh đất này: Thu, Thi, Tâm, Tuyết, Lan, Phương. Chỉ vừa trước đó ít phút, mọi người vẫn vui cười bên nhau, thế mà giờ... nghĩ mà đau lắm!..." - bà Nhật tâm sự.

"Rồi ở các địa điểm khác của trận địa, chúng tôi mất thêm: Thẹp, Thuận, Ánh, Chung" - kể đến đây, bà Nhật thể không cầm được nước mắt. Và trong trận chiến ác liệt này, phía ta hy sinh mất 2 khẩu đội. Bản thân bà Nhật giờ tai vẫn ù, một bên mạn sườn vẫn thường xuyên ê ẩm mỗi khi trái gió, trở trời vì sức ép của bom đạn năm xưa.

Khi được chúng tôi gợi thêm về tinh thần quả cảm của các cô, các chị thời ấy, mắt các bà Nhàn, bà Quyến, bà Nhật đều sáng lên: Không biết sống chết thế nào nhưng không khí chiến đấu ngày ấy vui lắm, vì đa số các chị em độ tuổi đôi mươi, yêu đời, chẳng biết sợ là gì cả... Ai cũng nghĩ đến một ngày đất nước được độc lập, tự do, chiến đấu vì hai tiếng “hòa bình” thiêng liêng ấy. Các chị đều nghĩ : “Phái nam họ ra trận cả rồi, chẳng còn ai, tại sao chị em mình không đánh được? Chúng ta có chết cũng làm liệt sĩ cho Tổ quốc ta!”.

Vì thế, khi vào vị trí, các chị cũng đo đạc, cũng lên đạn, cũng ngắm bắn. Không hiểu sao lúc ấy, ai cũng khỏe, mặc dù vẫn ăn đói nhịn khát, thân hình mảnh mai đào tơ là vậy, mà vác đạn pháo trăm cân ầm ầm...

Công lao của các chị, các cô lớn như trời biển. Lòng đất mẹ Tổ quốc hôm nay ngày đêm vẫn ôm ấp các cô, các chị như những đứa con yêu. Những trang sử hào hùng hôm nay được viết lên từ một phần máu xương, từ sự hy sinh oanh liệt của những người con gái quả cảm Lam Hạ năm xưa. 10 vì sao sáng Lam Hạ bất tử sẽ sống mãi trong những lời ca, tiếng hát...

Quanh quẩn bên “cái” Nhàn vẫn còn đâu đây tiếng: Thu, Thi, Thẹp, Tâm, Tuyết hay Lan, Phương, Thuận, Oánh, Chung... , vẫn khúc khích bên nhau như những thủa nào, vẫn “ tao sau này lấy ông chồng bác sĩ, hay chồng tao sẽ là anh trai làng khỏe mạnh, đẹp trai, hiền lành ...”. Những dự định ấy vẫn còn đó như chưa bao giờ dang dở...

Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực