Ký ức 50 năm - những vì sao không tắt

Thứ bảy, 23/07/2016 02:01
(ĐCSVN) - Qua câu chuyện của những nhân chứng sống và trực tiếp chiến đấu ngày ấy ở Lam Hạ, chúng tôi đã tìm về thôn Khả Duy, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam) để gặp gỡ người nữ Trung đội trưởng dân quân kiên cường năm xưa...

Ký ức 50 năm - những vì sao không tắt


   Bà Trương Thị Nhàn và mảnh dù chiến lợi phẩm thu được khi đội nữ dân quân Lam Hạ bắn hạ máy bay Mỹ.

Nẻo đường đê uốn lượn theo dòng Châu Giang trù phú đã đưa chúng tôi về làng Khả Duy, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên. Lượn vào con ngõ nhỏ, chúng tôi đã gặp người Trung đội trưởng năm xưa Trương Thị Nhàn đang dọn dẹp, chăm tưới cho mảnh vườn với những luống ngô, luống đỗ xanh mướt.

Bà Nhàn tâm sự, năm 1973, bà lập gia đình và theo chồng về làng Khả Duy sống đến nay. Hiện giờ, bà đã ngoài 70 tuổi. Trong suốt 50 năm qua, bà luôn đau đáu, trăn trở trước những hy sinh mất mát của các bạn chiến đấu một thời. Vì vậy, cứ vào dịp 27/7 và ngày 1/10 hàng năm là bà Nhàn lại khăn gói trở về địa điểm trận địa pháo Lam Hạ năm xưa để thắp hương, tưởng nhớ những người đồng đội… 

Bà Nhàn kể: Đại đội phòng không dân quân Lam Hạ của chúng tôi được bố trí trận địa tại thôn Đình Tràng, có nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với bộ đội chủ lực xây dựng các trận địa pháo phòng không 37 ly, 57 ly, 100 ly trên địa bàn xã, củng cố trận địa, vận chuyển phương tiện kỹ thuật, đạn dược, cứu chữa kịp thời thương bệnh binh, phối hợp với các đơn vị bộ đội như: Tiểu đoàn 6, trung đoàn 250 của Tỉnh đội Nam Hà bảo vệ 2 km đường quốc lộ 1A, 3 km đường sắt Bắc- Nam chạy qua địa bàn; bảo vệ 3 km đê Châu Giang, đê sông Đáy; bảo vệ cầu Phủ Lý…


Giấy chứng nhận Chiến sĩ thi đua của bà Trương Thị Nhàn được Tỉnh đội Nam Hà tặng thưởng năm 1967.

Bà Nhàn bùi ngùi hồi tưởng: “Tôi vẫn nhớ như in năm sinh, năm mất của các nữ dân quân ngày trước. 10 người hy sinh ở các trận địa khác nhau, lúc đó các chị tuổi cũng chỉ khoảng từ 16 đến 20 thôi. Tại trận địa pháo 37 ly, ngày 1/10/1966 có 6 người hy sinh gồm: Cô Đinh Thị Tâm (SN 1948), Trần Thị Tuyết (SN 1947), Phạm Thị Lan (SN 1944), Vũ Thị Phương (SN 1943), Nguyễn Thị Thu (SN 1948) và Nguyễn Thị Thi (SN 1950). Trên trận địa pháo 57 ly, ngày 2/10/1966, cô Đặng Thị Chung (SN 1944) hy sinh. Còn trận địa pháo 100 ly, ngày 9/10/1966 có cô Nguyễn Thị Thuận (SN 1948), Trần Thị Thẹp (SN 1944) và cô Nguyễn Thị Oánh (SN 1942) cũng anh dũng hy sinh”.

Bà Nhàn hồi tưởng: Trận ác liệt nhất, và hy sinh mất mát nhất diễn ra ngày 1/10/1966. Sáng sớm hôm đó xuất hiện máy bay trinh sát của địch vào khu vực Phủ Lý, Hà Nam. Một lúc sau hàng loạt máy bay chiến đấu, cường kích của địch đã tề tựu đông như ong, phi thẳng vào trận địa pháo, vào cầu Phủ Lý và cầu ngầm quân sự qua sông Châu, cắt bom liên tiếp".

Khi đó, đang chiến đấu quyết liệt thì khẩu đội 1 và 2 của trận địa pháo phòng không 37 ly bị hết đạn. Bà Nhàn là Trung đội trưởng nữ dân quân nên phải cùng đồng đội vội chạy đi tiếp đạn. "Khi về đến khẩu đội 4 thì nghe tiếng bom nổ trùm lên khẩu đội 1 và khẩu đội 2 của trận địa pháo phòng không 37 ly. Lúc này có 6 người hi sinh tại trận là các chị: Thu, Thi, Tâm , Tuyết, Lan, Phương. Thi thể mọi người bị bom xé nát, các mâm pháo nhuộm một màu của máu...  Tôi mất hàng tuần không ngủ được vì đau xót, thương nhớ, hình ảnh các bạn cứ hiện về trong đầu". Kể đến đây, bà Nhàn không cầm được nước mắt.

Ngày 2/10/1966, Mỹ tiếp tục đánh bom tại trận địa pháo 57 ở thôn Hòa Lạc, xã Lam Hạ. Lập tức, đội trưởng Nguyễn Thị Tình cùng chị em đã vào chống đỡ lại bom đạn của địch. Tại đây, chị Đặng Thị Chung đã hy sinh. Đến ngày 9/10/1966, Mỹ tập trung đánh trận đại pháo 100 ly tại thôn Đường Ấm làm 3 nữ xạ thủ trúng bom. Chị Nguyễn Thị Thuận bị bom tiện chân và chị đã hy sinh ngay chiều cùng ngày trên bàn mổ. Cũng trong trận chiến hôm đó, còn hai nữ xạ thủ khác hy sinh là chị Nguyễn Thị Oánh và Trần Thị Thẹp.

“Khi ấy cũng độ tháng 7 bây giờ, thời chiến nhưng trời quang và xanh lắm, nắng chói chang... Đó cũng là lúc quả ổi, quả na, quả chuối chín vàng thơm lựng, mía trong vườn đã ngả sang vị ngọt đậm…Giờ mỗi lần nhìn thấy những thứ hoa trái dân dã ấy là tôi lại hình dung ngay đây là những thứ hoa trái mà các chị, các bạn của mình vẫn ăn cùng nhau mỗi khi mừng chiến thắng, tiếp sức trong lúc giải lao, hay chỉ bày trên mâm pháo trang hoàng cho những đêm sinh hoạt văn nghệ đầy sôi nổi… Ấy vậy mà  cũng đã 50 năm rồi!" - bà bùi ngùi chia sẻ. 

Những phần thưởng cao quí, thiêng liêng mà bà Trương Thị Nhàn gìn giữ cẩn thận suốt 50 năm qua.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, mặc dù trực tiếp chiến đấu và là Trung đội trưởng, nhưng cho đến nay, bà Nhàn cũng như các đồng chí khác tham gia đội dân quân Lam Hạ ngày ấy vẫn chưa được hưởng bất cứ một chế độ gì, mặc dù trong người mang nhiều di chứng, ảnh hưởng của bom đạn chiến tranh.

Bản thân bà Nhàn do bị ảnh hưởng nghiêm trọng sức ép của bom đạn, mấy chục năm qua, hai bên tai của bà bị ù đi, khó nghe, hôm trở trời thì gần như không nghe thấy gì.  Hiện nay, con cái của bà phải đi làm ăn xa, cuộc sống của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng và những đồng lương hưu mất sức ít ỏi theo chế độ bệnh binh của chồng.

Đưa cho chúng tôi xem “Giấy chứng nhận Chiến sĩ thi đua” đề chức vụ Trung đội trưởng pháo thủ do Tỉnh đội Nam Hà trao tặng năm 1967, nhưng bà Nhàn cho biết, đến nay bà và nhiều đồng chí khác vẫn chưa được cấp trên chính thức công nhận là Trung đội trưởng chiến đấu của đội nữ dân quân ngày ấy. Nhiều chị em cùng chiến đấu với bà Nhàn mong muốn cấp trên xem xét để trả lại đúng sự thật cho lịch sử.

Để đáp lại những công ơn trời biển của các Cô gái Lam Hạ ngày ấy, ngay từ dịp tháng 7 năm 2009, tỉnh Hà Nam và Thành phố Phủ Lý đã quyết định xây dựng công trình Đền thờ và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và 10 Cô gái Lam Hạ nhằm tôn vinh sự hy sinh lớn lao của hàng ngàn liệt sĩ là người con của quê hương Hà Nam, trong đó có 10 Cô gái Lam Hạ dũng cảm quên mình vì nước. Công trình trên có diện tích tổng thể 20ha. Sự kiện này thời điểm ấy đã nhận được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của các cấp, các ngành, đồng bào đồng chí trong cả nước.

Đến nay, địa điểm trận địa pháo Lam Hạ năm xưa đã trở thành một khu đền thờ tưởng nhớ liệt sỹ uy nghi, khang trang, trong đó có miếu thờ 10 Cô gái Lam Hạ. Gần đây, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, tỉnh Hà Nam tiếp tục xây dựng khu tượng đài, với các phù điêu thể hiện tinh thần chiến đấu quật cường của các Cô gái Lam Hạ trong những ngày chống Mỹ.

Sự tưởng nhớ, tri ân tới các anh hùng liệt sỹ là việc làm nghĩa tình đầy ý nghĩa. Song nghĩ về gia cảnh của một số cô gái Lam Hạ hiện đang còn sống như Trung đội trưởng Trương Thị Nhàn, mà chúng tôi không khỏi gợn chút chạnh lòng. Rất mong các cấp các ngành xem xét chế độ, chính sách cho những con người từng một thời không tiếc máu xương, quên tuổi thanh xuân, đứng lên chiến đấu dũng cảm, và sẵn sàng hy sinh thân mình vì quê hương, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Tổ quốc Việt Nam thân yêu./.

Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực