Lão nghệ nhân trăn trở cùng nghề nặn tò he truyền thống

Thứ sáu, 12/10/2018 10:04
(ĐCSVN) - Là làng nghề tò he độc nhất vô nhị ở Việt Nam nên làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) còn là nơi hội tụ những nghệ nhân tài hoa. Nghệ nhân Chu Tiến Công là một trong số ít những người thuộc lớp gạo cội còn đam mê, nhiệt huyết, luôn gắng sức lưu giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình.

Tâm huyết và đam mê nghề truyền thống

 

Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) từ lâu được coi là cái nôi của nghề nặn tò he truyền thống. Nơi đây, có những con người luôn đam mê và nhiệt huyết với nghề.

 

Đi qua những con ngõ nhỏ đặc trưng của làng quê truyền thống Bắc Bộ, chúng tôi tìm đến nhà lão nghệ nhân 72 tuổi Chu Tiến Công, một người luôn say mê gắn bó với nghề nặn tò he. Nghệ nhân Chu Tiến Công được sinh ra trong gia đình có truyền thống nặn tò he ở Xuân La. Chính vì thế, ông được tiếp xúc và bén duyên với nghề nặn tò he ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Ban đầu chỉ là sở thích rất bình thường nhưng càng về sau, từng nét điêu luyện, khéo léo của người thợ trong từng bước tạo hình những con tò he đáng yêu đã thôi thúc ông Chu Tiến Công nhanh chóng đến với nghề. Lên 7, 8 tuổi, ông bắt đầu theo học nặn tò he và cho ra đời những sản phẩm đầu tay. Thừa hưởng sự khéo léo, tính thẩm mỹ của người cha, cũng là một nghệ nhân nặn tò he và với sự sáng tạo không ngừng, ông Chu Tiến Công đã cho ra đời nhiều tác phẩm tò he đạt giải cao trong các cuộc thi... . Từ đó đến nay, tò he đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu đối với ông. Ông vui vẻ kể: “Ngày xưa hồi bé, mỗi khi đi học về, tôi vẫn hay theo mẹ gánh hàng tò he lên chợ huyện bán. Tận mắt thấy ông và bố nặn tò he nên tôi yêu nghề này từ lúc nào cũng không biết...”. Ghi nhận sự tâm huyết và niềm say mê theo đuổi môn nghệ thuật thủ công nặn tò he, năm 2015, ông Chu Tiến Công vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

 
Nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công chia sẻ về nghề nặn tò he truyền thống. (Ảnh: NM)

Không chỉ là một nghệ nhân tài hoa, ông Công còn là một người thầy tận tâm truyền nghề cho những thế hệ sau. Ở làng Xuân La, nhiều người biết nặn tò he nhưng để tạo ra những sản phẩm đẹp và có hồn thì không phải ai cũng làm được. Để tạo ra những sản phẩm độc đáo, ngoài sự kiên trì còn đòi hỏi ở người nặn tò he sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú... Với kinh nghiệm hơn 60 năm gắn bó với nghề nặn tò he, ông Công luôn dành thời gian để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ngôi nhà nhỏ ông đang ở hiện nay cũng chính là lớp học của khá nhiều thế hệ thợ nặn tò he ở Xuân La. Chẳng những thế, những người dân trong thôn, ai muốn nâng cao tay nghề đều có thể đến học hỏi. Học trò được ông chỉ dạy rất nhiệt tình, tâm huyết. Ông nâng niu, uốn nắn từng đôi bàn tay nhỏ bé về cách cầm bột, nhào bột, phối màu... cách tưởng tượng hình thù nhân vật ra sao... .Ông tận tình chỉ dạy cho người học các kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp...

 

Ông Chu Tiến Công kể: “Mười học trò học nặn tò he thì chỉ có hai đến ba cháu là có khả năng tưởng tượng và sáng tạo tốt”. Chính thế mới thấy, để tạo ra được một sản phẩm tò he thì không phải là điều đơn giản. Tò he có hồn và thu hút được người nhìn là phụ thuộc vào người nặn ra sản phẩm. Sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì là điều hết sức cần thiết. Và quan trọng hơn cả là vai trò của người thầy giảng dạy, truyền cảm hứng cho học trò. Trước đây, ông thường hay mang những con tò he, bột màu cùng với chiếc xe đạp đi quanh con phố huyện. Đến đâu ông cũng tận tình chỉ dạy cho những ai có nhu cầu theo học. Đặc biệt, từ hàng chục năm nay, cứ đến ngày thứ bảy, chủ nhật ông lại sắm sửa đồ làm tò he ra trường mầm non hoặc Nhà văn hóa Xuân La để dạy miễn phí cho các cháu: “Nhìn lũ trẻ mê mẩn, ghép, giữa, nhào nặn tôi thấy trong lòng vui vô cùng. Đôi bàn tay nhỏ xíu, những mầm non đang ngày một lớn lên hứa hẹn sẽ là những nghệ nhân nặn tò he tương lai của quê hương, người lưu giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian”, nghệ nhân Chu Tiến Công xúc động chia sẻ.

 

Trăn trở việc giữ nghề...

Trong câu chuyện về nghệ nặn tò he, nghệ nhân Chu Tiến Công cũng chia sẻ cùng chúng tôi những trăn trở đối với việc gìn giữ, phát triển nghề nặn tò he truyền thống của quê hương mình. Làng Xuân La vốn nằm trong vùng chiêm trũng, nghề trồng lúa không đem lại hiệu quả cao. Những năm mất mùa, đói kém thì chính nghề nặn tò he đã “cứu đói” cho dân làng. Đã có thời gian, nghề nặn tò he trở thành nghề chủ đạo, nghề mưu sinh của nhiều gia đình trong làng. Chính nghề này đã giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn hoạn nạn. Đã không ít người con của làng Xuân La khôn lớn, trưởng thành nhờ vào thu nhập từ gánh tò he của cha mẹ.

 

Các nghệ nhân tham gia nặn tò he trong ngày hội của làng Xuân La. (Ảnh: NM).

 

Tuy nhiên, cũng như nhiều nghề truyền thống khác, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nghề nặn tò he ở Xuân La cũng dần bị thu hẹp. Những người gắn bó với nghề, tâm huyết và đam mê với nghề cũng không còn nhiều, nhất là những người trẻ. Theo nghệ nhân Chu Tiến Công, thực tế thu nhập từ sản phẩm tò he vốn ít ỏi nhưng với mong muốn bảo tồn giá trị của nghề nặn tò he ở quê hương, ông luôn khích lệ bà con dân làng dù khó khăn nhưng cố gắng giữ nghề truyền thống của cha ông. Để góp phần giữ gìn làng nghề, năm 2009 ông là một trong những người tham gia sáng lập Câu lạc bộ (CLB) Tò he Xuân La. Với sự tín nhiệm của mọi người, ông Công được bầu làm Phó Chủ tịch CLB tò he. Từ đó đến nay, nghệ nhân Chu Tiến Công đã luôn tận tình truyền nghề cho các thành viên trong CLB; qua đó góp phần lưu giữ và bảo tồn được nhiều nét đẹp văn hóa của làng nghề nặn tò he.

 

Hơn 60 năm gắn bó với nghề nặn tò he truyền thống, nghệ nhân Chu Tiến Công đã có nhiều đóng góp quan trọng trong gìn giữ, giới thiệu, quảng bá, phát triển nghề truyền thống của quê hương. Ông thực sự là tấm gương, là người “truyền lửa” nhiệt huyết với nghề nặn tò he trong lòng thế hệ đi sau./.

Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực