Lễ giỗ tổ nghề sân khấu, kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ IX, năm 2018

Thứ sáu, 21/09/2018 22:39
(ĐCSVN) – Lễ giỗ tổ nghề sân khấu được tổ chức vào 12/8 âm lịch hằng năm để tỏ lòng biết ơn tới các bậc tiên tổ, các bậc tiền nhân đã vượt qua mọi định kiến của xã hội để sáng tạo nên loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, có giá trị làm giàu cho bản sắc văn hóa.

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ giỗ tổ nghề sân khấu, kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ IX năm 2018 (12/8 âm lịch hằng năm).

Phát biểu tại sự kiện, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh: Ngày 12/8 âm lịch hằng năm là ngày truyền thống của những người làm nghệ thuật sân khấu để tỏ lòng biết ơn tới các bậc tiên tổ, các bậc tiền nhân đã vượt qua mọi định kiến của xã hội để sáng tạo nên loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, có giá trị làm giàu cho bản sắc văn hóa.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
trao thưởng giải cá nhân xuất ở các lĩnh vực sân khấu. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)


Năm nay là năm thứ 9 Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức ngày Giỗ tổ sân khấu. Đây cũng là dịp những người làm sân khấu cả nước tri ân khán giả đã đồng hành cùng các văn nghệ sĩ trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống cách mạng Việt Nam. Những người làm sân khấu cả nước cũng nhìn lại một năm hoạt động, đánh giá thành tích đã đạt được cũng như chỉ rõ  những hạn chế, yếu kém để có cách khắc phục.

Năm 2018, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển sự nghiệp sân khấu. Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018” tại Thành phố Hồ Chí Minh; “Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2018” tại Long An; “Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc 2018 tại Bình Định; mở 2 trại sáng tác tại Đà Lạt và Bắc Ninh. Đặc biệt, Hội đã tham gia vào Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú cấp chuyên ngành lần thứ IX năm 2018; thành lập Quỹ “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam” nhằm tạo nguồn vốn cho các hoạt động của công tác Hội.

Nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tiến hành trao giải thưởng thường niên của Hội năm 2018; tặng Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho thành công của ngành sân khấu Việt Nam; tôn vinh các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cao tuổi, các nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, các Giáo sư đầu ngành; tặng quà một số nghệ sĩ khó khăn.

Theo đó, Giải thưởng Kịch bản sân khấu xuất sắc có 1 giải A, 3 giải B và 4 Giải khuyến khích. Trong đó, giải A được trao cho kịch bản “Tổ quốc nơi cuối con đường” của tác giả Lê Thu Hạnh (TP.Hồ Chí Minh).

Riêng giải thưởng Vở diễn sân khấu xuất sắc năm nay không có giải A mà chỉ có 1 giải B và 4 giải Khuyến khích. Giải B Vở diễn sân khấu xuất sắc được trao cho “Ký ức lửa” của tác giả - nhà văn Chu Lai, chuyển thể - nhà văn Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên.

Ngoài ra, tác phẩm “Diễn xướng âm nhạc chèo truyền thống và biến đổi” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Phương (Hà Nội) và “Từ thầy tuồng đến đạo diễn tuồng” của tác giả Đặng Bá Tài (Hà Nội) được trao giải thưởng xuất sắc cho Sách nghiên cứu Lý luận – Phê bình.

Một số giải thưởng trao cho các cá nhân: giải Âm nhạc trao cho diễn viên - nhạc sĩ Phùng Tiến Minh, vở “Hồng lâu mộng” - Nhà hát Kịch Việt Nam; giải Diễn viên kịch nói xuất sắc thuộc về Tô Tuấn Dũng, vở “Hồng lâu mộng” và Ngô Thuận, vở “Romeo và Juliet” - Nhà hát Kịch Việt Nam; giải Diễn viên chèo xuất sắc thuộc về Hoàng Thanh Huấn, vở “Những người mẹ” - Nhà hát chèo quân đội; giải Diễn viên dân ca xuất sắc trao cho Huỳnh Quang Việt, vở “Ký ức lửa” - Đoàn ca kịch Quảng Nam và Dương Việt Anh, vở “Điều còn lại” - Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ; giải Diễn viên tuồng xuất sắc trao cho Mai Ngọc Nhân, vở “Chàng Lía” - Nhà hát tuồng Đào Tấn và Nguyễn Thị Thanh Vân, vở “Chàng Lía” - Nhà hát Tuồng Đào Tấn./.

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực