Lịch sử là nền móng, tương lai phụ thuộc vào thế hệ hôm nay

Thứ năm, 30/04/2020 09:39
(ĐCSVN) – “Thế hệ chúng tôi chỉ là thế hệ bản lề, lịch sử là nền móng, điểm tựa, tương lai đất nước còn ở phía trước, phụ thuộc vào các thế hệ hôm nay. Các bạn phải luôn nhìn về phía trước, phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, năng động, sáng tạo đưa đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng phát triển”.
Đại tá Lê Mạnh Hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn Đặc công 198 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giành toàn thắng mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã khẳng định Bộ đội đặc công là một lực lượng quan trọng không thể thiếu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của quân và dân ta. Trong những ngày kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người lính đặc công năm ấy, Đại tá Lê Mạnh Hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn Đặc công 198, đã có những chia sẻ đầy thú vị với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông kể, đặc công có từ lâu rồi. Trong lịch sử dân tộc, các triều đại ngày xưa đã thành lập ra lực lượng để bảo vệ hoàng cung và chuyên làm nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược. Sau này, trong chiến tranh chống Mỹ, lực lượng đặc công ngày càng chuyên nghiệp, đã tham gia tích cực để cùng với các lực lượng vũ trang giành chiến thắng tại nhiều mặt trận. Đây là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.

Tại Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, vào ngày 10/3/1975, với quân hàm Thượng úy, trên cương vị Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 20B (Trung đoàn đặc công 198, thuộc quân đoàn 3), ông đã chỉ huy đơn vị hiệp đồng cùng các lực lượng bất ngờ đánh chiếm Kho Mai Hắc Đế ngay trong thành phố Buôn Ma Thuột. Chiếm được kho này sẽ tạo bàn đạp cho chiến dịch phát triển đánh tiếp vào sào huyệt địch. Chính vì quan trọng như vậy nên địch bố trí phòng, tổ chức tuần tra canh gác rất nghiêm ngặt.

Lúc đó có 3 nhiệm vụ được đặt ra: đúng 2 giờ 30 phút phải nổ bọc pháo lệnh cho toàn bộ Chiến dịch Buôn Mê Thuột; tạo cửa mở cho một trung đoàn bộ binh cơ giới thọc sâu vào sư đoàn 23 của ngụy; nhiệm vụ thứ 3 là phải giữ nguyên Kho, bàn giao cho mặt trận làm dự bị phát triển chiến dịch. Song song với mũi tấn công vào Kho Mai Hắc Đế, mũi tấn công vào sân bay Thị xã (do tiểu đoàn trưởng chỉ huy), sân bay Hòa Bình (Trung đoàn Trưởng chỉ huy) và một số nơi khác cũng đồng loạt nổ súng.

Ông nói, đã tham gia chiến trường, bom đạn không làm nhụt ý chí của người lính bởi mục tiêu duy nhất là đánh bại kẻ thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Người lính đặc công lại càng có ý chí sắt đá. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Kho Mai Hắc Đế có cả chục lớp rào bằng dây thép gai, có hàng rào bằng tôn rất cao, đèn sáng, lính gác dày đặc, không dễ tiếp cận, nhưng lực lượng đặc công vẫn quyết tâm tấn công bằng được. Đang chia sẻ,  giọng người lính già bỗng trùng xuống, trầm ngâm một lúc ông kể tiếp: Khi đội hình đang cơ động, thì bất ngờ địch quăng lựu đạn, làm một đồng chí hy sinh và binh nhất Sơn bị đứt lìa một chân, quằn quại trên vũng máu. “Trong suốt cuộc đời mình, hình ảnh người đồng đội ấy không bao giờ tôi quên. Biết là đồng chí Sơn đang rất đau, tôi ôm chặt và nói nhỏ: “Sơn ơi, em mà lên tiếng rên la là tất cả đều chết hết”. Lúc đó, chiến sĩ Sơn không nói nên lời vì quá đau, chỉ trợn mắt, cắn răng gật đầu cho các chiến sĩ chuyển về tuyến sau, không hề có một tiếng rên nhỏ”, Đại tá Hùng kể lại.

Câu chuyện phải gián đoạn bởi trong mạch hồi tưởng, ông đang rất nhớ đồng đội mình.

 Đại tá Lê Mạnh Hùng đang xem những bức ảnh kỷ niệm ghi lại dấu ấn trong những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta

Trong trận này, ông đã chỉ huy đơn vị tiêu diệt gần 100 tên, bắt sống 15 tên địch, phá hủy 3 xe tăng, thu nguyên vẹn hơn 100 nghìn tấn đạn pháo và toàn bộ phương tiện, vũ khí trong kho của địch. Sau khi đánh xong mục tiêu này, đơn vị được lệnh về giải phóng Đà Lạt. Sau khi giải phóng Đà Lạt, riêng Trung đoàn đặc công 198 tiếp tục luồn sâu xuống địa đạo Củ Chi, tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong Chiến dịch lịch sử ấy, lực lượng đặc công được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ 14 chiếc cầu, 6 căn cứ án ngữ cửa ngõ Sài Gòn, bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm cảng Nhà Bè, chia cắt sông Lòng Tàu, tạo thuận lợi và bảo đảm đường cơ động cho bộ đội binh chủng hợp thành thần tốc tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng bên trong nội đô, hỗ trợ quần chúng nổi dậy.

Đại tá Hùng nhớ lại, hôm đó là đêm 29 rạng ngày 30/4, Trung đoàn đặc công 198 được một tổ du kích Củ Chi dẫn đường, đánh chiếm 3 mục tiêu quan trọng, để tạo hành lang cho sư đoàn 320, 316 thọc sâu đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa.

“Lúc ấy tôi là Tiểu đoàn trường tiểu đoàn 1, Trung đoàn đặc công 198, được giao nhiệm vụ đánh chiếm Cầu Bông, còn tiểu đoàn khác đánh Cầu Sáng và Thành Quan Năm. Sau hoàn thành nhiệm vụ, quay về quốc lộ số 8 đường từ Bình Dương về Củ Chi truy quét tàn quân địch và để giữ đội hình phía sau cho quân đoàn”.

Một lần nữa trong cuộc trò chuyện, người lính năm xưa lại trầm ngâm rất lâu. Ông kể tiếp, lúc đánh chiếm Cầu Bông, ông muốn cử 4 người ở lại để giữ tư trang, ba lô nhưng không một ai chịu ở lại. Tất cả đều một lòng thà hy sinh, chứ nhất quyết phải tham gia chiến đấu tới cùng với đồng đội. Cuối cùng, ông phải lấy nhiệm vụ của cán bộ đảng viên để cử người ở lại. “Đó là điều tôi thật sự rất xúc động. Trận chiến nào cũng thế, người lính luôn muốn được xông pha ngoài mặt trận, dù có phải hy sinh cũng luôn sẵn sàng. Tinh thần chiến đấu rất mạnh mẽ”.

Hồi tưởng về ngày 30/4 lịch sử của 45 năm trước, ông chia sẻ cảm xúc lúc đó không thể tả nổi, vỡ òa sung sướng, hạnh phúc tột độ. Tình cảm của người dân Sài gòn đón những người bộ đội rất thân thương, trìu mến, gần gũi như những người thân trong một gia đình.

Khi hỏi, tham gia nhiều trận đánh như thế, điều ông nhớ nhất là gì? Người lính già cười bảo: “tôi nhớ nhất là mấy cô du kích ở Củ Chi. Các cô ấy rất hồn nhiên, vui vẻ và cũng rất dũng cảm, kiên cường. Nhờ có những cô du kích nhỏ dẫn đường mà chúng tôi mới đánh nhanh, thắng nhanh được. Sau này tôi có về Củ Chi tìm nhưng không biết người du kích năm xưa là ai”.

Ông chia sẻ thêm, việc nhân dân ta kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng một trận quyết chiến chiến lược với sức mạnh hùng hậu nhất, ý chí quyết tâm cao nhất là nhờ nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo, đưa đến việc giải phóng Sài Gòn gần như còn nguyên vẹn. Nghệ thuật quân sự ấy chính là nghệ thuật chiến tranh nhân dân.

“Năm ấy, khi chúng tôi tham gia tấn công địch, nếu không có những người du kích hỗ trợ thì đặc công không chớp được thời cơ, bởi còn mất thời gian phải trinh sát và lên phương án. Nhờ có du kích dẫn đường mà trong Chiến dịch này, chúng tôi tiếp cận mục tiêu được dễ dàng, nhanh chóng, từ đó kịp thời lập phương án và đánh ngay trong đêm giành thắng lợi”.

Nghe những câu chuyện ông kể, chúng ta hiểu thêm về những ngày tháng hào hùng của dân tộc, về những chiến công và cả sự hy sinh lớn lao của những người lính Cụ Hồ, để đất nước được yên bình, phát triển như ngày hôm nay.

Ông nói, thế hệ chúng tôi chỉ là thế hệ bản lề, lịch sử là nền móng, điểm tựa, tương lai đất nước còn ở phía trước, phụ thuộc vào các thế hệ hôm nay. Tuổi trẻ phải luôn nhìn về phía trước, phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, năng động, sáng tạo đưa đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng phát triển. Hiện nay, chúng ta đang có nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt không ít thách thức. Hãy chớp thời cơ để nắm lấy cơ hội, đẩy lùi thách thức, đưa TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, xây dựng một Thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đại tá Lê Mạnh Hùng chia sẻ cảm xúc trong buổi Lễ khai mạc Triển lãm "Mùa Xuân đại thắng" do Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 7 và Cục Chính trị Binh chủng Đặc công tổ chức ngày 28/4/2020, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (Vương Lê thực hiện)

Có lẽ là cái duyên, nên từ khi nhập ngũ (ngày 15/7/1968) tới khi nghỉ hưu, ông chỉ gắn bó với bộ đội đặc công, nhất là sự ra đời, trưởng thành, lớn mạnh và lập công xuất sắc của Trung đoàn 198 (nay là Lữ đoàn Đặc công 198).

Với những chiến công xuất sắc, ông đã góp phần quan trọng để Trung đoàn 198 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngày 3/6/1976. Cá nhân Đại tá được tặng thưởng 8 Huân chương Chiến công các loại; Huy hiệu Kháng chiến hạng Nhì; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huy hiệu 30 năm, 40 năm, 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 30/8/2018, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Đại tá Lê Mạnh Hùng, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./..


Bài, ảnh: Vương Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực