Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên

Thứ năm, 17/08/2017 22:27
(ĐCSVN) – Chiều 17/8, tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên hiện nay”.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào và 05 tỉnh Tây Nguyên).

Đây là buổi tọa đàm thứ 2 tại khu vực phía Nam sau buổi tọa đàm được tổ chức tại khu vực phía Bắc diễn ra tại Hà Nội mới đây. Nếu như tại buổi tọa đàm của khu vực phái Bắc, Ban tổ chức đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp làm công tác tuyên truyền miệng thì tại buổi tọa đàm thuộc khu vực phía Nam này, Ban tổ chức mong muốn được các đại biểu đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các địa phương, đơn vị, cơ sở trực tiếp tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng và công tác báo cáo viên tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình phân tích, đánh giá, nêu ra những bài học kinh nghiệm để từ đó có những kiến nghị, đề xuất tiếp tục đưa công tác này mang lại hiệu quả hơn trong thời gian tới. Và đây cũng là cơ sở, căn cứ để Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. 

Tại buổi tọa đàm, đại diện Ban Tuyên giáo các địa phương phía Nam và Tây Nguyên đã thẳng thắn nêu lên những vướng mắc, các khó khăn và thực trạng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của địa phương, đơn vị mình. Đồng thời cũng rút ra một số kinh nghiệm có liên quan, kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương để có chỉ đạo tháo gỡ, xử lý nhằm đưa công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên ngày càng mang lại nhiều hiệu quả cao hơn.

Theo các đại biểu, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, đến nay tại nhiều địa phương đã có những đánh giá khá cụ thể về tình hoạt động, đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng cũng như sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy địa phương đối với công tác này. Trong đó, hầu hết các địa phương về cơ bản cấp ủy đã có những quan tâm nhất định trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên. Nhiều địa phương ngay sau khi tiếp thu Chỉ thị 17 của Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị để chỉ đạo thực hiện tại địa phương, đơn vị mình; phân công các đồng chí trong cấp ủy tham gia chỉ đạo, theo dõi và trực tiếp tham gia báo cáo tại các hội nghị cũng như tuyên truyền, giải thích nhiều vấn đề, sự kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm, đồng thuận theo.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy các địa phương cũng dành nhiều quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên; chỉ đạo tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên…. Yêu cầu các báo cáo viên, tuyên tuyền viên thường xuyên xâm nhập thực tế và nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm, tư liệu, tài liệu để phục vụ cho công tác.

 

Chủ trì điều hành tọa đàm (ảnh: Đình Tăng)


Các đại biểu cũng nêu lên một vấn đề để chỉ đạo trong thời gian tới như: Phải đánh giá đúng thực trạng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên; chú ý vai trò và nhận thức của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, đồng thời mở rộng lực lượng làm công tác này để mỗi đảng viên phải thực sự là một báo cáo viên, tuyên truyền viên và phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội cùng vào cuộc để làm tốt công tác này; nâng cao tính thuyết phục của báo cáo viên, tuyên truyền viên gắn với chủ động cung cấp thông tin, tư liệu cho báo cáo viên, tuyên truyền viên kịp thời để lực lượng này chủ động trong công tác; gắn nhiệm vụ tuyên truyền miệng với việc tuyên truyền các gương điển hình, người thật việc thật, nói đi đôi với làm để thuyết phục nhân dân…

Nhiều đại biểu cũng kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương cần phối hợp với các đơn vị, Bộ, ngành của Trung ương để tạo cơ chế hỗ trợ, phân cấp trong hỗ trợ báo cáo viên, nhất là báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở, ở các địa bàn sâu, xa, có đông đồng bào thiểu số cũng như cập nhật thông tin kịp thời cho các báo cáo viên này gắn với tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.

 

 

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực