Nâng cao vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật

Thứ năm, 05/12/2019 17:27
(ĐCSVN) -Thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng đặt ra yêu cầu các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trên tinh thần khoa học và thuyết phục.

Đó là khẳng định của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức ngày 5/12 tại Vĩnh Phúc.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì Hội thảo.


Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hoa) 

Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học quan trọng trong năm 2019 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, được tiến hành vào thời điểm Đảng ta đang chỉ đạo tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đồng thời tích cực chuẩn bị nội dung các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Phê bình văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng, sự phát triển của xã hội nói chung. Dù có thể còn có những cách hiểu, quan niệm khác nhau về những vấn đề cụ thể nhưng giới nghiên cứu cơ bản đã thống nhất, xem phê bình là một bộ môn khoa học đặc thù, có tác dụng đồng hành, điều chỉnh sáng tác và định hướng tiếp nhận thẩm mỹ. Với vị trí, vai trò quan trọng như vậy, phê bình luôn là nhân tố cần phải được đặc biệt quan tâm và tập trung phát triển. Trong suốt lịch sử từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn Đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm, chỉ đạo phát triển phê bình văn học, nghệ thuật như là một trong những trụ cột quan trọng cho sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, phê bình văn học, nghệ thuật cũng đồng thời bộc lộ những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là ở vai trò định hướng hoạt động thực tiễn và hoạt động sáng tạo, cần phải được phân tích, đánh giá, lý giải để tìm ra giải pháp phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo này với mong muốn huy động được tâm sức, trí tuệ và đóng góp của giới văn học, nghệ thuật nhằm xây dựng hệ thống luận cứ khoa học, trên cơ sở đó tư vấn giúp Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát huy vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.

Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhìn vào đời sống văn học, nghệ thuật những năm gần đây dễ dàng nhận thấy sự mờ nhạt, thậm chí sự vắng bóng của vai trò phê bình. Trước các yêu cầu bức thiết của đời sống xã hội và văn học, nghệ thuật như định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ, định hướng tiếp nhận, định hướng dư luận và định hướng sáng tạo... phê bình dường như im tiếng. Bên cạnh những thành tựu có vẻ khiêm tốn, vẫn còn đó các khuyết tật, non kém khiến cho phê bình không đảm đương được sứ mệnh của mình, lại luôn luôn mang tiếng là tụt hậu, ăn theo sáng tác, là nghiệp dư, là trầm lắng, là thiếu sức sống, bỏ rơi trận địa.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hoan nghênh Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã lựa chọn chủ đề rất cần thiết để tiến hành Hội thảo. Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, phê bình là một lĩnh vực, một bộ môn có vai trò rất quan trọng trong sự vận động, phát triển của văn nghệ nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Có thể xem phê bình văn học, nghệ thuật là “cánh chim song đôi”, là người bạn đồng hành để thấu hiểu, đồng cảm, góp phần điều chỉnh, định hướng sáng tác. Đồng thời, phê bình cũng là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, tác động sâu sắc đến sự lựa chọn thẩm mỹ của công chúng văn nghệ. Đã có lúc nó được xem là vũ khí trí tuệ, là động lực cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển với nhiều bước thăng trầm, phê bình văn học, nghệ thuật hiện đại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và dấu ấn, phát huy vai trò, tác động tích cực đến hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, đến thị hiếu, nhu cầu và trình độ thẩm mỹ của công chúng, đến công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng nền văn nghệ yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hoa) 

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng công tác phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang tỏ ra trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Trong khi những hạn chế từ lâu tích tụ chưa được giải quyết thì thực tiễn lại đang xuất hiện những vấn đề mới khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh,… diễn ra từ nhiều năm qua, đã được chỉ ra nhưng các giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả. Ở một số diễn đàn, đã xuất hiện không ít những bài viết cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi, thậm chí chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, không những không định hướng được sáng tác và tiếp nhận mà còn làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ. Môi trường sinh hoạt phê bình thiếu vắng tinh thần khoa học, tranh luận và đối thoại, vốn là một trong những đặc trưng bản chất của phê bình. Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng và những vấn đề quan trọng của đời sống văn học, nghệ thuật, phê bình nhiều khi còn lúng túng, thiếu nhạy bén chính trị và nghệ thuật, chưa kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải. Những khó khăn nhiều chiều khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là sự “quay lưng” của giới sáng tác và công chúng văn nghệ.

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, để nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật, chắc chắn không thể không bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ các nhà phê bình chuyên nghiệp. Phê bình văn học, nghệ thuật là công việc khó khăn, nhọc nhằn, đòi hỏi người làm nghề phải hội tụ, kết tinh được cả tư duy khoa học và nghệ thuật, trí tuệ và cảm xúc, thực sự nhạy bén và có bản lĩnh vững vàng để nhận diện, đánh giá những vấn đề đang diễn ra và chưa định hình trong đời sống. Vì vậy, những người làm phê bình cần phải được quan tâm, đào tạo. Các trường đại học, cơ quan nghiên cứu đang gánh vác trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà phê bình cần đặt mục tiêu từng bước tiệm cận với trình độ của thế giới và phải giữ vững bản sắc riêng, lấy đó làm cơ sở, đường hướng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình và hoạt động giảng dạy, học tập.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, khoa học, đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X và các văn kiện quan trọng của Đảng đã đề ra.

Trong khi chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, đồng chí Võ Văn Thưởng mong rằng, các nhà phê bình tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình để từng bước góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của phê bình văn học, nghệ thuật. “Nhiệm vụ nặng nề ấy đòi hỏi các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, am hiểu sâu sắc hơn nữa về thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng, tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trên tinh thần khoa học và thuyết phục” – Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích các vấn đề như: Các yếu tố tác động, đánh giá đúng thành tựu và hạn chế, phân tích nguyên nhân; xác định vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật; đề xuất các kiến nghị, giải pháp khả thi thúc đẩy phê bình, xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội và văn học, nghệ thuật, từng bước thay đổi cục diện để phê bình đảm đương được vai trò và thiên chức của mình… Bên cạnh đó, hàng loạt các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn về hoạt động lý luận, phê bình đã được các đại biểu phân tích và đề ra giải pháp nhằm phát triển lý luận, phê bình trong thời gian tới.

Kết luận Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, các kết quả đạt được trong Hội thảo này sẽ cung cấp những cơ sở khoa học để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tư vấn cho Đảng và Nhà nước tiếp tục có những quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, qua Hội thảo này, chúng ta càng thấy rõ hơn tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, tạo nên sự đồng cảm, đồng thuận trong đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và các nhà quản lý văn học, nghệ thuật. Bên cạnh những nội dung cơ bản đã được thống nhất, cũng còn những vấn đề cần tiếp tục tranh luận, làm rõ thông qua hoạt động thực tiễn. Hội thảo thực sự đã trở thành diễn đàn, là nơi gặp gỡ, kết nối của những nhà nghiên cứu lý luận, phê bình, văn nghệ sĩ và các nhà lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật./.

H.Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực