Nét đẹp tình anh em kết nghĩa hai làng Viên Châu - Phú Nghĩa

Thứ bảy, 04/02/2017 09:36
(ĐCSVN) - Từ bao đời nay, người dân hai làng Viên Châu, xã Cổ Đô và Phú Nghĩa, xã Phú Đông (huyện Ba Vì, Hà Nội) vẫn gọi nhau là anh em. Họ đã lập lễ thề để cùng thực hiện hương ước chung.

Làng quê Viên Châu giàu đẹp và thắm đượm nét văn hóa truyền thống. Ảnh: An Luých

Làng Viên Châu, xã Cổ Đô và làng Phú Nghĩa, xã Phú Đông đều thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Hai làng cách nhau chừng dăm cây số nhưng lại có tình anh em rất gần gũi. Từ bao đời nay, người dân hai làng vẫn gọi nhau là anh. Viên Châu gọi Phú Nghĩa là anh, Phú Nghĩa cũng gọi Viên Châu là anh nhằm thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng.

Theo các cụ cao niên, cách xưng hô làng anh làng em đã có từ rất lâu đời. Từ đó, người dân hai làng cũng coi nhau như anh em sinh đôi nhưng không ai nhận mình là anh. Qua thổ ngữ của mỗi làng, họ sẽ nhận biết ra ai ở làng nào. Khi gặp nhau, người cất tiếng chào trước sẽ gọi người kia là ông anh, bà chị, anh, chị (tùy theo độ tuổi) và người đáp lời cũng tự nhận mình là em. Như vậy, tất cả đều là anh, tất cả đều là em. Dù gặp nhau ở trong làng hay ngoài làng đều xưng hô như vậy.

Nếu ra chợ, thấy người làng bên đang mua, đang bán thì sẽ không cất lời hỏi mua, chào bán nữa nhằm tránh mua tranh bán cướp. Người dân hai làng mua bán với nhau sẽ nói đúng giá, người kia cứ thế mua không bao giờ nói thách, mặc cả…

Khi làng này có việc, làng kia sẽ sang giúp như cùng một nhà. Vì thế, hàng năm vào ngày hội làng Viên Châu mùng 6 tháng Giêng, làng Phú Nghĩa sẽ có kiệu lễ và đội tế sang tế thành hoàng làng Viên Châu. Chủ nhà là bên Đông xướng, còn người anh em là bên Tây xướng. Người dân hai làng cùng chung vui hội làng và dự bữa cơm thân mật. Khi Phú Nghĩa hội làng, Viên Châu cũng sẽ sang tế lễ và chung vui bữa cơm như trong một nhà.

Việc giúp đỡ nhau giữa hai làng còn được thể hiện qua những việc làm thiết thực như cùng nhau góp công, góp của xây dựng đình; giúp nhau bảo vệ bình yên thôn xóm...

Vào các dịp Tết cổ truyền dân tộc, người hai làng thường qua chơi, dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau.

Trò chuyện với phóng viên trong không khí mừng xuân Đinh Dậu, cụ Lê Hữu Uyên - một nhà giáo gần 90 tuổi ở Viên Châu cho biết, tình anh em giữa làng Viên Châu và Phú Nghĩa có từ rất lâu đời và được duy trì tới nay. Vì là anh em một nhà nên nam nữ làng này không được phép cưới nam nữ làng kia. Người trong làng thì lấy nhau được nhưng người hai làng thì tuyệt đối không được. Quy ước đó đã truyền từ đời này sang đời khác và được coi như một lời dặn của tổ tiên, đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Thực tế bao đời nay chưa hề có trường hợp nam nữ hai làng cưới nhau nhưng chuyện nam thanh nữ tú trót yêu nhau thì có, họ chỉ lưu giữ mối tình đó như một kỷ niệm hoặc mãi mãi chỉ dám thầm thương trộm nhớ.

Cụ Lê Hữu Uyên chia sẻ về tình nghĩa anh em giữa hai làng Viên Châu và Phú Nghĩa. Ảnh: An Luých

Theo cụ Lê Hữu Uyên, những giao ước giữa hai làng tuy không được thể hiện trên văn bia, văn bản nào nhưng nó có giá trị linh thiêng như một hương ước, được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Ngay từ khi còn trẻ, cụ đã được cha mẹ mình truyền lại hương ước đó.

Xưa kia, hai làng đã lập lễ thề rất trang trọng để cùng thực hiện hương ước. Đến nay, người dân hai làng vẫn giữ được 4 "lời thề" được truyền miệng hàng trăm năm qua, gồm: "Không đánh chửi nhau, coi nhau như anh em ruột thịt; thương yêu nhau, bảo vệ giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn; nhường nhịn nhau, không vụ lợi, không mua tranh, bán cướp; đôi bên trai gái không lấy nhau".

Về ngọn nguồn của mối quan hệ anh em giữa hai làng, các cụ cao niên cho biết, Phú Nghĩa vốn thuộc huyện Bất Đạt, Viên Châu thuộc huyện Ba Vì nhưng đều là vùng đất hợp lưu của sông Đà, sông Lô và sông Thao. Tiền nhân hai làng đã kết nghĩa anh em để đùm bọc cùng tồn tại, phát triển.

Từ nét đẹp hiếm có này, ngày nay, mỗi gia đình người dân làng Phú Nghĩa và Viên Châu đều ý thức giáo dục con cháu giữ gìn gia phong và truyền thống kết nghĩa lâu đời. Vì thế, bao đời nay dù xã hội có nhiều đổi thay nhưng Phú Nghĩa và Viên Châu luôn yên bình và phát triển. Từ miền quê nghèo khó, nay hai làng đã vươn mình phát triển: đường làng lối xóm được trải bê tông sạch đẹp, nhà cửa mỗi năm một khang trang, không gian làng quê khởi sắc. Năm nào hai làng cũng có cả chục con em học giỏi, thi đỗ đại học. Nhà nhà đều ý thức phát huy tình nghĩa anh em, động viên nhau lao động, học tập, vươn lên trong cuộc sống./.

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực