Nét mới trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứ Đông

Thứ bảy, 01/08/2020 18:16
(ĐCSVN) - Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" (Nghị quyết 33), Tỉnh ủy Hải Dương đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Xây dựng nét văn hóa và con người xứ Đông

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng nét văn hóa và phong cách con người xứ Đông - Hải Dương theo hướng phát triển toàn diện với ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết và tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương; sống có đạo đức, nhân cách và đời sống văn hoá lành mạnh; có trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân; có tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

leftcenterrightdel

Một góc TP Hải Dương, trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Hoa Hiền)

Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 33 và Nghị quyết số 29-NQ/TW về  “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Trường học đã dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, triển khai thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, nghề phổ thông; biên soạn, đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy ở cả 3 cấp học, gắn bài giảng với tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống của quê hương, đất nước; các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên ngày càng được chú trọng.

Cùng với việc xây dựng và phát triển con người, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Nhiều lễ hội truyền thống ở Hải Dương đã khôi phục được các tục và trò chơi dân gian đặc sắc gắn với hoạt động văn nghệ quần chúng tạo không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Toàn tỉnh có 12/12 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; 248/264 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 1419/1425 nhà văn hóa, sân thể thao thôn, khu dân cư; 1 thư viện tổng hợp cấp tỉnh; 12/12 thư viện cấp huyện; 1 bảo tàng tỉnh; ngoài ra còn có các sân bóng đá, sân cầu lông, bể bơi, thư viện tư nhân... (do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư) cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, vui chơi, giải trí cho người dân trong tỉnh.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ quần chúng luôn được quan tâm đầu tư, trung bình mỗi năm có từ 2.200 - 2.500 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Nhiều tiết mục, vở diễn đoạt các huy chương Vàng, Bạc tại các kỳ liên hoan toàn quốc, khu vực và quốc tế; xây dựng nhiều chương trình đặc sắc biểu diễn giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt Nam tại các nước Pháp, Hàn Quốc, Lào...

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa luôn được tỉnh quan tâm. Công tác khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng di tích được tiến hành định kỳ hàng năm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.000 di tích được đưa vào danh mục cần bảo vệ, có 4 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt: khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), quần thể di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), cụm di tích Văn Miếu Mao Điền, đền Bia, chùa Giám, đền Xưa (Cẩm Giàng); 141 di tích quốc gia, 229 di tích cấp tỉnh; trên 50 di tích được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp các mức độ khác nhau bằng nguồn ngân sách của trung ương và của tỉnh. Toàn tỉnh có trên 10.000 hiện vật đã được sưu tầm, lưu giữ tại bảo tàng tỉnh và các nhà truyền thống; công tác lập hồ sơ khoa học đảm bảo quy định, quy trình của Luật Di sản văn hóa.

Những mô hình hay, cách làm hiệu quả

Để có được kết quả trên, Hải Dương đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết 33. Từ đó, các ngành, các cấp của Hải Dương thể chế hoá bằng những việc làm cụ thể. Ngành Văn hoá hướng dẫn lồng ghép nội dung Nghị quyết làm tiêu chuẩn bình xét gia đình văn hoá, công nhận làng, khu dân cư văn hoá. Đoàn Thanh niên xây dựng mô hình  “Cưới tiết kiệm” cho thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân viên chức và thanh niên ở khu vực đô thị. Mặt trận Tổ quốc tỉnh gắn việc thực hiện Nghị quyết vào nội dung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Liên đoàn Lao động tỉnh đưa nội dung Nghị quyết vào tiêu chuẩn xét công nhận cơ quan, đơn vị văn hoá, gắn với phát động các phong trào “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”. Tỉnh đoàn xây dựng các mô hình câu lạc bộ “Gia đình trẻ”. Hội Cựu chiến binh xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, trong cơ quan xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người để thực hiện, lồng ghép với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, xây dựng những điển hình để lan tỏa, nhân rộng. Công an tỉnh gắn với phong trào “Đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành điều lệ Công an nhân dân”. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã xây dựng 14 mô hình “Xứ Đạo, Họ an toàn về an ninh trật tự” tại địa bàn vùng giáo, 168 mô hình “Dòng họ hiếu học, an toàn về an ninh trật tự”... Huyện Tứ Kỳ phát động phong trào “Người tốt việc tốt” , xây dựng đề án  và tổ chức thực hiện nghề thêu ren, dệt chiếu cói, nghề mây tre đan. Huyện Thanh Miện gắn với với dự án cải tạo, xây dựng khu di tích Quốc gia Danh lam thắng cảnh Đảo Cò xã Chi Lăng Nam thành điểm du lịch sinh thái của huyện...

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 trong thời gian tới, Tỉnh uỷ Hải Dương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện như tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW; Chương trình hành động số 62-CTr/TU gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người.  Đồng thời, rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa; tạo cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; phân bổ kinh phí tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ ở thôn, khu dân cư từng bước nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa khu vực nông thôn; các thiết chế văn hóa trong các khu, cụm công nghiệp, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và ưu tiên dành quỹ đất quy hoạch các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí cho trẻ em và tổ chức các hoạt động văn hóa đảm bảo đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân./.

Đào Văn Hưng (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực