Người lưu giữ kho tàng văn hóa Thái ở Mường Lò

Thứ tư, 03/03/2010 15:59

  
Ông Biến chơi một làn điệu Thái với cây đàn tính hồi tưởng lại lễ hội từ 50 năm trước 
Không quản ngại khó khăn, ông lặn lội mường trên, bản dưới để sưu tầm các cuốn sách cổ của dân tộc mình. Có cuốn, ông bớt ăn bớt mặc để mua, nhiều cuốn ông được bà con yêu quý tặng lại, vì thế kho sách cổ của ông cứ dần nhiều lên

Ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái có một người rất am hiểu bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Với mong muốn con cháu ai cũng biết, cũng làm theo những điều ông bà răn dạy, biết trân trọng, nâng niu những giá trị văn hoá phải trải qua bao đời mới có được, nhiều năm qua, ông đã âm thầm làm công việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc mình như một trách nhiệm, không vì mục đích vụ lợi nào. Đó là ông Lò Văn Biến, người Thái, hiện đang sinh sống ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường Lò - cái nôi của người Thái ở Tây Bắc, từ thuở nhỏ, ông Biến đã được đắm mình trong những bài dân ca Thái. Lớn lên, ông lắng nghe và ghi nhớ từng lời những bài khắp của cha mẹ. Tình yêu với nền văn hoá dân tộc mình ngày càng lớn dần trong ông. Ông say mê học chữ Thái, tìm hiểu các nét văn hoá độc đáo của dân tộc. Không quản ngại khó khăn, ông lặn lội mường trên, bản dưới để sưu tầm các sách cổ của dân tộc mình về mày mò đọc, tự học và tập dịch sang quốc ngữ. Có cuốn, ông bớt ăn bớt mặc để mua, nhiều cuốn ông được bà con yêu quý tặng lại, vì thế kho sách cổ của ông cứ dần nhiều lên, với những tác phẩm nổi tiếng như: Xống chụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu), Khun Lú - Nang Ủa (Chuyện tình Khun Lú - Nàng Ủa), Chương Han (Chuyện về người anh hùng Chương Han)…

Từ vốn văn hoá tự có, cộng với những gì biết được qua quá trình nghiên cứu, ông Biến đã trở thành nghệ nhân nổi tiếng khắp vùng. Ông cũng chính là tác giả viết kịch bản phục dựng lại lễ hội Xên bản Xên Mường của người Thái ở Mường Lò; đồng thời là người biên soạn bộ tài liệu giảng dạy chữ Thái cho cán bộ công chức đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái.

Trong đó, một trong những công trình ông dành nhiều tâm huyết và gặt gái nhiều thành công nhất phải kể đến là sưu tầm và phổ biến 6 điệu xoè Thái cổ. Ông Lò Văn Biến tâm sự: “Xoè có 6 điệu gồm: Nhôm khăn (múa tung khăn), Ỏm lọm tốp mư (múa vòng tròn vỗ tay), Khắm khèn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu), phá xí (bổ bốn), đổn hồn (múa tiến, lùi, lộn) và kể cả điệu cuối cùng tất cả mọi người cùng nắm tay vào vòng lớn quanh đống lửa là 6 điệu. Bản thân tôi đã đi khắp các xã, phường ở đất Mường Lò này để truyền dạy cho bà con. Bây giờ mỗi khi có vui văn nghệ, bà con đều sử dụng các điệu xoè bằng tiếng kèn, tiếng trồng rất vui”.

Dân tộc Thái vốn có kho tàng văn hoá phong phú, là một trong số ít dân tộc có chữ viết riêng. Tuy nhiên, những tác phẩm có giá trị nhân văn cao cả, răn dạy con cháu biết sống tốt để thành người có ích hầu hết đều viết bằng chữ Thái cổ ít người đọc được. Vì vậy, ông Biến đã dành cả đời mình để dịch sách. Đến nay, một loạt các bản sách đã được ông dịch thành công như: “Quam tô mương” (Chuyện bản mường); “Táy pú sấc” (Bước đường chinh chiến của cha ông), rồi cuốn sách viết về cuộc khởi nghĩa đánh quân xâm lược phương Bắc của người Thái Mường Lò có tên “Căm Hanh tặp sấc cơ lường”…

Quá trình nghiên cứu, ông cũng từng viết nhiều sách giới thiệu những nét đẹp của văn hoá dân tộc mình như: Tìm hiểu một số tục cúng vía của người Thái đen Mường Lò, Hạn khuống, tết Xíp xí, Xên bản xên mường… cùng nhiều tác phẩm thơ, kịch, bài hát. Những tác phẩm của ông được sử dụng nhiều trong đời sống, trên các phương tiện thông tin đại chúng và được chính quyền các cấp quan tâm khôi phục lại.

Một danh nhân đã nói “Chữ viết là chiếc chìa khóa mở ra cánh cổng tri thức nhân loại”, thấu hiểu điều này, ông Biến tổ chức nhiều lớp truyền dạy chữ Thái cổ cho con cháu. Ông rất vui vì số học viên đăng ký các lớp học của ông ngày càng nhiều, trong đó có cả học sinh, sinh viên, những nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh đến từ nước Pháp, nước Mỹ xa xôi.

Ông Lò Văn Biến cho biết: “Lớp học lúc đầu chỉ gồm 10 người, là Chủ tịch các xã phường của thị xã này. Chị Lò Thị Huân lúc đó là Phó Chủ tịch thị xã, nay là Chủ tịch thị xã là người xung phong học đầu tiên. Thư ký văn phòng, rồi phó phòng văn hoá… cũng đăng ký học. Sau này được Quỹ Ford tài trợ về kinh phí, tôi mở tiếp một lớp với 42 học viên. Kết thúc lớp học này, cả 42 người đều được cấp chứng chỉ. Trong năm vừa qua, tôi cũng mở lớp học tại xã Nghĩa Lợi với 62 học viên. Một mình không kham nổi, tôi đã đào tạo một học sinh cũ ở khoá trước để lên lớp dạy cùng. Điều khiến tôi rất vui là các học viên không chỉ có người Thái, mà gồm cả các dân tộc khác nữa, mọi người đều học rất nhanh”.

Năm nay đã 78 tuổi, cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Biến vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu để truyền bá những giá trị tốt đẹp và độc đáo của văn hoá Thái. Ông không tiếc công lao, sức lực mình đã bỏ ra mà chỉ mong đồng bào ai cũng biết và trân trọng những điều tốt đẹp cha ông để lại; cũng như biết đọc, biết viết, biết khắp, biết xoè - những điệu xoè truyền thống của dân tộc…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực