Người nghệ nhân trọn đời gắn bó với văn hóa truyền thống

Thứ bảy, 22/02/2020 19:46
(ĐCSVN) - Với người dân ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang được biết đến là người có nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái.
leftcenterrightdel
Nhiều người tìm đến nghệ nhân Sầm Văn Bình để nhờ ông chỉ dạy thêm về chữ Thái.
(Ảnh: Nguyệt Hà) 

Vốn là một người con dân tộc Thái, ông Sầm Văn Bình đã sớm cảm nhận được những giá trị kết tinh trong chữ Thái và trong văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải, do điều kiện khó khăn, ông Bình quyết định về quê sinh sống và chăm sóc gia đình. Cũng từ đây, ông bắt đầu tìm học, nghiên cứu về chữ Thái của dân tộc mình. Phải mất hơn 10 năm, ông Sầm Văn Bình mới đọc thông, viết thạo và am hiểu về chữ Thái. Theo ông Sầm Văn Bình, chữ Thái là một kho báu linh thiêng, có tuổi đời trên dưới cả ngàn năm, đầy ắp những tinh hoa văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc Thái. Tuy nhiên, từ năm 2005 trở về trước, chữ Thái hầu như đã bị lãng quên. “Qua nghiên cứu, tôi thấy chữ Thái rất hay, hiểu được nhiều điều để những cái hay cái đẹp phát huy, còn cái lạc hậu thì mình bỏ đi. Mình đi học để biết được chữ của chính dân tộc mình sau bày lại cho con, cho cháu.”, ông Bình chia sẻ.

Khoảng năm 2006, một câu lạc bộ chữ Thái ra đời tại xã vùng cao Châu Cường (Quỳ Hợp). Mọi người mời ông Sầm Văn Bình tham gia, và từ đây ông trở thành “Thầy giáo dạy chữ Thái”. Tính đến nay, ông Sầm Văn Bình đã tham gia mở được hơn 10 lớp tại huyện Quỳ Hợp với hơn 400 người tham gia học tập; trên 200 người trong số này đã đọc thông viết thạo chữ Thái hệ Lai Tay và có thể truyền dạy được cho người khác; trong đó đến 75% là các em học sinh người dân tộc Thái với độ tuổi từ 15 đến 18. Ông cũng đào tạo được 10 giáo viên có thể truyền dạy chữ Thái trong cộng đồng. Hiện nay, ông Bình đang tiếp tục mở 3 lớp học với trên 90 học viên, tuổi ít nhất là 13 và nhiều nhất là 45. Ngoài ra, ông còn mở lớp dạy chữ Thái tại gia đình cho khoảng 10 chị em tham gia học tập vào thứ 7, chủ nhật.

Nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết với văn hóa truyền thống, không chỉ truyền dạy tiếng Thái, Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình còn dày công nghiên cứu, biên soạn bộ sách Hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay, gồm 2 tập. Với cách biên tập khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ, bộ sách Hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay được coi như “cẩm nang” giúp cho người học không chỉ đọc thông, viết thạo, mà còn nhớ rất lâu, có thể truyền dạy lại cho người khác được. Tiếp theo hai cuốn sách được coi như giáo trình này, ông Bình còn hoàn chỉnh 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trong cả nước: “Hệ chữ Lai - xứ Mường Ham”; “Hệ chữ Lai - xứ Thanh Hoá”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Mùn”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Muỗi”; “Hệ chữ Lai Pao”; “Lịch sử hình thành và phát triển Mường Ham”. 

leftcenterrightdel
Ông Sầm Văn Bình truyền dạy chữ Thái cho thế hệ trẻ. (Ảnh: Bích Huệ )

Ngoài ra, ông Sầm Văn Bình còn viết khá nhiều bài báo giới thiệu về chữ Thái và văn hoá Thái trên các báo Trung ương và địa phương. Đặc biệt, ông là người đầu tiên đã nghiên cứu thành công 5 phông chữ Thái để cài đặt vào máy vi tính. Hiện nay, các phông chữ Thái do ông Bình nghiên cứu đã được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái ở Nghệ An và được sử dụng cho chuyên mục “Bảo tồn vốn cổ” của Báo Nghệ An cuối tuần từ nhiều năm nay. Đây cũng là cơ sở để ông nghiên cứu, bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tên “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy, học chữ Thái hệ Lai Tay trên địa bàn Nghệ An”. Đánh giá cao những đóng góp của ông, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đối với ông Sầm Văn Bình.

Nặng lòng với văn hóa truyền thống, hiện nay, ông Sầm Văn Bình không chỉ dạy chữ Thái ở huyện Quỳ Hợp, mà còn được mời đi dạy các lớp học chữ Thái ở các huyện bạn như: Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông... Ngoài ra ông còn được mời tham gia hội thảo về chữ Thái và văn hóa Thái ở trong và ngoài nước. Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Quỳ Hợp Đào Thị Hồng Vân, hơn 30 năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình đã có những việc làm thiết thực góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển chữ Thái nói riêng, giá trị văn hóa dân tộc Thái nói chung. Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đều ghi nhận đóng góp của ông Sầm Văn Bình đó là ông đã lưu giữ hồn cốt chữ viết của đồng bào Thái. Ông Bình thực sự là một cá nhân tiêu biểu với những việc làm nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy, truyền đạt kiến thức để lưu giữ văn hóa Thái đã có sức hấp dẫn, cuốn hút các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, học tập.

Với nhiều đóng góp đáng ghi nhận, Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình đã vinh dự được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An với công trình “Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai Tay”; giải thưởng của “Quỹ Tâm tài Nghệ An”; Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2016. Đặc biệt, ông còn được Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn tham dự chương trình Giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.

Trao đổi với chúng tôi, Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình chia sẻ, niềm vui lớn nhất của ông chính là việc chữ Thái, văn hóa truyền thống đã có vị trí ngày càng quan trọng hơn trong đời sống người dân; cấp ủy, chính quyền và bà con đã thực sự chung tay trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc để chữ Thái và văn hóa truyền thống của dân tộc Thái mãi trường tồn cùng thời gian./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực