Nườm nượp người du xuân chợ Viềng - Phủ Dầy

Thứ bảy, 04/02/2017 09:26
(ĐCSVN) – Đêm 3/2, tức mùng 7 tháng Giêng, hàng vạn người đã đổ về chợ Viềng - Phủ Dầy (xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) du xuân, cầu may. Với nét đặc trưng rất riêng, phiên chợ họp lúc nửa đêm này đã trở thành một trong những điểm đến thú vị, thu hút du khách thập phương.
Khách nườm nượp chơi chợ Viềng - Phủ Dầy

Chợ Viềng - Phủ Dầy họp một phiên duy nhất trong năm từ đêm mùng 7 đến ngày 8 tháng Giêng luôn hấp dẫn khách thập phương bởi nơi đây vừa có phiên chợ độc đáo vừa có quần thể di tích Phủ Dầy thờ Mẫu Liễu Hạnh, một tín ngưỡng vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Rất nhiều nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh nhưng Phủ Dầy nổi tiếng hơn cả vì được ghi nhận là quê hương của Mẫu. Khách về với chợ Viềng - Phủ Dầy vừa được đi chơi chợ vừa đi lễ đầu năm nên phiên chợ độc đáo này còn được gọi là phiên chợ cầu may.

Theo ghi nhận của phóng viên, chợ năm nay dù có mưa phùn nhẹ nhưng khách thập phương đông hơn do diễn ra vào đêm của ngày cuối tuần, nhiều người kết hợp nghỉ luôn cả thứ 7 và chủ nhật để đi du xuân. Ngay từ cuối giờ chiều, lượng người và phương tiện các ngả đường về chợ Viềng - Phủ Dầy đã đông nghịt. Tại ngã tư thị trấn Gôi, cách phủ Dầy chừng 5 cây số rất nhiều phương tiện phải đỗ lại để đi bộ vào. Dọc tuyến đường 56, các phương tiện giao thông nối hàng dài cả cây số. Cảnh sát giao thông, công an làm việc khá vất vả.

Đến 9 giờ đêm, chợ đã đông nghịt người. Con đường từ đền Công Đồng và UBND xã Kim Thái về Phủ Tiên Hương nườm nượm người chơi chợ và đi lễ phủ. Người người chen vai nhưng an ninh trật tự khá tốt, không có ẩu đả, tranh cãi. Nhiều người đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Thái Bình cho biết, họ đến chợ từ lúc chiều sớm để đặt nhà trọ qua đêm, ăn uống chờ đi chơi chợ đêm.

Hàng hóa đem đến chợ năm nay không có gì mới, vẫn là những sản phẩm truyền thống như chân đèn đồng cũ, chân nến cũ, cái thúng, giỏ ấm, cái cuốc, cây khế, cây cảnh… Người mua, kẻ bán đều rất vui vẻ, hào sảng.

Hàng hóa có tính truyền thống tại chợ Viềng - Phủ Dầy

Người đi chợ ai cũng chọn cho mình một món đồ gì đó mang về lấy may và làm kỷ niệm. Người thành phố  thường chọn những “đặc sản” như mấy món đồ đồng cũ, cây cảnh mi ni. Người quê thì cái thúng, cái giỏ ấm, cây khế… nhưng hầu như không ai quên mua cân thịt bê thui thơm ngọt về chung vui cùng cả nhà.

Dọc đường từ ngã ba thị trấn Gôi lên chợ và các ngả đường chính, hàng thịt bê thui luôn đông khách chọn mua. Bê, bò chợ Viềng do người dân địa phương nuôi thui bằng rơm vàng rượm, tươi rói. Khách mua chỗ nào, xẻo bán chỗ đó.

Đêm khuya, cảnh mua bán dưới ánh điện cùng những khúc hát chầu văn nơi đền phủ vọng khắp không gian huyền ảo như đưa con người thoát khỏi cái sân si, ồn ào của đời thường. Người ta gọi chợ Viềng - Phủ Dầy lúc này là phiên “chợ âm phủ”.

Phủ Dầy là nơi nổi tiếng về hát chầu văn, một trong những nghi thức thực hành thờ Mẫu vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bao quanh khu vực chợ là gần 20 di tích thuộc quần thể Phủ Dầy. Do đó chợ Viềng nơi đây rất độc đáo, mang đậm sắc thái văn hóa và tín ngưỡng dân gian.

Ngay tại dãy núi Tiên Hương gần chợ cũng có ngôi đền Thượng và các quán nước dưới tán thông lấp lánh ánh điện. Chiều tối, đông đảo các bạn trẻ đã theo những bậc thang lên núi nghỉ chân, phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh khu vực chợ Viềng - Phủ Dầy.

Sau hành trình cả đêm chơi chợ, các quán ăn là địa chỉ dừng chân thưởng thức món thịt bò, thịt bê thui, xôi nếp. Mặc dù giá các dịch vụ ăn uống có cao hơn ngày thường nhưng không đến mức “chặt chém”. Giá gửi xe máy đêm là 20.000 đồng, đồ uống từ 10.000 đồng - 20.000 đồng.

Quá nửa đêm, nhiều người bắt đầu rục rịch ra về. Lượng phương tiện đông nên việc di chuyển rất khó khăn, nhiều đoạn bị tắc đường cục bộ. Do số lượng nhà nghỉ rất hạn chế và đã được các đoàn khách phương xa đặt phòng trước với giá khá cao nên những người ở lại, đa số sẽ ngủ trọ tại nhà dân với giá phổ biến 100.000 đồng/người.

Dù nghỉ lại hay ra về thì hầu như người nào cũng có món đồ mang theo. Tuy có chút mệt mỏi nhưng đều hứng khởi và hy vọng mang về chút may mắn cho năm mới./

Bài, ảnh: Bùi An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực