Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa còn hình thức, chạy theo số lượng

Thứ ba, 12/09/2017 12:57
(ĐCSVN) – Sáng 12/9, tại TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tổ chức Hội nghị giao ban cụm các tỉnh, thành Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Toàn cảnh Hội nghị 

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện UBND và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” 11 tỉnh, thành khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động lớn mang tính toàn dân, toàn diện, với mục đích nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, môi trường tự nhiên và xã hội, theo những tiêu chí hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Sau hơn 15 năm triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự đi vào cuộc sống, lan tỏa vào từng lĩnh vực trong xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Thông qua các nội dung hoạt động của phong trào, người dân và các tổ chức đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, động viên, thể hiện lòng biết ơn đối với người có công với đất nước. Phong trào đã góp phần gắn kết người dân nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Những nội dung phong trào đã được triển khai sâu rộng, được các cấp, các ngành vận dụng sáng tạo, người dân tự giác thực hiện nghiêm túc.

Đặc biệt, từ phong trào, nhiều điển hình tiên tiến đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành vinh danh vì đã có những đóng góp thiết thực đối với xã hội, đã làm sâu sắc thêm những giá trị và bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, đời sống văn hóa phong phú.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của phong trào; chưa sâu sát trong việc chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện dẫn đến phong trào phát triển chưa đồng đều, nhiều nội dung phong trào mới chỉ dừng lại ở việc ban hành các văn bản, chưa tích cực vận động để người dân nắm vững các tiêu chí thực hiện, xây dựng môi trường văn hóa chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt, các tiêu cực, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng và phát triển phức tạp.

Vẫn còn hiện tượng chưa xác định được chủ thể "toàn dân" của phong trào, còn có ban, ngành, đoàn thể coi phong trào là trách nhiệm của ngành văn hóa, công tác phối hợp trong triển khai thực hiện phong trào thiếu chặt chẽ, chưa rõ nhiệm vụ được phân công nên chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp chưa cao, chưa toàn diện.

Việc bình xét các văn hóa còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và quy trình bình xét dẫn đến tỷ lệ gia đình văn hóa cao trong khi môi trường văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động của phong trào các cấp chưa được phân bổ đồng đều, chưa đáp ứng nhiệm vụ và nội dung mà phong trào đề ra…

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận, phân tích làm rõ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phong trào, nhất là những bất cập trong một số văn bản quản lý của nhà nước; công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên; vấn đề bố trí, sử dụng kinh phí, nhân sự, chế độ phụ cấp cho người làm phong trào…

Các đại biểu cũng đánh giá, phân tích nguyên nhân chính dẫn đến việc bình xét các danh hiệu văn hóa, trong đó tập trung đánh giá việc bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa hiện nay còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng.

Các ý kiến cũng trao đổi, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể của phong trào trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực