Phú Yên: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng

Thứ tư, 23/08/2017 12:35
(ĐCSVN) – Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng là một trong những nhiệm vụ được các cấp ủy tỉnh Phú Yên quan tâm chỉ đạo trong những năm qua. Thông qua công tác này, lực lượng báo cáo viên trở thành “cầu nối” quan trọng giữa Đảng với nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đây là khẳng định của đồng chí Phạm Thanh Chung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên tại buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trong tình hình hiện nay”, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Đà Nẵng ngày 17/8 vừa qua.

Theo đồng chí Phạm Thanh Chung, ngay sau khi tiếp thu Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và Hướng dẫn số 28-HD/BTGTW, ngày 28/01/2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU chỉ đạo các cấp ủy, hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện Chỉ thị trên. Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã xây dựng Hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị trong nội bộ Đảng và cả hệ thống chính trị tại địa phương.

Điểm nhấn trong Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên là ngoài việc tổ chức các lớp học tập, quán triệt nội dung, tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 17-CT/TW và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan, cấp ủy các địa phương, đơn vị phải quan tâm xây dựng và thường xuyên củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng, nhất là hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên với nhiều đối tượng tham gia, phù hợp với đặc điểm và hoạt động của từng cấp ủy, địa phương, đơn vị.

Cấp ủy các cấp cũng phải quan tâm, tạo điều kiện để báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động, nhất là trong việc vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin và phương tiện, tài liệu để giúp đội ngũ này hoạt động có hiệu quả.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Phú Yên trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư
tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư, tại Phú Yên, công tác tuyên truyền miệng đã giữ vai trò quan trọng trong định hướng thông tin và nắm bắt dư luận xã hội. Qua đó góp phần giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả; kịp thời nắm bắt xử lý nhiều vụ việc nổi cộm, tránh và hạn chế tối đa, không để xảy ra các vụ việc, điểm “nóng”, gây ảnh hưởng đến tình hình đời sống, sản xuất và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

“Công tác tuyên truyền miệng đã được chú trọng hướng mạnh về cơ sở, nhất là những địa bàn trọng điểm của tỉnh như: tại các khu công nghiệp, khu vực phải di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng… Thông qua công tác này, đã góp phần định hướng dư luận và hướng dẫn nhân dân đồng thuận, thực hiện đầy đủ mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó đã phục vụ đắc lực cho việc thu hút, đầu tư các dự án lớn của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn”- đồng chí Phạm Thanh Chung cho biết.

Trên thực tế chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên tuyền miệng ở địa phương, xác định ý nghĩa và vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng đối với vấn đề vận động quần chúng, ngay từ khi mới bắt tay và triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã hết sức chú trọng việc chỉ đạo xây dựng và thường xuyên củng cố đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng, nhất là lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 845 báo cáo viên; trong đó báo cáo viên cấp Trung ương có 5 người, báo cáo viên cấp tỉnh có 35 người, báo cáo viên cấp huyện và tương đương 181 người và 624 người là báo cáo viên cấp cơ sở.

Cùng với hệ thống báo cáo viên, trên địa bàn tỉnh hiện có 592 tuyên truyền viên cơ sở, trong đó có 112 tuyên truyền viên chuyên sâu, nòng cốt thường xuyên có mặt kịp thời tại các địa bàn có nảy sinh vấn đề để tuyên truyền, nắm bắt tình hình và kịp thời tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp xử lý, giải quyết các vấn đề mới xảy ra, đặc biệt là các vấn đề tiềm ẩn những mâu thuẫn xã hội lớn, dễ gây thành điểm “nóng” trong xã hội.

Nói về chất lượng hoạt động của đội ngũ này, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Thanh Chung chia sẻ thêm: Ngoài báo cáo viên, lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở đã luôn có mặt kịp thời và phát huy tốt vai trò là “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân, linh động thực hiện các hình thức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi hội, họp của thôn, buôn, khu phố, lễ hội,… hoặc tuyên truyền nhỏ lẻ cho từng nhóm người, từng đối tượng cá nhân; đưa các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Trực tiếp giải đáp những thắc mắc phát sinh từ cuộc sống; vận động, thuyết phục và chia sẻ những khó khăn của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Tuy nhiên, lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng tại Phú Yên cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề cung cấp thông tin kịp thời, chính thống; các phương tiện, trang thiết bị, tài liệu hỗ trợ để báo cáo viên, tuyên truyền viên làm nhiệm vụ, đặc biệt là ở cơ sở.

Trước tình hình trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, nói chuyện chuyên đề về các vấn đề thời sự trong và quốc tế; tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh; các vụ việc nóng, nhạy cảm…. được dư luận xã hội quan tâm. Tại nhiều hội nghị, buổi nói chuyện chuyên đề này, tỉnh đã mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý từ Trung ương có trình độ chuyên sâu, kinh nghiệm về các lĩnh vực liên quan để về báo cáo, nói chuyện. Ngoài các Hội nghị trên, hàng tháng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn tổ chức các hội nghị báo cáo viên, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… Thông qua các  động này, Phú Yên vừa cung cấp, chuyển tải được khối lượng thông tin, kiến thức cần thiết đến báo cáo viên, tuyên truyền viên; đồng thời cũng góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng của tỉnh.

Hàng tháng, các báo cáo viên, tuyên truyền viên chuyên sâu, nòng cốt được cấp 01 bản tin Thông báo nội bộ, 01 bản tin Phổ thông, khoảng 17 trang thông tin tham khảo về tình hình thời sự trong tỉnh, trong nước và quốc tế do Trung tâm Thông tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp và biên soạn. Các tuyên truyền viên chuyên sâu, nòng cốt được cung cấp Báo Phú Yên hàng ngày. Nhiều địa phương, đơn vị còn quan tâm trích ngân sách để mua sách và báo chí để cung cấp cho lực lượng báo cáo viên tham khảo, nghiên cứu.

Song song đó, đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Phú Yên cũng đã xây dựng hoặc cử hội viên tham gia các câu lạc bộ thời sự. Trong đó, với câu lạc bộ thời sự cấp tỉnh hiện có 410 đồng chí, được duy trì hoạt động đều đặn định kỳ 1 tháng/lần. Còn với các câu lạc bộ thời sự cấp huyện và cấp xã (tại 9/9 huyện, thành phố và 112/112 xã, phường, thị trấn), hiện đều hoạt động khá nền nếp, định kỳ 1 quý/lần với số lượng hội viên tham gia sinh hoạt từ vài chục đến hàng trăm người/buổi/đơn vị.

“Với số lượng khá đông và nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương nên lực lượng làm công tác tuyên tuyền miệng tại Phú Yên đang thực sự là “điểm sáng” của địa phương này. Đây là lực lượng nòng cốt và trực tiếp thường xuyên tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, chuyển tải mọi chủ trương, đường lối để nhân dân đồng thuận với Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng Phú Yên ngày càng phát triển, năng động”- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Thanh Chung cho biết./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực