Phục hồi thị trường biểu diễn sau dịch, cần lắm những “bà đỡ”!

Thứ bảy, 06/06/2020 08:55
(ĐCSVN) - 12 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang xếp hàng, rầm rộ “ra quân” khiến cho thị trường biểu diễn bắt đầu sôi động trở lại. Tuy nhiên, để các nhà hát được “sáng đèn” liên tục, thực sự “hồi sinh”, có nội lực để phát triển dài hơi, cần lắm những “bà đỡ”!
Được sự ủng hộ của Bộ VHTTDL, các nhà hát lần lượt ra quân với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ khán giả 

Sự ra quân đầy ấn tượng

12 đứa “con đẻ” trực thuộc Bộ VHTTDL đang lần lượt ra quân với các chương trình đầy ấn tượng. Các sân khấu lớn như: Nhà hát Lớn, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kim Mã, Nhà hát Hồng Hà, Nhà hát Múa rối Trung ương, Không gian Văn hóa Việt 16 Lê Thái Tổ... liên tục sáng đèn. Các nghệ sĩ đã thực sự được sống với niềm đam mê của mình sau một thời gian dài nghỉ dịch.

Những “át chủ bài” gắn liền với tên tuổi của các nhà hát cũng đã và sẽ được tung ra như: "Bệnh sĩ" - Nhà hát Kịch Việt Nam, "Mặt trời phương Đông" - Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, "Vân dại" - Nhà hát Chèo Việt Nam, "Thân phận nàng Kiều" - Nhà hát Múa rối Việt Nam, "Chuyện tình Khau Vai" - Nhà hát Cải lương Việt Nam, "Hồ Thiên Nga" - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam… Tuy nhiên sự “ra quân” của các đơn vị tiên phong này hầu như đều phụ thuộc vào sự đỡ đầu của Bộ VHTTDL.

“Vạn sự khởi đầu nan”, nhằm giúp các Nhà hát giảm bớt khó khăn, tạo những thuận lợi trong những ngày đầu trở lại sân khấu sau thời gian dài nghỉ dịch, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ các nhà hát kinh phí và kêu gọi các cán bộ, công nhân viên các bộ, ban, ngành, cơ quan đoàn thể Nhà nước mà trước tiên là các cán bộ, công nhân viên chức trực thuộc Bộ mua vé ủng hộ, hỗ trợ các nhà hát “hồi sinh” sau thời gian dài “ngủ vì dịch”.

Với những việc làm thiết thực này, ngay buổi “ra quân” đầu tiên của “Anh Cả đỏ” Nhà hát Kịch Việt Nam với vở “Bệnh sĩ” đã thu hút được rất đông khán giả. Sân khấu Nhà hát Lớn chật kín không còn trống một chỗ nào, cho thấy những tín hiệu tích cực cho sự trở lại đầy ấn tượng này. Tiếp theo Nhà hát Kịch Việt Nam là Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nhạc Vũ kịch… cũng rầm rộ ra mắt với những tác phẩm để đời nhằm hút khán giả. Tuy nhiên, những buổi biểu diễn rất đông khán giả ấy theo các nhà hát vẫn chủ yếu là vé mời và vé mua ủng hộ của các bộ, ngành. Ngân sách của Bộ cũng chỉ có hạn, chính vì vậy, để các nhà hát thực sự “đi bằng đôi chân” của mình sau dịch, ngoài sự nỗ lực thay đổi, làm mới mình của các nhà hát, rất cần có sự chung tay, giúp sức của các Bộ, Ban, ngành, các mạnh thường quân và khán giả - những “bà đỡ” quyết định sự trở lại của mỗi nhà hát.

 Nhưng để các nhà hát thường xuyên "sáng đèn" phục vụ khán giả ngoài sự nỗ lực của các nhà hát cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các mạnh thường quân và các cơ quan, ban, ngành...
Cần lắm những ""bà đỡ""! 

Không được hưởng “bầu sữa mẹ” như các đơn vị nghệ thuật Nhà nước, các nhà hát của các "ông bầu", "bà bầu" phía Nam, trong những ngày đầu ra quân, trở lại với thị trường biểu diễn có vẻ khó khăn hơn.

Để kéo khán giả tới rạp hậu COVID-19, ngoài việc tung các “át chủ bài”, làm mới mình, các nhà hát còn áp dụng một loạt những ưu đãi mang tính chất kích cầu, như giảm giá vé, mua vé tặng kèm các ưu đãi… Thế nhưng theo thông tin từ các nhà hát, khán giả đến rạp cũng rất khiêm tốn, vì thế, sự ra quân của một số nhà hát vẫn có vẻ cầm chừng, mang tính chất thăm dò là chính.

Theo NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc nhà hát 5B, sau thời gian dài nghỉ dịch, những buổi đầu “ra quân”, việc bán vé của nhà hát gặp khá nhiều khó khăn. Với sân khấu 200 chỗ, nếu bán được khoảng một nửa mới đủ thu - chi. Nhưng thực tế những ngày đầu khởi động chỉ bán được khoảng 50 vé. Mà biểu diễn trong thời gian này, các Nhà hát vẫn phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo phòng dịch nên hầu như biểu diễn phục vụ khán giả để đỡ nhớ, đỡ quên nghề chứ hầu như chẳng có công xá gì. Vì vậy, tuy cũng bắt đầu hoạt động trở lại nhưng Nhà hát cũng còn phải nghe ngóng, tùy cơ ứng biến.

Cùng lúc quản lý nhiều nhà hát, và vẫn được tiếng là "bà bầu" mát tay nhưng NSND Hồng Vân vẫn còn rất lo lắng. Chị cho biết, hiện tại chị vẫn chưa sẵn sàng khởi động. Qua một mùa dịch căng thẳng, bao nhiêu người mất việc phải chạy đi kiếm việc làm. Bao nhiêu người phải chạy kiếm tiền lo miếng ăn, lo cho con cái học hành… Vì vậy, chị vẫn còn băn khoăn lắm và cứ phải chờ tình hình thế nào rồi mới cho các sân khẩu mở cửa trở lại.

Rõ ràng để “sáng đèn” trở lại, nếu không có những “bà đỡ”, các nhà hát và các đơn vị nghệ thuật sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để làm “tan băng” thị trường biểu diễn, kéo khán giả tiếp tục tới rạp hậu COVID-19 đòi hỏi phải có những “bà đỡ” có thực lực đồng hành cùng các nhà hát và các đơn vị nghệ thuật. Bên cạnh những “bà đỡ” là các đơn vị chức năng, với nguồn ngân sách của Nhà nước thì còn cần lắm những mạnh thường quân đồng hành cùng các Nhà hát trong lúc này!

Bài, ảnh: K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực