Sen vẫn nở trên đồng Lam Hạ

Thứ sáu, 24/06/2016 17:12
(ĐCSVN) - Lam Hạ giờ đây không còn những cánh đồng như 40 năm trước. Lam Hạ cũng không còn những cánh đồng bạt ngàn hoa sen. Lam Hạ bốn mươi năm sau đã là khu đô thị với những khu nhà cao tầng bề thế lặng lẽ soi bóng xuống dòng Châu Giang trầm mặc.

Chúng tôi về Lam Hạ để tìm lại những dấu vết oanh liệt xưa còn lưu lại về mười cô gái quê hương Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam.

Chớm hạ, sen đang chập chững vào mùa. Lơ thơ đôi búp sen phất phơ trong gió. Dòng Châu Giang xanh đến ngơ ngác, ngoài đê.

“Năm nay khô hạn quá, Châu Giang giờ đây không còn nước về như mọi năm”.  

"Chưa có mưa, sen ngoài hồ chưa thấy bung lá mới. Ngày xưa, cả khu Lam Hạ, mùa này là một hồ sen tự nhiên khổng lồ. Tháng tư, hương sen ngan ngát tỏa khắp vùng quê rộng lớn”.

Người lính già đã về hưu năm xưa Vũ Tranh Đấu, người Thủ từ trông coi khu di tích Đền liệt sĩ Lam Hạ bất giác thở dài.


Miếu thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ.

- Các đồng chí về hơi muộn, tỉnh và địa phương vừa tổ chức lễ hội cầu siêu cho hơn một nghìn sáu trăm các anh hùng  liệt sĩ quê hương Hà Nam nói chung và mười nữ anh hùng liệt sĩ Lam Hạ nói riêng.

Nhìn đồng hồ, đã gần mười hai giờ trưa, tôi hỏi người lính già Vũ Tranh Đấu.

- Hẳn là bác vừa đi xa về?. Tôi liếc nhìn cái mũ bảo hiểm xe máy vẫn còn trên đầu người lính già.

- Tôi qua bên Sở LĐ-TB&XH xin ý kiến về một số hạng mục công trình đang thi công dang dở. Tỉnh đang gấp rút hoàn thành nốt những hạng mục cuối để kịp trình các cấp có thẩm quyền xét, công nhận khu di tích  10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ, cùng khu tưởng niệm hơn một ngàn sáu trăm liệt sĩ của địa phương Hà Nam. Tỉnh đang có ý định xin Trung ương phê duyệt, nâng cấp nơi đây thành khu di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Người Thủ từ lặng lẽ thắp bó nhang chia cho tôi và người bạn đồng nghiệp:

-  Các chú vào thắp nhang cho các liệt sĩ đi. Chút nữa ta sang bên thắp nhang cho mười nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ.

Miếu thờ mười nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ hy sinh trong các trận chiến ác liệt với máy bay Mỹ để giữ con đường huyết mạch từ Hà Nội vào phía Nam thật là khiêm tốn. Một ngôi miếu nhỏ được dựng lại trên chính trận địa pháo cao xạ 37 li năm nào. Ngay chính nơi đây, trận chiến ác liệt với máy bay Mĩ ngày 1/10/1966, sáu nữ chiến sĩ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hi sinh. Họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong số sáu nữ liệt sỹ hy sinh trong trận này có hai chị em ruột, liệt sĩ Nguyễn Thị Thu (SN 1948) và liệt sĩ Nguyễn Thị Thi (SN 1950). Cả hai người đều chưa xây dựng gia đình. Riêng liệt sĩ Nguyễn Thị Thi hi hy sinh khi vừa tròn 16 tuổi. Lúc hy sinh, chị vừa cởi khăn quàng đỏ, vừa “xuất đội” chưa đầy tháng.

Theo những người còn may mắn sống sót trong trận ném bom hủy diệt năm nào thì buổi sáng hôm ấy khá đẹp trời. Mùa thu ngấp nghé bên  những khóm cúc vàng. Sen vẫn  bát ngát nở rực trên cánh đồng Lam Hạ. Trời cao và xanh trong lồng lộng.

Trời đẹp, báo hiệu cho các chiến sĩ phòng không và mọi người dân cảnh giác cao độ với bầy “quạ sắt” Mĩ. Hơn sáu giờ sáng ngày 1/10/1966, những giọt sương mai chưa kịp trĩu đầu ngọn cỏ thì tiếng còi báo động đã hú lên. Từng tốp, từng tốp Thần Sấm, Con Ma xuất hiện đen đặc bầu trời Phủ Lý. Những trận mưa bom trút xuống trận địa cao xạ hai bên bờ Châu Giang. Bốn trận địa pháo phòng không trên địa bàn thôn Đình Tràng cùng với những trận địa phòng không khác bên kia cầu Phủ Lý tạo thế liên hoàn, mãnh liệt bắn trả máy bay Mỹ, bảo vệ đường sắt và tuyến đường bộ, huyết mạch giao thông chính từ Hà Nội vào trong tuyến lửa miền Trung. Hơn nửa giờ quyết liệt trên mâm pháo bắn trả bầy quạ sắt. Bầu trời tạm yên trở lại, các chiến sĩ khẩu đội 2 đơn vị cao xạ 37 ly chưa kịp uống miếng nước, bầy quạ sắt vòng trở lại. Không phá được mục tiêu là đường sắt và cầu Phủ Lý, lần này, hàng đàn Thần Sấm, Con Ma cụm lại trút bom và bắn rốc két dồn dập hòng hủy diệt trận địa phòng không Lam Hạ. Trận đánh ngày càng quyết liệt. Hai Thần Sấm dính đạn bốc cháy ngùn ngụt, đâm đầu xuống cánh đồng ven Châu Giang. Số còn lại trút bom bừa bãi xuống thị xã Phủ Lý rồi hốt hoảng kéo nhau về phía biển. Tiếng bom tạm ngưng, đồng đội lao về hướng khẩu đội 2, trước mắt họ chỉ là một hố bom sâu hoẳm. Đất bỏng rẫy và khói bom khét lẹt.

 

Vỏ quả bom Mỹ sót lại trên đồng Lam Hạ.

- Tâm ơi, Thu ơi, Thi ơi, Tuyết ơi… các bạn đâu hết rồi. Hàng chục con người, cùng nháo nhào cất giọng khản đặc.

 

Không có ai trả lời, chỉ có gió Châu Giang ào ào gào thét trên ngọn bạch đàn.

Đâu đó ai nức nở: Thi ơi, em đừng đi. Em có nhận ra chị không?.

Cô em út của khẩu đội 2 Nguyễn Thị Thi nằm cách hố bom chừng hơn mười thước với hai cẳng chân bị bom phạt đứt lìa. Người lỗ chỗ mảnh bom.

- Các chị, có ai làm sao không?. Thi hỏi rồi ngất lịm...

Sáu nữ liệt sĩ Lam Hạ hy sinh trong trận đầu tiên này là Đinh Thị Tâm; Trần Thị Tuyết; Nguyễn Thị Thu; Nguyễn Thị Thi; Phạm Thị Lan và Vũ Thị Phương. Họ đều là những thanh nữ tuổi đời từ mười sáu đến hai mươi. Ngoài sáu nữ dân quân Lam Hạ trên, trận này còn có Nguyễn Đức Trọng, chính trị viên huyện đội; Bí thư đảng ủy kiêm Chính trị viên đại đội Đặng Bảng Nhãn và hai chiến sỹ khác là Đỗ Đức Dục và Phạm Ngọc Giao cũng anh dũng hy sinh.

 ... Có một lần, ngày còn đang theo học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi được nghe Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nói về Hà Nam quê hương ông. Thật ra, nghe ông nói về lịch sử dòng sông Châu Giang thì đúng hơn. Theo Giáo sư, Châu Giang xưa là một con sông lớn và cũng là  tuyến đường thủy nội địa quan trọng bậc nhất thời bấy giờ. Từ hoàng thành Thăng Long tứ trấn, những đoàn thủy binh nhà Đinh, nhà Trần men sông Tô Lịch, xuôi dòng Châu Giang, theo sông Cái ra bể, qua cửa Tuần Vường. Châu Giang xưa là con sông tính khí thất thường, hiền hòa vào mùa cạn, nhưng lại hung dữ vào mùa nước. Mùa lũ lụt cả vùng đồng chiêm trũng Hà Nam biến thành biển nước mênh mông. Nước sông Cái (sông Hồng) theo Châu Giang đổ vào vùng đồng bằng Bắc bộ kéo theo nạn lụt lội xảy ra liên miên. Dân chúng nghèo đói, khổ cực vì lũ lụt. Trải qua hàng trăm năm với hàng chục triều đại phong kiến Việt Nam kế tiếp nhau, các quan lại phong kiến và người dân lao động cùng nhau hợp sức trị thủy sông Hồng. Những con đê ngăn dòng nước lũ được dựng lên sừng sững chạy theo các tuyến sông. Dòng nước lũ hung dữ từ sông Hồng đổ vào Châu Giang hàng năm bị con đê ngăn lũ chặn lại. Dòng nước hung dữ như đàn ngựa bất kham, không tàn phá được làng mạc, ruộng đồng đã thay nhau tàn phá lòng sông. Châu Giang thanh bình, yên ả là thế, trải qua nhiều thế kỷ bị lũ tàn phá đã tạo nên hàng chục các vụng nước xoáy khổng lồ xanh thẳm, sâu hun hút.

Vụng nước sâu hoẳm ngay chân cầu Phủ Lý, trên địa bàn Lam Hạ xưa, theo Giáo sư Trần Quốc Vượng là kết quả bắt nguồn từ những cơn lũ hàng năm tàn phá lòng sông qua nhiều thế kỷ. Đây chính là “nút thắt cổ chai”, là con đường huyết mạch, độc đạo duy nhất nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng và toàn bộ chiến trường miền Nam.

Con đường quốc lộ I và tuyến đường sắt nối từ thủ đô Hà Nội chạy song song với nhau qua nhiều tỉnh thành xuyên suốt chiều dài đất nước là con đường chiến lược quan trọng bậc nhất trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chống Pháp và chống Mĩ trong thế kỷ XX.  Từ Thủ đô Hà Nội chạy về, khi đến địa phận xã Lam Hạ (trên bờ vụng Phủ Lý) tuyến đường sắt và đường bộ được chia thành hai nhánh. Đường sắt theo nhánh rẽ trái xuôi theo quốc lộ 21về hướng Nam Định; Tuyến đường bộ rẽ phải men theo sông Đáy về hướng Ninh Bình. Ngã ba sông: sông Đáy, sông Châu Giang và sông Tô Lịch gặp nhau trên địa bàn Lam Hạ xưa đã tạo nên nút thắt giao thông chiến lược, án ngữ con đường Thiên lý Bắc-Nam.

…Không khuất phục được ý chí sắt đá của những chiến sỹ phòng không bảo vệ cầu Phủ Lý bằng bom đạn, giặc Mỹ càng lồng lộn, điên cuồng hơn. Chưa đầy một tuần sau, ngày 9/10/1966, bảy phi đội với 60 máy bay cả cường kích và tiêm kích từ hạm đội 7 ào ạt bay vào quần thảo trên bầu trời Phủ Lý. Mục tiêu chính của bầy quạ sắt là những trận địa pháo phòng không đang canh giữ, bảo vệ Quốc lộ I, con đường huyết mạch và con đường sắt trên địa bàn Lam Hạ. Trận địa pháo cao xạ 100 ly và các đơn vị phòng không khác trên địa bàn Lam Hạ đã quật cường chống trả, ngăn không cho chúng tiếp cận phá hủy tuyến giao thông quan trọng này. Sau gần hai giờ đồng hồ chiến đấu dũng cảm, khẩu đội pháo cao xạ 100 ly đã bất ngờ bị loạt rốc-két đánh trúng. Trong số các chiến sỹ hy sinh của khẩu đội 2 pháo 100 milimet, ba nữ chiến sỹ Lam Hạ anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo là: Nguyễn Thị Thuận; Trần Thị Thẹp và Nguyễn Thị Oánh. Chỉ trong vòng một tuần lễ, không quân Mỹ dồn sức với hàng trăm lượt máy bay và hàng trăm tấn bom đạn trút xuốn trận địa phòng không trên địa bàn Lam Hạ, hòng cắt đứt con đường giao thông quan trọng từ Thủ đô Hà Nội cho miền Nam. Âm mưu của chúng đã thất bại hoàn toàn. Gần hai mươi liệt sĩ, trong đó có 9 nữ liệt sỹ quê hương Lam Hạ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh oanh liệt trên mâm pháo. Họ quên thân mình cho mạch máu giao thông thông suốt.

Câu chuyện về nữ liệt sỹ Đặng Thị Chung, người con gái Lam Hạ, kiên cường trên mâm pháo 57 ly, trong trận chiến đấu đánh trả máy bay Mĩ gần một năm sau đó, như một huyền thoại. Khoảng 12 giờ trưa, ngày 7/7/1967, sau nửa ngày quần thảo với lũ quạ sắt, trời Phủ Lý lúc nào cũng vần vũ khói bụi. Nữ dân quân Đặng Thị Chung được lệnh thay thế vị trí một pháo thủ, chiến đấu. Hàng loạt máy bay Mỹ thay nhau bổ nhào xuống trận địa pháo 57, cắt bom, bắn rốc két. Giữa khói lửa, bom đạn tơi bời, đồng đội  Đặng Thị Chung, những người chứng kiến ngọn lửa bùng lên giữa khẩu 57 ly, mặt đất rung lắc như con đò giữa sóng to, biển lớn. Nòng pháo 57 ly, nơi khẩu đội Đặng Thị Chung chiến đấu vẫn quay tròn theo hướng máy bay thù. Bà Vũ Hồng Nhu, người chứng kiến cảnh tượng thi thể liệt sĩ Đặng Thị Chung vẫn ngồi ngay ngắn trên mâm pháo nhưng đầu không còn nữa. Cho đến khi đám máy bay Mỹ cút hẳn, mọi người mới đỡ thi thể còn nóng hổi của Liệt sĩ Đặng Thị Chung, đưa chị cùng những đồng đội khác về với đất mẹ Lam Hạ anh hùng. 

Cũng không thể không nhắc đến liệt sĩ Nguyễn Văn Chắc (chồng liệt sĩ Nguyễn Thị Oánh. Liệt sĩ Oánh hy sinh trong trận đánh 9/10/1966) cùng khẩu đội pháo 57 ly với liệt sĩ Đặng Thị Chung, cũng đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này. Họ đã hy sinh hạnh phúc nhỏ, nồng ấm của riêng mình cho hạnh phúc lớn lao hơn: hạnh phúc của Dân tộc.

…Mười cô gái, mười đóa sen hồng của quê hương Lam Hạ giờ đã mãi mãi đi xa vào cõi vĩnh hằng. Họ đã trở thành biểu tượng của quê hương Lam Hạ anh hùng. Câu chuyện cảm động về tấm gương chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng của mười cô gái Lam Hạ giờ đã trở thành huyền thoại.

Mùa này trên đất Lam Hạ mới đang chớm hạ. Những đóa sen nở sớm vẫn còn e ấp, chưa kịp bung nụ, đón gió sớm Châu Giang.

Sinh thời Giáo sư Trần Quốc Vượng vẫn trăn trở về vùng đất nghèo khó quê ông:

 “Giá một ngày nào đó, dòng Châu Giang, dòng sông già cỗi, bỗng dưng trẻ, đẹp lại như son trẻ, ông cùng bạn bè cũng sẽ cưỡi thuyền từ Thăng Long Tứ trấn, men Tô Lịch, xuôi dòng Châu Giang, theo sông Cái ra biển Đông qua cửa Thần Phù.”./.                                           

Vỏ quả bom Mỹ sót lại trên đồng Lam Hạ.
Phạm Nam Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực