Sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Chủ nhật, 08/09/2019 17:39
(ĐCSVN) –Việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn đã và đang được cộng đồng nhân dân, chính quyền Quảng Nam hết sức coi trọng. Đặc biệt sự ủng hộ giúp đỡ về nhiều mặt của quốc tế có tác dụng thiết thực trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản...

Đó là nội dung nhiều ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Hội thảo quốc tế về “Vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn" do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức tại TP Hội An sáng 8/9.

Khi cộng đồng tham gia tự nguyện và tích cực

Tại Hội thảo, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, di sản văn hóa của mỗi dân tộc ngưng đọng những chân giá trị của quá trình sáng tạo văn hóa, là biểu hiện khách quan của truyền thống lịch sử và đặc thù dân tộc. Chính vì vậy, các di sản văn hóa không chỉ là những tài sản vô giá của mỗi quốc gia dân tộc mà còn là những tài sản chung của nhân loại.

Ông Lê Văn Thanh khẳng định: Do những đặc thù về địa lý nhân văn và địa lý chính trị, từ lâu nay, ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm thực hiện  và đông đảo tầng lớp cộng đồng nhân dân tự nguyện tham gia một cách tích cực bằng nhiều hình thức sáng tạo phong phú.

 

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo


Theo ông Thanh, nhiều năm nay, mặc dù  còn khó khăn về kinh tế - xã hội,  nhưng việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn đã và đang được cộng đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam hết sức coi trọng. Chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn nhận thức rằng, sự ủng hộ giúp đỡ về kinh nghiệm quản lý, đào tạo cán bộ,  thiết bị, vật tư và tài chính của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua đã có những tác dụng thiết thực trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; đồng thời tạo thêm những điều kiện để Quảng Nam tiến hành các hoạt động có hiệu quả vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy những di sản chung của nhân loại.

Quảng Nam cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về các mặt chính sách, tổ chức và kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy các di sản;  huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân.

Ông Thanh khẳng định: Tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực thực hiện những trách nhiệm về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm. “Bên cạnh sự ủng hộ của UNESCO và các tổ chức Quốc tế, sự nghiệp bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa ở Quảng Nam còn được sự giúp đỡ ủng hộ của các tổ chức chính phủ và phi chính  phủ các nước như: Ấn Độ, Ba Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hoa Kỳ … Trong những năm gần đây, Chính phủ nói chung và Quỹ Lerici thuộc Trường Đại học Bách khoa Milanđã và đang phối hợp với UNESCO xúc tiến dự án nghiên cứu bảo tồn khu di tích Mỹ Sơn từ trước và sau khi quần thể di tích lịch sử độc đáo này được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Chính phủ Nhật Bản, tổ chức JICA, Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) và nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã quan tâm giúp đỡ, hợp tác, hỗ trợ tỉnh Quảng Nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Phố cổ Hội An. Những hiệu quả bước đầu của các dự án hợp tác đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ di sản”- Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam- ông Lê Văn Thanh chia sẻ.

Mô hình, cách làm của Việt Nam được thế giới ghi nhận

Trao đổi tại Hội thảo, ông Michael Goft, Trưởng Đại diện Văn phòng của UNESCO tại Việt Nam bày tỏ sự đồng tình chủ trương và quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; đồng thời cũng đặt ra một số yêu cầu trong việc phát huy vai trò của cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Ông Michael Goft cho rằng, kinh nghiệm của Quảng Nam trong 20 năm qua đang được cộng đồng thế giới ghi nhận và phát huy. Đó là việc tôn trọng và lắng nghe ý kiến, quyền lợi của cộng đồng tại khu vực di sản. Nhiều chính sách của Quảng Nam trong 20 năm qua đã có nhiều chính sách đi vào cuộc sống, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân tại Khu đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn hay tại Cù Lao Chàm. Quảng Nam đã thực sự hiểu và tạo điều kiện để cộng đồng dân cư và du khách khi đến đây đều có trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản gắn với quyền lợi được thụ hưởng các giá trị di sản mang lại. Điều đó đã góp phần đưa thương hiệu của Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm lan tỏa ngày càng rộng rãi, phổ biến trên toàn cầu.

 

Ông Michael Goft, trưởng văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao đổi tại Hội thảo


“Mặc dù việc công nhận Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn hay Cù Lao Chàm là những Di sản văn hóa thế giới không đặt ra mục tiêu là để phát triển du lịch. Song với sự cộng đồng trách nhiệm của người dân, các cấp chính quyền và sự tham gia phối hợp gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị si sản của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới và các Bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam, đến nay Hội An và Mỹ Sơn cũng như Cù Lao Chàm, mỗi năm lượng du khách đến đây một tăng cao. Đó chính là yếu tố quan trọng cần được xem xét, bởi có nguyên nhân tác động từ vai trò của cộng đồng mang lại. Chính vì thế, mô hình và cách làm của Việt Nam, của Quảng Nam đang được các nước trên thế giới tham khảo, áp dụng”- ông Michael Goft, trưởng văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết thêm.

 

Phát triển du lịch đi đôi nâng cao trách nhiệm của người dân

Chia sẻ tại Hội thảo những kinh nghiệm trong việc phát huy vai trò của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Mỹ Sơn, ông Phan Hộ- Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Khu di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết: "Trong 20 năm qua, BQL Khu di sản Văn hóa Mỹ Sơn luôn khẳng định cộng đồng có vai trò quan trọng của mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản. “Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Mỹ Sơn luôn có những khó khăn nhất định. Bởi đây là quần thể kiến trúc khảo cổ học và trong thời gian dài Mỹ Sơn bị lãng quên; dưới tác động của thời gian, chiến tranh đã làm hư hại nhiều kiến trúc công trình. Và những giá trị độc đáo về kiến trúc đền tháp của Mỹ Sơn lại đem đến những khó khăn cho công tác trùng tu từ kỹ thuật, vật liệu…”.

Theo ông  Phan Hộ, với tính chất yêu cầu công tác quản lý, bảo tồn Mỹ Sơn đòi hỏi vai trò của cộng đồng rất quan trọng. Vì vậy, Mỹ Sơn đã áp dụng một mô hình quản lý bảo tồn dựa vào sự xích lại của cộng đồng dân cư với di sản. Thực hiện nâng cao nhận thức của người dân là mục tiêu quan trọng lâu dài như chương trình đưa giáo dục di sản vào học đường; tăng cường phổ biến pháp luật cho người dân về bảo tồn văn hóa, bảo vệ di sản, tránh xâm hại các công trình kiến trúc, xâm hại, khai thác lâm sản trên diện tích rừng khoanh cấm; hỗ trợ sinh kế người dân để chuyển đổi mô hình kinh tế, đồng thời thực hiện các cam kết gắn trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi với người dân thông qua các chương trình chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các chương trình phúc lợi để nhân dân thụ hưởng. 

Quang cảnh tại Hội thảo "Vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản
hóa thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn” sáng 8/9


 Trong những năm qua, BQL Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã cùng với địa phương ký kết quy chế phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo vệ di sản, tuyên truyền các giá trị di sản đến cộng đồng. Ở Mỹ Sơn, cộng đồng địa phương được trực tiếp hưởng lợi qua việc triển khai các dự án bảo tồn di tích như: dự án trung tu di sản, qua chương trình trùng tu thuộc dự án Ấn Độ triển khai từ năm 2016 và chương trình dự án đào tạo nghề trung tu do chính phủ Italia tài trợ đã giải quyết việc làm cho người dân tại đây.

Trong khi đó, kinh nghiệm từ Hội An được Ths. Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản Văn hóa Hội An chia sẻ: Thực tế 20 năm qua Hội An đã trở thành một trong những trường hợp thành công nhất ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của di sản văn hóa, thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng định hướng phát triển du lịch. “Quá trình thực thi vai trò của cộng đồng ở Hội An đã đạt được nhiều thành quả, Đô thị cổ Hội An vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn về cảnh quan, không gian kiến trúc và là nơi người dân vẫn sống cuộc sống đời thường với những phong tục, tập quán xã hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống, giữ gìn sự độc đáo về văn hóa- sinh thái- nhân văn.

Tuy nhiên, theo ông Trung, thực trạng hiện nay ở khu phố cổ Hội An đang có những thách thức, mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ với yêu cầu, nguyên tắc bảo tồn di sản; giữa nhu cầu thực tiễn của hoạt động bảo tồn với đầu tư về kinh phí hạn hẹp; giữa nhu cầu khoa học ngày càng cao hoạt động bảo tồn với con người, phương tiện. Tổng quát những nội dung này đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu của sự phát triển với nguyên tắc bảo tồn di sản cho mục tiêu hội nhập mà không bị đánh mất hoặc làm mai một di sản./.

 

 

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực