Tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Hoàng thành Thăng Long

Thứ sáu, 17/01/2020 21:02
(ĐCSVN) – Nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” bao gồm việc thực hiện lần lượt các tục lệ cổ là: Lễ ban sóc, phất thức; lễ cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép và lễ dựng cây nêu. Đây là các nghi thức được nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long thực hiện mỗi dịp Tết đến, xuân về. Cũng theo tục lệ, chỉ khi nghi lễ trong hoàng cung kết thúc, gia đình quan lại và dân chúng mới tiến hành nghi lễ này tại tư gia.

Ngày 17/1, tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức nghi lễ “Tống cựu nghinh tân”.

Nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” bao gồm việc thực hiện lần lượt các tục lệ cổ là: Lễ ban sóc, phất thức; lễ cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép và lễ dựng cây nêu. Đây là các nghi thức được nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long thực hiện mỗi dịp Tết đến, xuân về. Cũng theo tục lệ, chỉ khi nghi lễ trong hoàng cung kết thúc, gia đình quan lại và dân chúng mới tiến hành nghi lễ này tại tư gia.

 
Thả cá chép trên dòng sông cổ thuộc khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

Tại điện Kính Thiên, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế; tham dự lễ dựng cây nêu tại sân Đoan Môn, thả cá chép trên dòng sông cổ thuộc khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

Việc tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” cũng mở ra chuỗi hoạt động Tết Việt 2020 tại Hoàng thành Thăng Long với chủ đề “Nét bút ngày xuân”. Điểm nhấn của không gian Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long chính là không gian trưng bày về nhà Nho với văn phòng tứ bảo “giấy, mực, bút, nghiên” cùng nhiều câu đối mang ý nghĩa sâu sắc, gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, thịnh vượng trong năm mới.

Không gian sắp đặt ngoài trời được thể hiện một cách biến hóa, bay bổng bằng nhiều cụm trang trí nổi bật với nón, đèn lồng, chong chóng, câu đối và chữ viết. Không gian vui chơi cho trẻ em tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống qua các câu chuyện Tết ở Hoàng cung gắn với phong tục khai bút, xin chữ. Cũng tại đây, công chúng và du khách được trải nghiệm nghệ thuật viết thư pháp, học gói bánh chưng, làm bưu thiếp, hoa giấy…

Ngoài ra, tại khu vực điện Kính Thiên còn tổ chức trưng bày hai chuyên đề: “Vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc trong lịch sử trị vì tại Hoàng thành Thăng Long” và “Rồng - vương triều, uy quyền” nhằm hệ thống những tư liệu lịch sử, giới thiệu khái quát về các triều đại phong kiến nối tiếp nhau, tạo nên một kinh thành Thăng Long kỳ vĩ, một trung tâm quyền lực tồn tại lâu dài trong lịch sử.

 
Nghi lễ dựng cây nêu.

Đặc biệt, trong dịp xuân năm nay, không gian Hoàng thành Thăng Long cũng được tổ chức nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ. Cụ thể, khu vực Đoan Môn sẽ thêm phần nổi bật với cụm trang trí từ hoa xác pháo, hoa hướng dương, hoa cúc... Khu vực điện Kính Thiên được trang trí bằng các loại cây ăn quả và nhiều loài hoa thể hiện vẻ quyền quý, như: lan, trà, mẫu đơn, hồng cổ… Khu vực Hậu Lâu tạo cảnh vườn hoa xuân đa sắc với đào, mai, hồng…

Bên cạnh đó, công chúng và du khách sẽ được trải nghiệm không gian chợ Tết, tìm về Tết xưa qua các trò vui dân gian: Viết câu đối, làm hoa Tết, ghép tranh vải, nặn tò he, thưởng thức các tiết mục múa rối nước đặc sắc.

Các hoạt động tại chương trình Tết Việt “Nét bút ngày xuân” nhằm tiếp tục giới thiệu các kết quả nghiên cứu, tái hiện nghi thức truyền thống trong cung đình và dân gian dịp Tết Nguyên đán tại Hoàng thành Thăng Long, góp phần phát huy các giá trị di sản tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, giúp du khách tìm về cội nguồn xưa, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc./.

Tin, ảnh: Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực