Thầy giáo người Mông gieo mầm con chữ trên đỉnh mờ sương

Chủ nhật, 31/05/2020 12:01
(ĐCSVN) - Đã bảy mùa sương giá, ở nơi đỉnh núi Khau Éc cao vời vợi, có một thầy giáo mầm non đã gác lại những công việc gia đình và niềm vui của tuổi trẻ để lặng lẽ, cần mẫn vượt suối, băng đèo gieo mầm con chữ. Đó là câu chuyện của thầy giáo trẻ Ma Văn Sấu (sinh năm 1987, dân tộc Mông), giáo viên ở điểm trường Nậm Dìn, trường Mầm non xã Tân Tiến (Bảo Yên, Lào Cai).

Vượt qua cung đường hơn 30 cây số uốn lượn quanh những triền núi cao ngất trời, chúng tôi đến được trung tâm xã Tân Tiến, một xã vùng cao xa xôi và gian khó nhất của huyện Bảo Yên. Theo bước chân của cán bộ Đoàn xã, chúng tôi tiếp tục “ngược sơn” chừng 4-5 cây số dốc núi để đến điểm trường Nậm Dìn của trường Mầm non xã Tân Tiến.

Trên con đường dẫn đến điểm trường, dòng suối Nậm Luông đổ nước từ trên cao trắng xóa, những vạt rừng đại ngàn trên đỉnh Khau Éc gợi lên sắc màu hoang vu, hoang hoải. Ven đường, những vạt lau đang trổ hoa trắng cả một vùng trời. Từ không gian ấy, vang lên đâu đây tiếng đọc bài, tiếng hát trẻ thơ theo làn gió mà phả vào cái se se lạnh của tiết trời mùa thu. Nơi ấy, điểm trường Nậm Dìn, gồm cả lớp tiểu học và mầm non, là nơi con em đồng bào Mông, Dao của bản học chữ.

Học trò Nậm Dìn yêu mến thầy Sấu và luôn mong đợi thầy mỗi ngày.

Mới đến đầu bản, hỏi về thầy giáo Ma Văn Sấu, ai ai cũng biết vì đó là thầy giáo rất đặc biệt, không chỉ được dân bản yêu quý mà thầy là thầy giáo mầm non duy nhất của trường mầm non Tân Tiến, người đứng lớp ở điểm trường này tính đến nay đã 7 mùa sương giá. Dân bản ai cũng tin, cũng quý thầy Sấu như con em của mình vì thầy là người dân tộc Mông, tình nguyện lên bản để dạy chữ cho con em họ nên thầy gần gũi với bản như ruột thịt vậy.

Bên lớp học đơn sơ của điểm trường, dáng người hao gầy nhưng rắn rỏi, giọng nói cởi mở, chân thành, đậm chất giọng của người Mông, thầy giáo Sấu say sưa kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian thầy nhận nhiệm vụ đứng lớp ở Nậm Dìn. Thầy Ma Văn Sấu sinh năm 1987, quê ở xã Tân Dương (Bảo Yên, Lào Cai), cách điểm trường gần 40 cây số. Tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai năm 2013, thầy Sấu nộp hồ sơ đăng ký về dạy chữ tại quê hương mình. Được cấp trên đáp ứng nguyện vọng, thầy Sấu được phân công về trường Mầm non Tân Tiến, nơi cao, xa, khó nhấtc của huyện Bảo Yên. Vì là thầy giáo duy nhất của trường, thầy Ma Văn Sấu tình nguyện “cắm bản” Nậm Dìn từ đó cho đến nay. Trước khi đến với Tân Tiến, không chỉ riêng thầy Sấu mà bất kỳ giáo viên nào đều cảm thấy “rợn người” khi lần đầu nghe những tên bản, tên làng như Nặm Chày, Nặm Hu, Nặm Dìn, Nặm Phầy...Và khi vượt qua những con suối, những dốc đèo để đến với Tân Tiến, chắc hẳn ai cũng thầm hiểu những gian khó đang đón đợi ở phía trước. Thế nhưng, với lòng yêu nghề, mến trẻ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy giáo Ma Văn Sấu đã gạt sang một bên những khó khăn, thiếu thốn để tình nguyện dấn thân vào nơi điểm trường xa xôi. “Ai cũng bằn chùn trước việc khó thì con trẻ lấy ai mà dạy chữ cho. Mình nghĩ thế nên không ngại ngùng gì khi cắm bản”, thầy Sấu tâm sự.

Thầy Sấu chăm sóc cho trẻ hằng ngày tại điểm trường.

Điểm trường mầm non Nậm Dìn cách trường trung tâm 4-5 cây số, nằm vắt vẻo ở lưng chừng núi. Đường lên điểm trường có mấy trăm mét đổ bê bông còn chủ yếu là đường đất. Trời nắng thì đỡ nhưng cứ vào khi trời mưa thì con đường đất đỏ ngầu trở nên lầy lội, đi bộ đã khó huống chi là xe máy. Vì thế, thầy Ma Văn Sấu cùng với đồng nghiệp dạy tiểu học Hoàng Văn Minh ở lại luôn điểm trường sau buổi lên lớp để vơi bớt những khó nhọc. Lớp học của điểm trường được xây cách đây gần chục năm, trước đó là nhà vách nứa rất đơn sơ, tềnh toàng. Thầy Sấu kể rằng, lớp xây như thế chỉ tạm ổn vào mùa hè còn vào mùa đông thì lạnh lắm vì điểm trường ở trên cao, gió hun hút, trống trải, có khi chỉ qua một đêm, mái nhà và sân chơi của học sinh đã bị tốc hết, tan hoang.

Hàng năm, số học sinh mầm non từ lớp 2-5 tuổi tại điểm trường Nậm Dìn dao động từ 25-30 cháu, trong đó đa số là con em đồng bào Mông, Dao của bản. Thầy Sấu kể rằng, mấy năm nay, thầy cùng trưởng bản thường xuyên tuyên truyền cho dân bản về vai trò của việc học để đồng bào hiểu và đưa con em đến trường đúng độ tuổi. Chính vì thế, những năm gần đây, điểm trường của thầy học sinh đến trường khá đều đặn, ít khi phải đi vận động.

 Là thầy giáo dạy mầm non, với thầy Sấu, đó là cái duyên với nghề nhưng cũng đồng nghĩa với những khó khăn. Bởi lẽ, các cháu vốn quen với lời nói nhẹ nhàng, giọng hát ngọt ngào, điệu múa duyên dáng của những cô nuôi dạy trẻ. Vì thế, khi đứng lớp, thầy Ma Văn Sấu là “vai chính” làm tất cả mọi việc trong vai trò của một giáo viên mầm non. Ban đầu, công việc có vẻ như khó khăn nhưng dần dần, thầy đã thành thạo kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và cả những công việc phục vụ cho bữa ăn của các cháu nơi điểm trường này. Điều thuận lợi của thầy Sấu vì thầy là dân tộc Mông, nên thầy rất am hiểu tâm lý, cách nói của các cháu. Vì thế, thầy đã cố gắng tự tay mình làm những đồ chơi từ những vật liệu bỏ đi, tự tay thầy rửa mặt cho các cháu và cùng phụ huynh nấu cơm cho các cháu ăn trưa tại điểm trường. Dần dần, tình yêu mảnh đất Nậm Dìn hòa vào tình yêu con trẻ đã tiếp thêm động lực để thầy Sấu vượt qua những khó khăn, sáng tạo những gì có thể và hoàn thành vai trò “thầy giáo nuôi dạy trẻ” giữa đỉnh trời này.

Vừa trò chuyện, đôi mắt thầy Ma Văn Sấu nhìn sang phía vạt rừng của đỉnh núi Khau Éc như đang suy tư về điều gì đó. Cảnh đẹp là thế nhưng cũng báo hiệu một mùa đông giá rét sắp về, mang theo cái rét như cắt da cắt thịt đến bản làng này. Thầy Sấu kể rằng, vào mùa đông, những khi tiết trời dưới 10 độ, phải cho học sinh nghỉ học. Vào những ngày giá rét, sương mù đặc quánh khắp không gian, mưa phùn, thầy trò cùng nhau đốt những đống lửa ngay cửa lớp để xua tan đi giá lạnh. “Chỉ thương các con đến trường vào mùa đông, quần áo mong manh, giày không có, chân tay run rẩy, mi mắt dính đầy sương”, thầy Sấu tâm sự. Những lúc ấy, thầy Sấu chỉ mong có những đoàn thiện nguyện đến và mang theo những chiếc áo ấm, mũ len, giày để giúp các cháu vượt qua giá lạnh.

 Cắm bản dạy chữ, thầy giáo Ma Văn Sấu thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của một giáo viên. Những buổi sinh hoạt chuyên môn, thầy ra trường trung tâm để cùng đồng nghiệp trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, cùng làm đồ dùng dạy học và tham gia hội giảng, thao giảng. Nhiều năm liên tục, thầy Sấu được công nhận danh hiệu lao động tiên tiến. Cô giáo Nguyễn Thúy Lưu, Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Tiến chia sẻ: “Thầy giáo Ma Văn Sấu là thầy giáo mầm non rất tận tụy với nghề, thầy đã vượt qua những khó khăn để cắm bản gieo chữ. Tấm gương của thầy được đồng nghiệp ghi nhận và noi theo”. Còn ông Sùng Seo Thái (dân tộc Mông), trưởng bản Nậm Dìn nhận xét: “Thầy Sấu tốt lắm, ngày nào cũng cần mẫn đến điểm trường để dạy chữ cho con em dân bản. Dân bản mình tin yêu thầy như ruột thịt”. Vì “cắm bản” nên cả tuần thầy Sấu vắng nhà, chỉ cuối tuần mới xuống núi về với vợ con, nên những công việc ở nhà, thầy Sấu phải nhờ cả vào người vợ làm nghề nông đảm nhiệm. Hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, hai con còn nhỏ, nhưng vợ thầy Sấu luôn động viên chồng yên tâm công tác, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Bảy năm cắm bản trên đỉnh Khau Éc cao vời vợi, là “mẹ hiền” của đàn em nhỏ người Mông, người Dao, quanh năm làm bạn với núi rừng, mây trời và giá lạnh, đó là quãng thời gian để thầy Ma Văn Sấu có những trải nghiệm ý nghĩa về nghề gieo chữ. Thật khó để đánh đổi bằng vật chất hay phần thưởng để đi vào nơi gian khó. Chỉ có sự dấn thân, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ mới chiến thắng nổi giá lạnh, suối sâu, đèo cao và nỗi nhọc nhằn của công việc dạy chữ nơi điểm trường.

Bầu trời Nậm Dìn trong vắt một màu, giữa bạt ngàn màu xanh của cây lá, vi vút của ngàn lau, tiếng thác đổ của suối đại ngàn, tiếng đọc bài của con trẻ vang lên trong trẻo, tràn đầy hi vọng. Thầy giáo Ma Văn Sấu đang gieo mầm con chữ, gieo mầm ước mơ, để ngày mai, những ước mơ ấy sẽ bay cao, bay xa, vượt qua đỉnh núi Khau Éc mờ sương./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực