Thử nghiệm táo bạo trong vở rối “Mơ rồng”

Thứ bảy, 21/09/2019 20:30
(ĐCSVN) – "Mơ rồng" - vở múa rối nước pha trộn nhiều loại hình sân khấu khác nhau là cuộc thử nghiệm sân khấu thú vị nhưng cũng đầy thách thức trong việc mở rộng không gian và khả năng diễn tả của nghệ thuật rối nước truyền thống.

“Mơ Rồng” kể lại giấc mơ của một nghệ sỹ tạo hình các nhân vật rối, trong một đêm làm việc và sáng tạo miệt mài đã ngủ thiếp đi giữa những nhân vật rối đang dần hoàn thiện của mình.

Trong giấc mơ, nghệ nhân đã thấy tễu và rồng thực hiện hành trình vòng quanh trái đất, tới châu Mỹ, châu Phi... tìm cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của nhân loại như biến đổi khí hậu, bắt cóc trẻ em, rác thải công nghệ, bệnh tật đói nghèo... Vở diễn kết thúc với lễ hội hòa bình, nơi tễu và rồng mời bạn bè từ khắp bốn biển, năm châu cùng vui hội quanh hồ Hoàn Kiếm, tại Thủ đô Hà Nội "Thành phố vì hòa bình".

"Mơ rồng" là một cuộc thử nghiệm đầy táo bạo giữa kỹ thuật biểu diễn của nghệ sỹ rối nước. (Ảnh: Hà An)

"Mơ rồng" là một cuộc thử nghiệm đầy táo bạo giữa kỹ thuật biểu diễn của nghệ sỹ rối nước, những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre, lại trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại.

"Mơ rồng" đồng thời cũng là cuộc thử nghiệm táo bạo khi kết hợp hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sỹ nổi tiếng người Úc, Darin Verhagen với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống của Việt Nam. Trong đó, âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại làm nền tảng cho tiết tấu và tạo dựng không gian, khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn với nhiều loại hình rối kết hợp như rối nước, rối dây, rối lốt và rối que.

Không gian của vở diễn không chỉ gói gọn trong bể nước, nơi xuất hiện các tích trò rối nước cổ hay buồng trò, nơi giấu các diễn viên điều khiển rối mà diễn ra rộng khắp toàn bộ khán phòng. Con rối không chỉ xuất hiện trước mặt người xem mà còn ở sau lưng, ở hai bên khán đài khiến họ bị bất ngờ và tò mò với các màn diễn tung hứng hóm hỉnh giữa các con rối.

Tác giả kịch bản, đạo diễn của vở "Mơ rồng" Lê Quý Dương chia sẻ, anh đã xây dựng nên tác phẩm bằng tình yêu và tấm lòng nâng niu, trân trọng nghệ thuật múa rối nước truyền thống, đã được nhiều thế hệ người Việt gìn giữ và truyền lại đến ngày nay. Với tham vọng của một người làm nghề, không chịu dừng lại trên con đường đã quen thuộc, anh muốn vượt lên chính mình, khai mở một con đường mới bằng việc thử nghiệm những thủ pháp nghệ thuật mới. Việc tạo ra cái mới có thể thất bại, có thể thành công, nhưng anh mong muốn, khán giả sẽ đón nhận vở diễn với cái nhìn rộng mở, trân trọng khát vọng tìm tòi của ê kíp sáng tạo.

"Mơ Rồng" được trình diễn phục vụ du khách tại Nhà hát Múa rối Thăng Long từ 20/10 tới vào các buổi sáng thứ 7 và sáng Chủ Nhật hàng tuần. Đây cũng là vở diễn mà Nhà hát Múa rối nước Thăng Long đem so tài tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội từ 4-13/10.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực