Tô thắm thêm truyền thống nhân văn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Thứ tư, 26/07/2017 16:35
(ĐCSVN) - Mỗi khi tháng 7 về, để tô thắm thêm truyền thống nhân văn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, thế hệ những người dân Việt Nam lại cùng chung tay thực hiện nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng.


 Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức chương trình "Màu hoa đỏ"
 tri ân những người có công với cách mạng.(Ảnh: Thế Dương)

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước đã xác định được 8.841.199 người có công, trong đó có 1.146.250 liệt sĩ, 781.021 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 185.000 bệnh binh, 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.898.000 người có công giúp đỡ cách mạng, 4.146.796 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, 236.137 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…Ngoài ra, vẫn còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, 200.000 hài cốt đã tìm được nhưng chưa xác định được danh tính…..

Qua những con số đó có thể cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, sự mất mát, đau thương vô hạn của nhân dân và những hy sinh lớn lao mà các thế hệ cha anh đã hiến dâng cho Tổ quốc. Vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, hàng triệu người trong đó phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình, anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường và trong khi làm nhiệm vụ. Trên cả nước, mỗi tấc đất, mỗi dòng sông, gốc cây, ngọn cỏ đã in dấu bao người con ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Câu chuyện về những cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc hay những anh hùng như Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng… vẫn được truyền mãi và trở thành biểu tượng đẹp nhất cho lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả. Sự hy sinh anh dũng của các anh, các chị không chỉ là tấm gương sáng, mà còn là lời hiệu triệu thúc giục các thế hệ người Việt Nam noi theo. Cùng với tấm gương hy sinh quên mình của các anh hùng, liệt sĩ, thì hình ảnh nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn…rộng mênh mông với hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ cũng trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, ý chí kiên cường bất khuất và sự hy sinh cao cả của cha anh.

Không chỉ trong chiến tranh, ngay trong cuộc sống hoà bình hôm nay, vẫn tiếp tục có những người con vì đất nước, vì nhân dân mà phải hy sinh tính mạng hoặc phải chịu thương tật suốt đời. Đó là những chiến sĩ bộ đội hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện; những chiến sĩ công an hy sinh trong khi truy bắt tội phạm nguy hiểm; hay những cán bộ, công nhân viên… hy sinh,quên mình trong lao động sản xuất, ….. Các anh, các chị mãi là những tượng đài đẹp nhất, thiêng liêng, cao cả nhất, làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi Việt Nam!.

Đảng Nhà nước và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của các anh các chị- những người đã không tiếc máu xương chiến đấu, hy sinh hay mang trên mình thương tật suốt đời vì sự tồn vong của quốc gia dân tộc, vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng chính là truyền thống, là đạo lý nhân văn của dân tộc.

70 năm đã trôi qua, truyền thống nhân văn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “đền ơn đáp nghĩa” luôn được thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ và nhân rộng theo suốt chiều dài lịch sử. Không chỉ có ngày 27/7 mà hàng ngày, hàng giờ thế hệ những người dân Việt Nam vẫn ghi nhớ và tiếp bước truyền thống, thực hiện di nguyện của cha anh. Họ không chỉ chung tay chăm lo đời sống cho những người có công với cách mạng, gia đình chính sách thông qua các việc làm cụ thể, thiết thực mà quan trọng hơn hàng ngày, hàng giờ thế hệ cháu con vẫn đang miệt mài lao động sáng tạo để dựng xây đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn như ước nguyện khi các anh, các chị ngã xuống.

Chúng ta tự hào biết bao khi hàng năm, hàng triệu người có công với cách mạng được chăm lo, hàng vạn nhà tình nghĩa được xây dựng và hàng vạn sổ tiết kiệm được trao tặng cho thân nhân và những người có công với cách mạng... Vẫn biết rằng những việc làm này rất nhỏ bé so với với những cống hiến, hy sinh to lớn của cha anh, nhưng nó đã phần nào thể hiện được tấm lòng, tình cảm, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam hôm nay.

70 năm đã trôi qua, thời gian càng lùi xa chúng ta thấm thía ý nghĩa của sự hy sinh to lớn ấy để ngày càng có nhiều hơn những hoạt động chia sẻ, tri ân những người có công với đất nước. Trên chiến trường khắc nghiệt xưa, những dãy nhà cao tầng đã mọc lên san sát, xen lẫn những cánh đồng bát ngát màu xanh. Phải chăng, những cố gắng của cháu con hôm nay chính là đang tiếp bước và thực hiện di nguyện của cha anh. Để mỗi khi tháng 7 về, chúng ta không phải hổ thẹn khi nghiêng mình thành kính trước các tượng đài Tổ quốc ghi công - tượng đài đẹp nhất, thiêng liêng và cao cả nhất về sự hy sinh và lòng dũng cảm./.

Kim Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực