Tọa đàm trực tuyến “Dấu ấn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”

Thứ bảy, 03/07/2010 16:17

 

Ảnh: Chinhphu.vn 

Đẩy mạnh tuyên truyền về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng 3/7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Dấu ấn ngàn năm Thăng Long – Hà Nội”. Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền – Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội; Giáo sư – Tiến sĩ Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nêu bật ý nghĩa của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, công tác chuẩn bị trước, trong và sau dịp kỷ niệm với những công trình, việc làm cụ thể. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước đang gấp rút hoàn tất những công tác chuẩn bị cuối cùng theo Chỉ thị số 30/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đánh giá cao vai trò to lớn của công tác tuyên truyền hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng chí Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được chuẩn bị từ rất sớm và được triển khai thiết thực, ngày càng đẩy mạnh. Chúng ta đã tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại lễ 1000 năm, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, tuyên truyền về các giá trị lịch sử quý giá của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là chương trình 10 ngày đỉnh cao của Đại lễ… Công tác tuyên truyền thời gian qua khá phong phú, thông qua hệ thống cơ quan báo chí trung ương và địa phương, qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên trên cả nước, thông qua sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Nội dung kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội được lồng ghép vào hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các ngày hội quan trọng của địa phương từ Bắc tới Nam. Chính vì vậy, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã đi vào nhận thức, vào tình cảm của người dân, với niềm tự hào, sự trông đợi… Để mọi người nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, tích cực tham gia vào các hoạt động kỷ niệm, vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội là rất quan trọng. Các chương trình giới thiệu, quảng bá, trình diễn, sáng tác về Thăng Long – Hà Nội cần được đẩy mạnh hơn nữa, tạo sự lan truyền, cảm hóa mạnh mẽ để mọi người dân hiểu hơn về hình ảnh Thủ đô ngàn năm tuổi.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội, công tác chuẩn bị của thành phố Hà Nội và các công trình, dự án đang được gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ. Bên cạnh đó, việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng được thành phố và các địa phương quan tâm nhằm lưu giữ những di sản văn hóa của Thăng Long-Hà Nội. Các đại biểu cũng chia sẻ việc làm thế nào để có thể gìn giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến trong bối cảnh Hà Nội đang không ngừng phát triển, trở thành một thành phố văn minh hiện đại. Đó cũng là trăn trở của những người yêu mến và gắn bó với Hà Nội. Về việc bảo vệ những di sản, trong đó bao gồm cả những di sản vật thể và phi vật thể truyền thống như phong tục tập quán, phong cách sống rất cần có vai trò của giáo dục, Giáo sư – Tiến sĩ Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng: Tiến trình 1000 năm lịch sử đã để lại cho Hà Nội những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng to lớn, đó là những nhân tố đã tạo nên diện mạo của Thăng Long - Hà Nội. Các di sản văn hóa tinh thần như bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Lễ hội Đền Gióng đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nếu những di sản này được công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì sự kiện này có một ý nghĩa đặc biệt trong dịp Thăng Long - Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm tuổi.

Bản sắc của Thăng Long – Hà Nội đã hội tụ được tinh hoa của cả nước, tạo nên nền văn hiến của dân tộc Việt Nam trải suốt ngàn năm qua. Năm 2010 thực sự là một năm đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam. Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần, với mong muốn lễ kỷ niệm thực sự là ngày hội của toàn dân, rất nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt đang được chuẩn bị để phục vụ nhân dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương cùng với sự tham gia hưởng ứng của người dân, lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức thật ấn tượng để ghi nhớ dấu mốc Thăng Long – Hà Nội tròn 1000 năm tuổi./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực