Tôn vinh âm nhạc cổ điển

Thứ sáu, 06/12/2019 16:21
(ĐCSVN) - Sau một tuần diễn ra sôi nổi (từ ngày 30/11 - 05/12), Cuộc thi Âm nhạc Mùa Thu 2019 với sự tham gia tranh tài của 170 thí sinh thuộc 04 bộ môn (Hoà tấu, Độc tấu Piano, Độc tấu Violin và Hát Thính phòng - Nhạc kịch) đã khép lại nhưng vẫn để lại trong lòng khán giả những ấn tượng và cảm xúc khó phai.
leftcenterrightdel
Ban Tổ chức trao giải cho các thí sinh Hát Thính phòng - Nhạc kịch xuất sắc. (Ảnh: K.T) 

Trước sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới, đặc biệt là sự phát triển mang tính đột phá về công nghệ giải trí đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của tất cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn, trong đó âm nhạc cổ điển thính phòng, nhạc kịch cũng không là trường hợp ngoại lệ. Trải qua một thời gian khá dài, được sự ủng hộ chỉ đạo nhiệt tình của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với nhiều nỗ lực của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các đơn vị liên quan, Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu - 2019 đã được khởi động trở lại. Mặc dù vậy cuộc thi vẫn có sức thu hút mạnh mẽ. Gần 170 thí sinh trên mọi miền của đất nước đã cùng về tranh tài và toả sáng tại các bảng dành cho các độ tuổi khác nhau với các chuyên ngành Thanh nhạc, độc tấu Piano, Violin và hoà tấu. Đây là thành công lớn của Ban Tổ chức bởi con số đó đã chứng minh được rằng âm nhạc cổ điển Việt Nam vẫn phát triển và tiếp cận được với các nền âm nhạc khác.

Trong 5 ngày với 13 buổi trình diễn, các thí sinh đã đem hết sức mình, tập trung cao độ để thể hiện phần thi của mình. Ban Giám khảo đã làm việc với cường độ cao, tận tuỵ, miệt mài và công tâm nhằm đánh giá, lựa chọn ra những thí sinh có kết quả tốt nhất để vinh danh. Với mong muốn cuộc thi sẽ vươn tới một tầm cao hơn, các thí sinh, các nhà hoạt đông nghệ thuật có thể thu lượm được nhiều ý kiến với những cách nhìn nhận khách quan hơn, vì vậy bên cạnh các Giáo sư, Tiến sĩ, các NSND, NSƯT và các giảng viên hàng đầu về dòng nhạc thính phòng cổ điển, Ban Tổ chức đã mời thêm các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về các bộ môn Violin, Thanh nhạc và Piano đến từ các học viện nghệ thuật hàng đầu tại các nước Hungaria, Cộng hoà Pháp và Cộng hoà Liên bang Nga cùng tham gia các hội đồng. Đây cũng là cơ hội để các thí sinh, các nghệ sĩ có cơ hội giao lưu, tiếp xúc để học hỏi bổ sung thêm những kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp để tham gia hội nhập sánh vai với bạn bè quốc tế.

Tổng kết và đánh giá về chất lượng Cuộc thi, NSND Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi chia sẻ: Về bộ môn Violin, đã có 17 thí sinh đăng ký dự thi, tuy số lượng còn ít, nhưng các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp cao. Tất cả các thí sinh đều trình bày các tác phẩm theo đúng qui định của cuộc thi. Hầu hết các thí sinh trình diễn có chất lượng tương đối cao, và trong cuộc thi đã xuất hiện một số tài năng trẻ đầy triển vọng, các em đã có những bước tiến về diễn tấu sân khấu, có bản lĩnh. Đặc biệt có những em đã diễn xuất có cảm xúc âm nhạc và thể hiện cá tính riêng của mình. Tuy nhiên, một số thí sinh khi biểu diễn vẫn bị hạn chế về chất lượng vì yếu tố tâm lý, bị áp lực sân khấu, mất bình tĩnh. Đây là nhược điểm lớn của thí sinh Việt Nam vì ít có cơ hội biểu diễn trước công chúng.

Về Thanh nhạc, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật giải trí, đặc biệt là dòng nhạc nhẹ, đã có phần ảnh hưởng và lấn át dòng nhạc cổ điển, từ đó hát cổ điển thính phòng ít có cơ hội phát triển như trước. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc, phương pháp hát cổ điển vẫn còn được duy trì phát triển, bởi nó là cơ sở khoa học tạo điều kiện cho dòng hát nghiêm túc phát triển vững vàng. Trong đó phải kể đến Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế và các trường đại học lớn như trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... Cuộc thi lần này, bên cạnh những gương mặt nổi tiếng quen thuộc đã xuất hiện rất nhiều giọng ca trẻ triển vọng và khá đa dạng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên sự ổn định trong thể hiện vẫn chưa được khẳng định, hoặc việc lựa chọn tác phẩm cho mình chưa phù hợp từ đó hạn chế thể hiện những ưu điểm nổi bật của mỗi thí sinh.

Với bộ môn Piano, số lượng các thí sinh tham gia đông đảo chiếm tỷ lệ cao và trải đều ở cả ba miền, số lượng các đơn vị tham gia cũng được tăng cường không chỉ nằm ở các nhạc viện mà còn thu hút được ở các trường nghệ thuật khác. Số lượng các thí sinh tham gia được trải đều ở các lứa tuổi trong các bảng đặc biệt là bảng A và B. Đặc biệt trong cuộc thi đã bộc lộ được nhiều tài năng đang ở độ tuổi rất trẻ, các em đã sớm làm chủ được kỹ năng và nghệ thuật Piano ở trình độ cao. Đây cũng chính là tiền đề cho khả năng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc tế nói chung và nghệ thuật Piano nói riêng. Chúng ta có cơ sở và triển vọng để có thể đào tạo được người tài cho đất nước.

Với bộ môn Hòa tấu thính phòng tại Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu - 2019, đã thật sự mở lại một sân chơi hướng tới tất cả các đối tượng diễn viên, giảng viên, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, giảng dạy, học tập âm nhạc giao hưởng thính phòng. Thật tiếc là số lượng thí sinh tham gia lần này còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên các nhóm tham gia đã thể hiện khá tốt phần trình tấu của mình, điều đó cho thấy trình độ học thuật cũng như kỹ thuật sử dụng nhạc cụ của thí sinh là khá cao.

Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu - 2019 đã thực sự trở thành một hoạt động nghề nghiệp hết sức có ý nghĩ và có tầm quan trọng đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Thông qua kết quả cuộc thi sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo phát hiện, đánh giá thực trạng để từ đó có cách nhìn đầy đủ hơn, chính xác hơn và cũng từ đó sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát hiện, đào tạo bồi dưỡng những tài năng âm nhạc góp phần vào sự phát triển nghệ thuật chung của cả nước./.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực