Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười là thực tế sống và chiến đấu

Thứ tư, 03/10/2018 16:14
(ĐCSVN) - Giáo sư Vũ Khiêu trong một bài viết của mình đã cho rằng: “Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười chính là cuộc sống của đồng chí, là thực tiễn cách mạng mà đồng chí đã trải qua”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết này của Giáo sư Vũ Khiêu trích trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười – dấu ấn qua những chặng đường lịch sử”.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi,
huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Tôi được gặp đồng chí Đỗ Mười sau ngày Cách mạng Tháng Tám. Sáu mươi năm qua là 60 năm tôi được gần gũi và thường xuyên được học hỏi đồng chí trong công tác cũng như trong cuộc sống. Tôi có thể nói rằng, sự trưởng thành của tôi trên con đường cách mạng gắn liền với việc đồng chí quan tâm và bồi dưỡng tôi ngay những năm tháng đầu tiên khi tôi được gia nhập Đảng Cộng sản.

Tình cảm giữa đồng chí và tôi thực là sâu sắc. Hôm nay, nhân ngày sinh 88 tuổi của đồng chí, tôi không nói về nỗi riêng tư này mà chỉ nêu lên mấy điểm mà tôi cảm nhận được ở con người đồng chí:

1. Đồng chí đã suốt đời thể hiện một nhiệt tình mãnh liệt lý tưởng cách mạng, đối với sự nghiệp giải phóng cho dân tộc bị nô dịch, cho nhân dân bị đói khổ, cho con người bị chà đạp, cho nhân loại bị khổ đau.

Nhiệt tình ấy thường biểu hiện qua sự nhận thức rất nhạy bén trước mọi diễn biến của cuộc sống, qua sự giải quyết mau lẹ mọi vấn đề được đặt ra và đặc biệt qua một thái độ lúc nào cũng linh hoạt và sôi nổi.

Chính tình cảm sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng và tấm lòng thành thật yêu thương đối với mọi con người đã khiến cho cả việc làm và lời nói của đồng chí luôn luôn có một sức mạnh thuyết phục. Tôi được chứng kiến nhiều buổi nói chuyện của đồng chí với nhân dân và tôi đã vô cùng xúc động khi các cụ, các bác, các cô, các anh chị em cùng khóc như mưa khi đồng chí nói về tội ác của giặc, về nỗi khổ của nhân dân, về sự hy sinh của người cộng sản. Từ những ngày tháng ấy, tôi nhận thức được tài hùng biện của đồng chí, nhưng tôi nghĩ rằng ở đồng chí không chỉ là cách thức nói năng mà xuất phát từ những tình cảm cháy bỏng của đồng chí. Ở đây tôi rút ra bài học là không thể có những bài phát biểu hay nếu như không phải là những lời nói toát ra từ một khối óc sáng suốt và từ một trái tim thực sự chân thành.

Sau này tôi lại được biết khi đồng chí làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau đó làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong nhiều lần tiếp xúc với khách quốc tế và các đoàn ngoại giao, đồng chí đã chinh phục được lòng người qua những lời nói giản dị và đầy ý nghĩa. Đặc biệt, đồng chí thường nêu lên tinh thần nhân văn chủ nghĩa lấy truyền thống đại nghĩa của Việt Nam để thuyết phục đối phương và mở rộng quan hệ đa phương với tất cả các nước yêu chuộng hòa bình yên thế giới.

2. Từ lâu, tôi rất khâm phục tinh thần hiếu học của đồng chí Đỗ Mười. Khổng Tử ngày xưa có nói tới ba loại tri thức: thứ nhất là sinh ra đã biết (sinh nhi tri), thứ hai là do học mà biết (học nhi tri), thứ ba là do khốn khó mà biết (khốn nhi tri). Tôi thấy đồng chí Đỗ Mười đã tập trung vào mình cả ba loại tri thức đó. Trong khi tiếp xúc với đồng chí Đỗ Mười, tôi thấy đồng chí rất thông minh và nhạy bén trước mọi vấn đề. Nhưng tôi nghĩ rằng sự thông minh không đủ để cho một con người trở thành trí thức. Đồng chí còn là một người lăn lộn trong cuộc sống và trong chiến đấu. Nhà văn Xôviết Mácxim Gorki trong cuốn sách Trường đại học của tôi đã cho thấy ông trở thành một nhà văn lớn là do học tập từ trong cuộc sống gian khổ và khó khăn của ông. Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười chính là cuộc sống của đồng chí, là thực tiễn cách mạng mà đồng chí đã trải qua. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, cha mẹ đông con, bị phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột, đồng chí không được học nhiều. Nhưng tham gia cách mạng từ rất sớm (ngay từ năm 1936), bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò cho đến ngày đầu khởi nghĩa, đồng chí vượt ngục ra ngoài hoạt động, lúc đó sự tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật cộng với hai triệu người chết đói năm 1945, tất cả sự khốn khổ đó đã hun đúc tinh thần cách mạng và nâng cao tầm kiến thức của đồng chí.

Hai điều nói trên còn được bổ sung bằng một điều kiện thứ ba nữa. Đó là tinh thần tự học rất miệt mài và đầy nghị lực qua sách vở. Ngay từ thời đầu cách mạng, tôi thấy lúc nào đồng chí Đỗ Mười cũng có một cuốn sách trong cặp. Giờ nghỉ là đọc sách, đêm nằm cũng giở sách ra xem. Đồng chí tự gạch dưới hoặc chép lại những đoạn mà đồng chí cho là quan trọng. Hiện nay, trong nhà đồng chí có một thư viện gồm những sách đồng chí tích lũy từ trước và những sách đồng chí mới mua gần đây. Năm 1975, tôi có tặng đồng chí hai quyển sách vừa xuất bản năm đó: quyển Anh hùng và nghệ sĩ và quyển Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử. Hai quyển sách này rất dày mà chỉ sau một tháng sau, gặp tôi đồng chí nói: "Tôi đã đọc xong hai quyển sách của anh rồi". Tôi càng ngạc nhiên khi ngồi nói chuyện, đồng chí nhắc đến từng đoạn mà đồng chí cho là viết tốt và góp ý vào những đoạn mà đồng chí thấy còn thiếu sót.

Từ những điều nói trên khiến tôi nghĩ rằng sáu bảy mươi năm liên tục tự học với một sự cố gắng không mệt mỏi, đồng chí đã đạt tới một trình độ hiểu biết tương đối cao và toàn diện.

Tôi nghĩ rằng với bao nguồn hiểu biết ấy, đồng chí đã thực hiện thành công những nhiệm vụ rất đa dạng của Đảng và Nhà nước: từ những hoạt động khẩn trương trong vận động tổng khởi nghĩa đến làm bí thư nhiều tỉnh thời kháng chiến, phụ trách quân sự và chính trị ở quân khu cho đến Trưởng ban Phụ vận... Trong công tác chính quyền, đồng chí được giao những chức vụ từ Thứ trưởng đến Bộ trưởng, Trưởng ban Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Vật giá Chính phủ, Phó Thủ tướng và Thủ tướng...

Tôi nghĩ rằng, cuộc sống muôn màu đầy khó khăn và gian khổ cộng với tinh thần học tập suốt đời và óc thông minh vốn có, đó là trường đại học đầy đủ mà ít người có được.

3. Điều thứ ba mà tôi nhận thức được ở đồng chí: Đồng chí là một con người lúc nào cũng chân thành, yêu mến và săn sóc anh em đồng chí và đông đảo cán bộ chung quanh mình. Đồng chí quan tâm tới từng con người, hiểu biết những hoàn cảnh khó khăn của họ trong đời sống riêng tư cũng như trong công tác. Đặc biệt là đồng chí luôn luôn chú ý tới thế hệ trẻ sớm nhận ra những con người có đạo đức và tài năng để quan tâm bồi dưỡng và đề bạt họ. Chính vì thế mà những người đã từng gần gũi và làm việc nhiều năm với đồng chí Đỗ Mười đều hết lòng tin cậy và yêu mến đồng chí. Đối với tôi và nhiều người khác, đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng về một người cộng sản chân chính.


GS. Vũ Khiêu - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực