Tự hào những ngôi trường vùng chiến khu xưa

Thứ năm, 17/08/2017 23:13
( ĐCSVN)- Công tác giáo dục và đào tạo tại các xã vùng chiến khu xưa của tỉnh Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành.
Trường Tiểu Học Tôn Đức Thắng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được xây dựng khang trang từ năm 2011.


Cùng với hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp học ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều trường học đã không ngừng đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng dạy học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh Tuyên Quang.

Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từng là trung tâm căn cứ địa cách mạng, là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng quyết định vận mệnh của đất nước như: Đại hội đại biểu Quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) vào năm 1945... 72 năm đã trôi qua, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây đã nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, trong công tác giáo dục và đào tạo, trên địa bàn xã đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Đồng chí Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND Xã Tân Trào cho biết, từ chỗ không có cở sở giáo dục mà chỉ có các lớp bình dân học vụ xoá mù chữ, rồi có trường học đầu tiên cấp 1,2 tên gọi Bắc Vượng với cơ sở vật chất đơn sơ thì đến nay, các cơ sở giáo dục của xã đã phát triển với 3 bậc học gồm: Mầm non, Tiểu học và THCS. Các trường học đều được Nhà nước và tỉnh đầu tư xây dựng khang trang và đạt chuẩn Quốc gia.

Đến thăm Trường Mầm non Tân Trào, chúng tôi được chứng kiến cơ sở vật chất khang trang, trẻ được nuôi dạy trong môi trường giáo dục thuận lợi, đầy đủ trang thiết bị dạy học, bảo đảm cho trẻ phát triển toàn diện. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến lớp trong những năm qua luôn đạt 100%, có 100% trẻ được ăn trưa tại trường. Công tác chăm lo giáo dục mầm non đã nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều cơ quan Trung ương nhằm tri ân vùng quê cách mạng.

Cách Tân Trào không xa, Trường THPT ATK Tân Trào ở xã Minh Thanh (Sơn Dương) được thành lập năm 1972 với tên gọi Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Tuyên Quang. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã từng bước khẳng định vị thế, vai trò của một trường điểm trên vùng chiến khu cách mạng với nhiều thành tích đáng tự hào, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Thầy giáo Thạch Văn Bắc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường đã được đầu tư khang trang đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh lớp 12 của trường đỗ tốt nghiệp đạt 99,3%. Năm học 2017-2018, nhà trường có trên 600 học sinh, mục tiêu trong năm học sẽ tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, phấn đấu đạt trường chuẩn Quốc gia vào năm 2019.

Kim Bình (Chiêm Hoá) là địa danh lịch sử, nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951. Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, thầy và trò Trường THPT Kim Bình đã nỗ lực không ngừng trong công tác dạy và học. Cô giáo Trần Thị Lâm Hào, Hiệu trưởng nhà trường kể, trường được thành lập năm 1995 với tên gọi là Trường cấp 2+3 Kim Bình. Các lớp học đều là tranh tre nứa lá, giáo viên chưa đến 20 người. Năm 2012 từ nguồn vốn đầu tư, phát triển vùng căn cứ cách mạng, trường đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang với 1 dãy nhà 3 tầng 15 phòng học, 1 dãy nhà công vụ và các phòng học chức năng đầy đủ. Hiện nay, nhà trường có 41 cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn. Trong quá trình dạy học, giáo viên nhà trường luôn giáo dục cho học sinh về truyền thống quê hương cách mạng để các em nỗ lực rèn luyện, phấn đấu đạt được kết quả học tập tốt nhất.

Các trường học khu vực ATK đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và của tỉnh khi được đầu tư cơ sở vật chất ngày càng khang trang hơn. Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng ở xã Trung Yên (Sơn Dương) chỉ cách Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội hơn trăm mét. Từ nguồn vốn của Văn phòng Quốc hội, năm 2011 trường đã được đầu tư xây dựng khang trang với dãy nhà 2 tầng 14 phòng học và nhà hiệu bộ cho giáo viên. Giáo viên và học sinh nhà trường thường xuyên đến tham quan, nghe thuyết trình về khu di tích, nhiều hoạt động ngoại khóa, chăm sóc, tuyên truyền bảo vệ Khu di tích đã được nhà trường thực hiện. Thầy giáo Hà Văn Lan, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, những việc làm ý nghĩa trên đã góp phần giáo dục cho các thế hệ học sinh của xã về truyền thống cách mạng quật cường của cha anh. Nhiều học sinh Trường Tiểu học mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trưởng thành và luôn tự hào về nơi mình sih ra và lớn lên.

Mới đây, Trường THCS Trung Minh (Yên Sơn) đã đưa vào sử dụng nhà lớp học mới 2 tầng với 8 phòng học từ nguồn vốn đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, nhà trường đang được các đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ xây dựng nhà ăn bán trú cho các em học sinh của nhà trường. Theo kế hoạch, nhà ăn bán trú sẽ đưa vào sử dụng trong năm học mới 2017-2018. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang sẽ là động lực để thầy và trò nhà trường nỗ lực hoàn thành mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Học sinh là con em các dân tộc các xã ATK đã được học tập ở những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, đã nỗ lực để đạt được kết quả học tập tốt nhất. Em Hà Phúc Khương ở xã Công Đa (Yên Sơn) hiện là sinh viên năm thứ 2, Học viện An ninh Nhân dân cho biết, chúng em rất tự hào khi được học tập và trưởng thành ở ngôi trường thuộc vùng chiến khu xưa. Ai cũng cố gắng học tập, rèn luyện để sau này trở thành người công dân tốt, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, các trường học nằm trên địa bàn các xã ATK đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chung của tỉnh Tuyên Quang.

 

 

                                                                    

Bài, ảnh: Huy Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực